Các tỉnh ĐBSCL nắng nóng gay gắt và nỗi lo sức khỏe học đường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các tỉnh Đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) đang vào cao điểm nắng nóng gay gắt. Nắng nóng khiến lứa tuổi học sinh dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Học sinh ở khu vực nông thôn miền Tây chịu ảnh hưởng của nắng nóng do các em thường tự đến trường.
Học sinh ở khu vực nông thôn miền Tây chịu ảnh hưởng của nắng nóng do các em thường tự đến trường.

Chỉ tính riêng tại Bệnh Viện Nhi Đồng Cần Thơ, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.600 - 1.900 lượt bệnh đến thăm khám.

Trong số đó có khoảng khoảng 700 trẻ nhiễm khuẩn hô hấp, chiếm tỷ lệ 40 - 45% lượng bệnh đến khám.

Phụ huynh lo lắng

Có con đang học mẫu giáo trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), chị Nguyễn Kim Ngân băn khoăn:

“Mấy nay nhiệt độ tăng cao, thời tiết nắng nóng khiến tôi không khỏi lo lắng cho sức khỏe của bé nhà mình. Thời tiết này các bé dễ bị bệnh lắm! Nhà trường nơi con tôi theo học thực hiện rất nghiêm các biện pháp pháp tránh nắng nóng, điều chỉnh thời gian các hoạt động cho phù hợp, cũng như cho các con uống đủ nước.

Một số học sinh vẫn “vô tư” với thời tiết nắng nóng gay gắt.

Một số học sinh vẫn “vô tư” với thời tiết nắng nóng gay gắt.

Bản thân gia đình tôi cũng cho con mặc trang phục phù hợp, tránh ra ngoài khi thời tiết nắng nóng... nhưng bé vẫn bị sốt, nóng. Do bé thích uống nước đá, kem lạnh nên không tránh khỏi việc viêm họng, nóng sốt trong mấy ngày qua. Thời tiết này người lớn còn khó chịu huống hồ là trẻ em”, chị Ngân chia sẻ.

Cùng cảnh có con bị bệnh trong mùa nắng nóng, chị Trần Thị Diễm (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đến khám bệnh cho con tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ chia sẻ, do thời tiết thay đổi nên bé bị nóng, ho, sổ mũi... uống thuốc ở nhà mấy ngày không hết. Khi đến khám mới biết bé bị viêm hô hấp trên, các bác sĩ kê đơn cho thuốc và cho thuốc về uống.

Đặc biệt, phụ huynh thêm lo lắng khi vừa mới đây, Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ tiếp tục phát đi cảnh báo độ rủi ro thiên tai do nắng nóng tại khu vực ĐBSCL là cấp 1.

Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cũng cảnh báo diễn biến nắng nóng xuất hiện trở lại, xu hướng gia tăng ở một số nơi trên khu vực ĐBSCL. Có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt 35 - 36 độ trong những ngày tới. Cùng với đó, độ ẩm không khí của vùng tương đối thấp từ 45 - 60%.

Các trường thực hiện các hoạt động trải nghiệm khu vực thoáng mát cho các em học sinh trong thời tiết nắng nóng.

Các trường thực hiện các hoạt động trải nghiệm khu vực thoáng mát cho các em học sinh trong thời tiết nắng nóng.

Nhà trường, phụ huynh cùng ứng phó

Trước ảnh hưởng nắng nóng tới sức khỏe của trẻ, cô Trần Hồng Yến - Hiệu trưởng trường Mầm non Thái Bình Dương (TP Cần Thơ) cho biết: “Vào mùa nắng nóng, nhà trường hạn chế cho các em tham gia các hoạt động ngoài trời quá lâu. Trường hợp tổ chức sự kiện thì các thầy cô sẽ tổ chức trong khu vực có bóng mát để tránh ảnh hưởng sức khỏe của các em”.

Cùng với đó, để tránh cho trẻ bị sốc nhiệt khi ra vào phòng học, nhà trường luôn quan tâm việc điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ở chế độ mát vừa phải. “Trước giờ vào lớp và khi chuẩn bị tới giờ ra về tầm 15 phút, cán bộ, nhân viên trường sẽ điều chỉnh điều hòa, tránh việc sốc nhiệt của các em khi thay đổi môi trường bất ngờ”, cô Yến chia sẻ.

Nhà trường cũng tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong mùa nắng, giúp trẻ nâng cao sức đề kháng. Đồng thời, tăng cường việc cho trẻ dùng đủ nước, trong các giờ có hoạt động vui chơi cô giáo sẽ quan sát các em và chia thành từng nhóm cho các em uống nước. Đặc biệt, vào giờ chiều, trường cho các bé dùng các loại nước mát hoặc nước ép trái cây, giúp trẻ bổ sung vitamin và các loại khoáng chất.

Song song đó, trường cũng khuyến cáo phụ huynh khi các con ở nhà nên hạn chế cho uống các loại nước ngọt có gas, nước đá… khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, duy trì thói quen vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch và khi ra ngoài lúc trời nắng cần che chắn cho trẻ đội nón rộng vành.

Các cô luôn quan sát, kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi vào lớp. Nếu có biểu hiện bất thường, nhà trường sẽ liên hệ với y tế để kiểm tra và phối hợp hỏi ý kiến phụ huynh liên quan việc có sử dụng thuốc cho trẻ.

Tránh tình trạng trẻ bị sốc nhiệt

Theo các bác sĩ, hiện thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi, thời tiết nóng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, các côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi sinh sôi và phát triển, tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa… Việc chủ động phòng bệnh là rất cần thiết giúp cho bản thân và tránh lây lan trong cộng đồng.

Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, hướng dẫn cho trẻ biết những dấu hiệu của việc nhiệt độ cơ thể tăng cao (như đỏ da, đau đầu, hoặc buồn nôn) và biết cách tìm nơi mát mẻ để nghỉ ngơi khi cần thiết.

Một số trường đã linh hoạt thay đổi các hoạt động ngoài trường bằng hoạt động trải nghiệm trong khu vực có mái che.

Một số trường đã linh hoạt thay đổi các hoạt động ngoài trường bằng hoạt động trải nghiệm trong khu vực có mái che.

Nói về việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong mùa nắng nóng, BS.CKII Trần Văn Dễ - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết: Các bậc cha mẹ cần cho con uống nước đầy đủ trong mùa nóng. Khuyến khích trẻ em uống đủ nước trong suốt ngày, tốt nhất là cho trẻ sử dụng các loại nước ép trái cây.

Đối với các trẻ trong độ tuổi đến trường, phụ huynh, thầy cô giáo hãy nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên. Tránh để trẻ em ra ngoài vào giờ nắng gắt (trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều). Hãy đảm bảo trẻ mặc đồ thoáng mát, sử dụng nón rộng và quần áo che kín cơ thể.

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cũng lưu ý, các bậc cha mẹ cần chú ý việc sử dụng quạt hoặc máy điều hòa để giữ cho không gian xung quanh trẻ mát mẻ. Tuy nhiên cần, tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa trong phòng máy điều hòa và nhiệt độ ở ngoài trời. “Đảm bảo trẻ được cung cấp đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết để duy trì sức khỏe trong thời tiết nóng. Đặc biệt quan trọng là việc ăn uống cân đối và hợp lý.

Thường xuyên quan sát sức khỏe của trẻ, đặc biệt là khi ra ngoài vào những ngày nắng nóng. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu gì của việc bị nhiệt độ cơ thể tăng cao hoặc trạng thái sức khỏe không bình thường, hãy đưa trẻ vào bóng mát và thực hiện sơ cứu hạ nhiệt, lau mát; nếu không thuyên giảm hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất”, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đưa ra lời khuyên.

Lưu ý về việc chăm sóc trẻ trong mùa nắng nóng, TS.BS Lê Văn Khoa - Giảng viên Bộ môn Nhi (Trường ĐH Y dược Cần Thơ), Phó Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ) cho biết: Để đảm bảo sức khỏe trẻ an toàn trong mùa nắng nóng, phụ huynh cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt. Rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay.

Đồng thời, đảm bảo việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Tạo môi trường sống trong lành và an toàn cho trẻ nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.

Tăng cường lượng dịch uống để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước đun sôi để nguội… giúp cơ thể trẻ mát mẻ và tăng cường sức khỏe chống chọi với bệnh tật. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chú ý tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin phù hợp với lứa tuổi, giúp bảo vệ tốt nhất cho trẻ trong suốt mùa nắng nóng.

Dinh dưỡng mùa nắng nóng cho trẻ

Cần cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm: đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tăng cường cho bé ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. Nên cho trẻ ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu hóa và ít dầu mỡ; có thể bổ sung thêm các bữa ăn phụ bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua… Thức ăn chế biến xong cần cho trẻ ăn ngay trong vòng 30 phút. Không cho trẻ ăn thức ăn sống, thức ăn hay sữa sau khi pha để ngoài nhiệt độ thường hơn 2 giờ.

Đồng thời, hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt, kể cả kem, bánh, sữa đặc có đường... Uống đủ nước: đối với trẻ nhỏ <10kg cần khoảng 100ml/kg cân nặng; trẻ trên 10 tuổi, lượng nước uống bằng người lớn, khoảng 2 lít/ngày.

TS.BS Lê Văn Khoa - Giảng viên Bộ môn Nhi Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Phó khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.