Cảm thụ văn học: Hương lúa quê hương trong thơ ca dân tộc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những vần thơ của Trần Đăng Khoa cùng tiếng giảng bài cô giáo trường quê năm nào lại sống dậy bên tai...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Tuổi thơ tôi đi qua từ lâu nhưng hàng năm khi nắng vàng rải lên đồng nội, trở về con đường rợp bóng tre xanh có mùi thơm gạo mới, đống thóc vàng mẩy hạt trên sân phơi… kí ức tuổi thơ bất chợt hiện về.

Lặng trong nỗi niềm thiết tha, nhung nhớ, những vần thơ của Trần Đăng Khoa cùng tiếng giảng bài cô giáo trường quê năm nào lại sống dậy bên tai. Hạt gạo làng ta. Có vị phù sa… Bài ca trở thành khúc hát ru ngọt lịm tình quê chảy mãi trong tôi theo suốt cuộc đời.

Như một sự gặp gỡ kì diệu, thiêng liêng, tất cả những câu thơ viết về hương lúa, hạt gạo, mùi thơm nếp mới đều là những vần thơ hay gọi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc tha thiết, chân thành. Tôi yêu cánh đồng quê, yêu người nông dân mặn chát mồ hôi trên luống cày, yêu vần thơ Việt Nam đất nước ta ơi, mênh mông biển lúa đâu trời đep hơn của Nguyễn Đình Thi.

Tôi lớn lên trong khúc hát ru ầu ơ của bà, của mẹ, trong khói lam chiều thoảng mùi thơm nếp mới để rồi những ngày tháng xa quê tôi lại tìm về khung trời bình yên qua những vần thơ đậm hồn dân tộc nói về hương lúa mới ngọt ngào.

Bắt đầu là bài ca dao quen thuộc thuở nào:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, để có được hạt gạo dẻo thơm, người nông dân phải đổ biết bao công sức. Hơn ai hết, bằng sự trải nghiệm của một đời oằn mình trên cánh đồng quê, người bình dân sau lũy tre làng thấm thía sự gian truân cơ cực của công việc nhà nông. Chọn thời điểm ban trưa gắn không gian ruộng đồng với công việc cày cấy, tác giả dân gian miêu tả, nhấn mạnh nỗi cơ cực, nhọc nhằn.

Thủ pháp so sánh phóng đại Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày càng khắc sâu, tạo độ ám ảnh trong tâm thức của người đọc, người nghe. Trong vị dẻo thơm bát cơm có vị đắng cay, mặn chát của giọt mồ hôi. Đọc câu ca nghe rưng rưng niềm biết ơn sâu sắc.

Trong một lần xa quê, nghe tin giặc Pháp giày xéo quê nhà, Hoàng Cầm xót xa như rụng bàn tay. Cả một vùng Kinh Bắc xinh đẹp, trù phú bất chợt hiện về, sáng lên trong cảm xúc thương nhớ. Cùng với hình ảnh con sông Đuống dịu dàng, duyên dáng, cùng với dòng tranh dân gian Đông Hồ bừng trên giấy điệp là mùi lúa nếp như một đặc sản ám ảnh tâm can người con xa quê.

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Càng nhớ về mùi thơm lúa nếp, càng căm hờn tội ác kẻ thù… Lắng dịu chút nhớ dịu êm, sâu thẳm, một lần hành quân qua miền Tây, dừng chân nơi bản làng xứ lạ rồi lại rong ruổi trên nẻo đường hành quân, người lính Tây Tiến trong thơ Quang Dũng cứ mãi nhớ hương vị rất đỗi ngọt ngào.

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

(Tây Tiến)

Cơm lên khói và mùi thơm nếp xôi… cái cảm giác thật yên bình. Bình dị mà ấm áp biết bao. Hương nếp mới quyện hòa trong làn gió theo mùi thơm lan tỏa khắp rừng. Tất cả như bừng sáng làm diệu vợi sự gian nguy khốc liệt âm u nơi chiến trường. Mùi vị ấy làm ấm lòng người lính, theo mãi, nâng bước các anh trên mỗi chặng đường. Đó là vẻ đẹp hào hoa, là chất lính trẻ trung, lãng mạn mà nghĩa tình.

Đẹp biết mấy, yêu biết mấy hương nếp thơm nồng tỏa ra từ đôi bàn tay cô em nơi vùng sơn cước bên bếp lửa… Khói cơm nghi ngút và hương thơm lúa nếp ngày mùa xua tan vẻ mệt mỏi trên gương mặt những người lính trên con đường hành quân hiểm trở. Mùi thơm nếp xôi tạo cho lời thơ cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu; núi rừng miền Tây vì thế mà bớt hoang sơ, khắc nghiệt.

* * *

Hạt lúa, cánh đồng làng quê in bóng con người trở thành nguồn cảm xúc vô tận chắp cánh cho bao lời thơ, nốt nhạc. Mãi hát về cây lúa như hát về đất mẹ Việt Nam. Tôi yêu những giai điệu trữ tình trong bài ca Gạo trắng trăng thanh của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Sớm ngày mai tới, thóc vàng cơm mới.

Đi nuôi dân gánh một thành hai; tôi yêu cây lúa quê mình trong nhạc của Hoàng Vân: Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa/ và người trồng lúa cho quê hương. Quê hương ơi có gì đẹp hơn thế. Bông lúa hẹn hò những mùa gặt. Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, và ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Trên cánh đồng lúa vàng, dệt lên bao yêu thương, nhung nhớ. Cái tình yêu lứa đôi quyện hòa trong tình yêu cánh đồng, dòng sông, đất đai quê nhà.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tình ca trên lúa mãi mãi là bản tình ca đẹp, đắm say lòng người của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Nhạc và lời hòa quyện nhẹ nhàng, lãng mạn đem đến cảm giác ấm áp, gần gũi và thân thương. Tình cảm gái trai thật đẹp hòa trong tình quê chan chứa: Ta yêu nhau trên đồng lúa vàng/ Ta quen nhau ngày lúa còn xanh/ Ta quen nhau khi bầy én lượn, đôi cò nào hạ cánh vu vơ/ Ta yêu nhau khi ngọn lúa vàng, ngọn gió chiều quạt mát đưa ru/ Trên đồng lúa vàng, ngọt ngào hương thơm/ Thơm mùi lúa vàng, là mùi quê hương/ Là mùi yêu đương, mùi thơm thơm dạt dào, mùi thơm thơm ngọt ngào/ Người tình ơi, tình của mình còn mùi thơm đó trên tóc em bồng bềnh.

Còn nhớ, ngày ấy, trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, người vợ trong thơ Hữu Thung tiễn đưa chồng ra trận, họ chia tay giữa cánh đồng lúa đương thì con gái. Lời hò hẹn gắn với lời giục giã, lời hứa quyết tâm thi đua của người hậu phương với tiền tuyến:

Anh đang mùa thắng lợi

Lúa em cũng chín rồi

Lúa tốt lắm anh ơi

Giải thi đua em giật

Mười năm sau cuộc kháng chiến chống Pháp, hương lúa và tình người trong kháng chiến vẫn còn tỏa ngát, in đậm trên những dòng thơ Chế Lan Viên:

Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch

Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng

Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương

(Tiếng hát con tàu)

Tác giả Lại Hồng Khanh trong bài Cây lúa đồng chiêm thì rạo rực trong lòng về một miền quê nên thương nên nhớ.

Làng giờ mướt con đê xanh

Nón con ngày ấy tròng trành nên thương

Cánh cò bay dọc dòng mương

Cùng cây lúa vẫy hương thơm về làng

Tất cả cứ thấm dần, ngào ngạt và trỗi dậy một tình yêu bâng khuâng, xao xuyến. Còn nhớ, thi sĩ Basho ngày trước, nằm bệnh giữa cuộc lãng du/ mộng còn phiêu bạt/ những cánh đồng hoang vu. Xuân trên cánh đồng khiến con người ta nằm bệnh mà còn vương mộng, du hành trong kí ức về với dòng sông, ngọn cỏ. Hồn quê bao giờ cũng có sức mạnh níu giữ để dù theo tháng, theo năm, lòng vẫn dặn lòng: Đi là để trở về.

* * *

Những ngày đầu đến lớp, học trò đi trên con đường đầy rơm rạ. Đi giữa đường làng nghe mùi rơm xốc vào mũi ngai ngái mà dễ chịu, thân thương. Rơm như níu giữ, quấn quýt bước chân người. Mùi rơm, mùi thơm nồi cơm gạo mới nhà ai đang nấu, mùi cỏ dại ven bờ ruộng vừa gặt, mùi tro từ rơm vừa khô... hòa quyện nhau theo gió thoang thoảng trở thành mùi vị riêng của quê hương mỗi khi vào vụ.

Cái mùi ấy ngan ngát trong lồng ngực không dễ quên của biết bao người con lớn lên từ đất quê, từ ruộng làng dù có đi xa. Lang thang trên cánh đồng vừa gặt, lũ trẻ miền quê đi mót lúa, chăn trâu, thả diều và bắt cá. Thả đôi chân trần, cái đầu khét nắng tha hồ hò hét, chạy nhảy.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Vài cô gánh lúa vui đùa

Giữa đồng mục tử lòng chưa vẩn đời

Sau đồi một dãy mây trôi

Tứ bề cảnh sắc nhớ thời miệt quê

Xuân xanh mơ mộng tràn trề

Cảnh vườn tươi mát nên thơ chiều tà

Cạnh bên bụi trúc mái nhà

Khói lam quyện gió, la ngà khách thơ.

(Cánh đồng quê – Đặng Xuân Linh)

Cánh đồng lúa đương thì con gái, hương lúa ngày mùa, mùi thơm gạo mới, cánh cò, dòng sông… mãi là hình ảnh thân thương trong nỗi nhớ của những người con xa quê. Tình quê, tình người lớn lên từ lũy tre làng, từ lời chuyện trò rôm rả của các mẹ, các chị trên cánh đồng làng đi cấy lúa vào những đêm trăng sáng. Bởi một điều dễ hiểu, khi gợi nhớ tới làng quê trong trái tim mỗi người con xa xứ, không thể không nhắc tới những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, hay những thửa ruộng bậc thang quanh lũy tre xanh. Dòng sông, cánh đồng, hạt lúa, củ khoai thắm đượm nghĩa tình trở thành hồn, thành vía, là biểu tượng của quê hương, dân tộc.

Quê hương hỡi mỏi trông mong đợi

Ký ức xưa vời vợi trở về

Những ngày cắt cỏ bờ đê

Lội bơi cùng bạn sông quê mỗi chiều

và:

Mùa thu hoạch bồi hồi trong dạ

Thành quả đây nay đã đến gần

Gạo thơm, hạt béo trắng ngần

Thắm tình quê mẹ ân cần sẻ chia

(Cánh đồng làng – Đặng Minh Mai)

Đọc thơ, tìm về hương lúa, cánh đồng, người đọc như tắm mình trong bầu không khí ấm áp, trong vắt để cảm thấy yêu hơn, đẹp hơn giữa cuộc đời. Kết tinh ở một hương vị đậm đà, thanh khiết, Huy Cận có lần dẫn ta vào miền quê yêu dấu để có Đường trong làng hoa dại với mùi rơm. Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm. Cái đường thơm đó là cả miền quê yên ả, làm lắng dịu lòng người để thi nhân gọi đó là Cả không gian hồn hậu rất thơm tho/Gió đưa hương mùi, dìu dịu phất phơ.

Trong cuốn tản văn Ký ức đồng quê (NXB Hội Nhà văn) tác giả Bùi Nhật Lai bộc bạch nỗi niềm:“Không khí làng quê ngày mùa thật khẩn trương và nhộn nhịp. Bởi bao ngày tháng chờ mong từ khi lúa trổ bông, đông sữa, vào mẩy rồi lúa đỏ đuôi… Niềm vui cứ theo đó mà lớn dần lên.

Những ngày chờ đợi quả là dài, trong những ngày ấy, ai cũng muốn ra đồng thăm lúa, ngắm nhìn nó mà lòng luôn nhen lên những niềm vui, những dự định và có cả sự thắc thỏm, lo âu, tính toán về mùa vụ… Bao ngày lao động vất vả một nắng hai sương ai cũng mong một mùa gặt bội thu, đem lại no ấm cho xóm làng”.

Hạt gạo - sản phẩm tinh túy của trời đất, của sức người. Hạt gạo trở thành biểu tượng, thành cội nguồn của sức sáng tạo, của vẻ đẹp quê hương. Trần Đăng Khoa gọi hạt gạo là hạt vàng làng ta. Đó là thứ vàng mười đã qua thử lửa.

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng

Đất nước có từ ngày đó.

(Nguyễn Khoa Điềm)

Hạt gạo gắn bó máu thịt, thân thương với con người. Chứa đựng trong đó là hồn quê, tình quê. Dân gian ví ấy là hạt ngọc của trời. Lúa trĩu hạt bao nhiêu công sức/Của mẹ cha thao thức bao ngày/Cấy cày vất vả mê say/Thức khuya, dậy sớm lòng đầy niềm vui (Đặng Minh Mai). Vì thế, tôi còn nhớ mãi lời dặn của mẹ đến mỗi bữa ăn: “Con ơi, khi ăn cơm đừng để hạt nào còn trong bát, đừng làm rơi vãi mà tội, mà phí, nghe con”. Hạt gạo quê hương đẹp thơm như cô Tấm bước ra từ quả thị:

Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

(Hồ Chí Minh)

Quá trình làm ra hạt gạo là cả một chặng đường dài. Từ chuyện giã gạo mà nâng lên thành triết lý sống, sự tôi rèn, phấn đấu. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần còn là lời nhắc nhở, tri ân. Có phải vì chứa đựng trong nó là cả hành trình và lắng lọc trong đó bao phù sa bồi đắp mà trong từ vựng tiếng Việt có đến hơn 10 từ liên quan đến cây lúa: Lúa – mạ - thóc – gạo – cơm – nếp – xôi – tấm – tẻ - lứt – mẻ…

Hình ảnh cây lúa quê hương đi vào trong thơ ca dân tộc trở thành suối nguồn trong trẻo, thi vị và quá đổi thân thương. Nói về hương lúa là nói về hương quê, hồn quê, tình quê chan chứa. Kết tinh trong hương lúa, hạt gạo là cả nỗi gian truân của việc nhà nông, là những vẻ đẹp của đức tính chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó ngàn đời của người nông dân Việt. Yêu và trân trọng biết mấy hành trình bền bỉ của những người làm ra hạt lúa.

Đọc những vần thơ viết về hương lúa, hạt gạo quê hương đưa hồn người trở về nền văn minh lúa nước. Đó chính là chiếc nôi để hình thành cộng đồng cư dân có lối sống định cư, định canh và các giá trị văn hóa phi vật thể kèm theo. Văn hóa làng xã với những phong tục tập quán mang đậm bản sắc người Việt cũng sinh thành từ đó.

Cuộc sống đổi thay, đời người biết bao lần đi và về, cánh đồng quê hương mãi còn đó, thủy chung với xóm làng, với quê hương. Hương lúa, mùi đất là hương thơm, là mùi vị của quê hương, mãi lưu giữ những kí ức về kỉ niệm thiêng liêng và xúc động. Có lẽ vì thế mà nhà văn Thép Mới viết: “Cánh đồng ta năm đôi ba vụ/ Tre với người vất vả quanh năm” và “Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ