Vào ngày này, theo đạo Phật, những người con thường có một số hoạt động thể hiện lòng thành tâm của mình với ông bà, cha mẹ.
Hoạt động phổ biến nhất là đến chùa cầu kinh với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn những người đang sống có sức khoẻ, hạnh phúc.
Ngoài ra, mọi gia đình đều chuẩn bị một mâm cơm cúng để dâng lên gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Ăn chay cũng là một hoạt động trong ngày lễ Vu Lan.
Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hoá giải nghiệp chướng…
Cài hoa hồng lên ngực áo là một nghi lễ ý nghĩa trong ngày lễ Vu Lan |
Với những người còn bố mẹ, có thể dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa cho bố mẹ mình.
Đặc biệt, lễ Vu Lan ở Việt Nam còn có nghi lễ cài hoa hồng lên ngực áo. Ai vẫn còn cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ, ai đã mất mẹ cài hoa hồng trắng. Đây là một nghi lễ được thực hiện từ thập niên 60 do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng.
Không chỉ ở Việt Nam mà ở một số quốc gia châu Á cũng có ngày lễ Vu Lan.
Ở Trung Quốc, lễ Vu Lan được tổ chức từ ngày 15/7 đến 30/7 âm lịch. Vào ngày này, người dân Trung Quốc cũng đi thăm phần mộ của người thân, sửa sang, quét dọn lại, đốt giấy tiền, vàng mã cho người đã khuất. Họ hi vọng việc làm này sẽ giúp người đã mất đỡ vất vả, thậm chí phù hộ cho người sống ăn nên làm ra, có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
Mặc dù, chọn ngày báo hiếu khác với Việt Nam, nhưng người Hàn Quốc cũng có nghi lễ cài hoa lên ngực áo giống như chúng ta. Chỉ có điều loại hoa được họ chọn là hoa cẩm chướng.
Ở Indonesia, người dân tổ chức ném tiền giả để tỏ lòng thành kính với tổ tiên vào ngày lễ Vu Lan hằng năm. Lễ vật họ dâng lên người đã mất gồm cả lá mù tạt và mía đỏ.