Cảm thụ văn học: Đời thiếu Khắc Xương chẳng thành đời

GD&TĐ - Nguyễn Khắc Xương là con cả của “Thần ngông Tản Đà”.

Nguyễn Khắc Xương là người có công đầu trong giữ gìn, bảo vệ di sản Hát Xoan.
Nguyễn Khắc Xương là người có công đầu trong giữ gìn, bảo vệ di sản Hát Xoan.

Không thể phủ nhận một điều là nhiều người vì yêu quý và ngưỡng mộ Tản Đà mà tìm đến với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương, mặc dù, ông không muốn “ăn theo cái bóng người cha” của mình.

Nguyễn Khắc Xương là con cả của “Thần ngông Tản Đà”, một người danh tiếng đến mức được đánh giá là “dấu gạch nối” của hai thời kỳ văn học trung đại và hiện đại, là người đã có công “tạo ra những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ” (theo Hoài Thanh trong “Thi nhân việt Nam”).

Nguyễn Khắc Xương là con thứ hai nhưng lại là con trưởng của cụ Tản Đà vì người anh cả đã qua đời từ khi chưa đầy một tuổi. Điểm độc đáo là người con thứ nhất cũng tên là Nguyễn Khắc Xương, vì cái tên đó hay, đẹp, ý nghĩa (khi trả lời nhà văn Nguyễn Công Hoan về cái tên Nguyễn Khắc Xương, cố thi sĩ - Thần ngông Tản Đà nói: “Nguyễn Khắc Xương là tên của vua Chu Văn Xương bên Tàu, người chế ra Hậu thiên bát quái, làm ra Chu dịch. Khắc Xương chuộng văn chương chữ nghĩa, được Tản Đà yêu nhất. Đời thiếu Khắc Xương là chưa được và cũng chẳng thành đời”…).

Vì lẽ ấy, cố thi sĩ Tản Đà tiếp tục đặt tên cho người con trai thứ hai của mình - và, hôm nay khi Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đã nhẹ bước bồng lai tiên cảnh, theo gót cha ông về miền xa xôi, trong tôi vẫn in đậm hình ảnh ông khi tôi được tiếp xúc năm 2014, lúc đó, ông đã 93 tuổi nhưng vẫn tinh anh, mắt sáng, dáng cao, đẹp lão, có sức cuốn hút khó tả thành lời.

Khi tiếp tục đặt tên con trai thứ là Nguyễn Khắc Xương, cố thi sĩ Tản Đà kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp cho con trai của mình. Và, thực sự Nguyễn Khắc Xương đã không phụ lòng cha, ông đứng vững trong cuộc đời, trong “làng văn” của dân tộc bởi thực tài của mình chứ không hề ăn theo cái bóng người cha vĩ đại.

Nói về Nguyễn Khắc Xương là nói về chữ ĐẸP hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: Đẹp hình thức và đẹp nhân cách - thực tài. Có ai đó đã nói rằng vì được cả hai miền quê danh giá hun đúc: Sinh khí núi Tản, sông Đà và Đất Tổ linh thiêng nên Nguyễn Khắc Xương đã trở nên tài hoa, lãng tử, được các thế hệ đương thời và hậu sinh trân quý.

Những tác phẩm nghiên cứu của ông quy vào ba đề tài lớn: Nghiên cứu Văn hoá dân gian Đất Tổ, Hát Xoan và về Tản Đà. Ở đề tài nào ông cũng đạt được những thành công đáng nể phục và trân trọng.

Nói về những tác phẩm đã xuất bản của ông không thể không kể đến: Truyền thuyết Hùng Vương - Hội VNDG Vĩnh Phú xuất bản; Truyền thuyết Trưng Vương - Hội VNDG Vĩnh Phú xuất bản; Nữ tướng thời Trưng Vương - truyện dã sử, NXB Phụ nữ; Thơ ca nhân dân chống Mỹ cứu nước - Hội VNDG Vĩnh Phú xuất bản;

Văn hóa dân gian Vĩnh Phú - Đồng soạn giả, Sở VHTT Vĩnh Phú; Con voi bất nghĩa - truyện, NXB Kim Đồng; Thời kỳ thử thách - Truyện dịch, NXB Văn hóa; Hát Xoan hát Ghẹo Vĩnh Phú - đồng soạn giả, Hội VNDG Vĩnh Phú; Hát Xoan Phú Thọ - NXB Văn hóa;

Tục ngữ, ca dao, dân ca Vĩnh Phú - Sở VHTT Vĩnh Phú; Tuyển tập Tản Đà - Tập hợp, chú thích, viết lời bạt, NXB Văn học; Ông thần ngông - Giai thoại Tản Đà, NXB Văn học; Tản Đà, thơ và đời - NXB văn học; Tản Đà, một đời văn - NXB văn hóa; Chén rượu vĩnh biệt - Tập hợp các bài về Tản Đà, viết một chương; NXB Văn hóa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương.

Cùng rất nhiều bài viết có giá trị đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.

Nguyễn Khắc Xương có ý thức nghiên cứu về Hát Xoan từ rất sớm, dù chưa được công nhận bằng văn bản, giấy tờ, nhưng trong lòng đồng nghiệp và nhân dân Phú Thọ thì ông là người có kiến thức về Hát Xoan đầy đủ nhất, phong phú nhất - là pho tư liệu vô giá, là “từ điển sống” về Hát Xoan. Chính từ những nghiên cứu của ông, đặc biệt là cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ” (xuất bản năm 2008) - một công trình nghiên cứu hết sức công phu về hát Xoan trên tất cả mọi khía cạnh;

cuốn sách không chỉ là nguồn tư liệu quý giá, đồ sộ mà là sự tổng hợp những kết quả nghiên cứu, đánh giá sâu sắc về hát Xoan; cuốn sách là nền móng và hệ thống khoa học cho Viện Âm nhạc Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nghiên cứu và lập hồ sơ về hát Xoan Phú Thọ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Có thể nói, Nguyễn Khắc Xương là người có công đầu, có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự kiện Hát Xoan được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại hôm nay.

Nói về hát Xoan, Nguyễn Khắc Xương khẳng định: “Trên thế giới không nước nào có ngày giỗ Tổ và biểu hiện nghệ thuật của nghi thức giỗ Tổ là Hát Xoan. Nghệ thuật bắt nguồn từ mảnh đất kinh đô đầu tiên của dân tộc nên rất có giá trị. Có hai phần chính trong Hát Xoan, là lễ và hội. Phần lễ (nghiêm trang, thành kính) cầu chúc cho các Vua Hùng về phù hộ cho làng chạ; sau lễ là hội (với những trò vui chơi, giải trí) trong đó có Xoan: Ca hát và múa. Hát Xoan cũng là dân ca duy nhất có múa”.

Núi Tản, sông Đà.

Núi Tản, sông Đà.

Chẳng những có công sưu tầm, nghiên cứu, ông còn canh cánh một nỗi niềm làm thế nào để nhiều người hiểu rõ về hát Xoan và giá trị của nó trong đời sống tinh thần của người dân Đất Việt. Ông có ý thức về việc tuyên truyền là lẽ đương nhiên, ông còn nói đến cách thức để người dân dễ yêu mến, dễ tiếp cận và trân trọng giá trị của Hát Xoan, đó là: “Phải nâng phần hát giao duyên lên nhiều hơn là thể hiện phần lễ. Lập hồ sơ và trình diễn thì diễn phần lễ, nhưng để hát Xoan đến được với lòng người thì nên chú ý phần hội. Cứ nghe những câu hát:

“Phải đôi phải lứa thì xe

Đúm tìm cho thấy áo the đúm vào”

(Hát Đúm)

Hay: “Nhỡ mai bên Tấn bên Tần/ Bây giờ bưng trống mới gần được nhau” (hát trống quân Đức Bác)… thì sao không mê được?”.

Nhiều ý kiến đánh giá ông ảnh hưởng từ cụ thân sinh cái tư chất “ngông” nên đã đi điền dã ở nhiều nơi, như một kẻ sĩ có máu “giang hồ mê chơi quên quê hương”. Nhưng còn cần phải khẳng định ông là người có bản lĩnh, trong khi thế giới sôi động bởi nhạc trẻ, bởi những điệu nhảy Hiphop, Rock, Rap… thì ông lại cần mẫn nghiên cứu về Hát Xoan - điệu hát mang nặng tính nhà quê dân dã, thậm chí còn có thể gọi là quê mùa.

Chẳng phải thế sao? Áo nâu sồng, hát múa nhẹ nhàng duyên dáng ở sân đình, cửa phủ; động tác múa của Xoan cũng khéo léo, nhẹ nhàng, trái ngược với những động tác mạnh một số điệu ca vũ hiện đại ngày nay. Đó chính là bản lĩnh của một nhà nghiên cứu, bản lĩnh khẳng định cái tôi, cái bản ngã, không chạy theo thị hiếu nhất thời.

Công lao của Nguyễn Khắc Xương là không thể phủ nhận, niềm yêu thích say mê đối với Hát Xoan mãi mãi như một mạch nguồn không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn ông, kết dệt thành các bài nghiên cứu, để lại kiến thức và niềm yêu cho các thế hệ hậu sinh. Say sưa với hát Xoan là say sưa với “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, là say sưa với mạch nguồn truyền thống, với văn hóa dân tộc.

Không chỉ say sưa với Hát Xoan, Nguyễn Khắc Xương còn có công đi điền dã, sưu tầm những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá của Phú Thọ, vì thế được gọi là “Nhà Phú Thọ học”. Có ý kiến cho rằng cuộc đời của ông dành trọn vẹn cho việc nghiên cứu, sưu tập văn hoá dân gian vùng đất Tổ. Những tư liệu, những tập sách của ông thực sự là kho tàng kiến thức quý giá về thời đại Hùng Vương.

Tôi thật sự cảm phục khi được biết ông khẳng định rằng: “Bản thân tôi, còn chút trí lực và thời gian cuối đời sẽ tiếp tục nhận nhiệm vụ thiêng liêng là phải tìm đến và tôn vinh lịch sử và văn hóa thời đại Hùng Vương - một nền lịch sử và văn hóa không ở đâu trên thế giới này có được”.

Và, với trách nhiệm của một người con trưởng của cố thi sĩ Tản Đà, với trách nhiệm của hậu thế, Nguyễn Khắc Xương đã tâm huyết dựng lại những di cảo của người cha Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu trong vị thế thi đàn văn học Việt Nam. Nghiên cứu về Tản Đà, ông có nhiều tác phẩm vô giá. Khi nghiên cứu về Tản Đà, Nguyễn Khắc Xương có lợi thế độc nhất vô nhị rằng mình là con trai cố thi sĩ Tản Đà, do đó dễ dàng tìm kiếm tư liệu hơn các nhà nghiên cứu khác.

Nhưng thành công không phải được khẳng định từ con đường trải thảm đỏ, không phải từ hoa hồng hay nến, điện lung linh. Trái lại, Nguyễn Khắc Xương phải kỳ công để đi nhiều nơi, tìm hiểu thực tế qua nhiều người thuộc nhiều đẳng cấp xã hội khác nhau, thế hệ, tuổi tác và địa vị xã hội khác nhau để thu thập, tìm kiếm thông tin, tư liệu về người cha đẻ của mình, ngõ hầu truyền lại cho thế hệ trẻ sau này những kiến thức văn chương bổ ích.

Nguyễn Khắc Xương đã từng được nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương nhưng có lẽ giải thưởng độc đáo và vinh hạnh nhất là giải thưởng do độc giả ban tặng. Hiếm gặp ở cuộc đời một người quảng giao, quan hệ rộng như Nguyễn Khắc Xương, ông có nhiều người ngưỡng mộ, lại rất nhiều người yêu quý, từ Nam ra Bắc, từ nhà nghiên cứu văn học, nhà báo, nhà giáo, nhà văn cho đến những người bình dân ít học, hầu như khi được hỏi đến, họ đều dành tình cảm trân trọng và quý mến cho Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian - nhà Phú Thọ học - nhà Tản Đà học này.

Tôi muốn mượn lời của tác giả Hà An (Báo Tổ quốc điện tử), thay cho lời kết trong bài viết của mình: “Nguyễn Khắc Xương được giới văn sĩ, trí thức biết đến với một vị trí đặc biệt: Trưởng nam của thi sĩ Tản Đà. Nhưng ông cũng là người làm rạng danh người cha của mình” với những đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa dân gian miền Đất Tổ; trong việc sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn di sản Hát Xoan; trong việc nghiên cứu công phu, dày công và tràn đầy nhiệt huyết về cố thi sĩ Tản Đà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ