Giá lúa liên tục giảm, nông dân miền Tây 'đứng ngồi không yên'

GD&TĐ - Nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, tuy nhiên giá lúa liên tục giảm khiến người trồng lúa lo lắng.

Nông dân ĐBSCL khẩn trương thu hoạch lúa Đông Xuân.
Nông dân ĐBSCL khẩn trương thu hoạch lúa Đông Xuân.

Điệp khúc “được mùa mất giá”

Tại tỉnh Cà Mau, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các giống lúa: ST24, ST25, Lộc Trời 28 có giá dao động từ 10.500 - 11.300 đồng/kg; lúa OM5451, OM 18, Đài Thơm 8... giá từ 8.800 - 9.600 đồng/kg.

Thời điểm hiện tại, lúa ST24, ST25, Lộc Trời 28 có giá dao động từ 7.600 - 8.000 đồng/kg, còn lúa OM5451, OM 6162, OM18, Đài Thơm 8... có giá dao động từ 7.000 - 7.300 đồng/kg.

Tại các tỉnh: Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu... giá lúa được thương lái thu mua trong dân cũng ghi nhận giảm từ 1.500 đến 3.000 đồng/kg tùy theo giống lúa và chất lượng lúa so với thời điểm cách đây một tháng.

Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ ấp Láng Giài, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) cho biết, gia đình ông vừa mới thu hoạch được 3 công lúa giống Đài Thơm 8, năng suất đạt khoảng 4,5 tấn/công (1.000m2), giá bán là 7.500 đồng/kg.

“Cách đây một tháng nghe thông tin giá lúa ở mức cao, nông dân rất phấn khởi, hy vọng vụ lúa này vừa trúng mùa, vừa trúng giá. Tuy nhiên, với giá lúa hiện tại nông dân không còn lãi nhiều, thậm chí nhiều hộ thu hoạch không đạt năng suất còn bị thua lỗ, bởi chi phí phân thuốc, máy cày, máy gặt... trong vụ mùa này đều tăng”, ông Trung chia sẻ.

Ông Nguyên Văn Rê, ấp Cái Tràm A, xã Long Thành (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) có diện tích lúa chưa thu hoạch đang rất lo lắng trước tình hình giá lúa hiện nay.

“Nếu thời gian tới giá lúa còn tiếp tục giảm, vụ mùa này xem như gia đình tôi lỗ vốn, điệp khúc được mùa mất giá luôn là nỗi ám ảnh đối với người nông dân”, ông Rê nói.

Nguyên nhân giá lúa giảm so với trước Tết là do vùng ĐBSCL đang vào thời điểm thu hoạch rộ, nguồn cung tăng nên giá lúa thị trường giảm. Riêng khu vực Cà Mau, giá lúa một số nơi giảm hơn so với mặt bằng chung còn do các tuyến kênh trên địa bàn bị cạn, không vận chuyển đường thuỷ được, phải vận chuyển bằng đường bộ.

Trong khi đó một số địa phương vùng ngọt, đặc biệt là huyện Trần Văn Thời có nhiều tuyến đường bị sụt lún, sạt lở việc vận chuyển lúa bằng đường bộ cũng hết sức khó khăn. Thương lái thu mua lúa phải giảm bớt giá thu mua để bù trừ vào tiền thuê nhân công vận chuyển lúa ra ghe.

Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết, ở những khu vực khó khăn về vận chuyển, trung bình giá lúa sẽ giảm thêm từ 100 đến 200 đồng/kg.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trung, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) vừa thu hoạch lúa xong.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trung, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) vừa thu hoạch lúa xong.

Nông dân gặt lúa xong đợi thương lái đến thu mua.

Nông dân gặt lúa xong đợi thương lái đến thu mua.

Thương lái “bỏ của chạy lấy người”

Cũng theo phản ánh của nông dân một số tỉnh, thành ở ĐBSCL, khi lúa chưa trổ, “cò lúa” (người đại diện của thương lái) đến tận ruộng đồng ý bao tiêu lúa với mức giá cao và đặt cọc mỗi công (1.000m2) từ 200.000 đến 300.000 đồng.

Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, giá lúa giảm thì thương lái ép nông dân phải bán lúa với mức giá thấp hơn mức cam kết ban đầu. Nếu nông dân không chịu thì thương lái sẵn sàng bỏ cọc.

Nhiều nông dân vì thấy đà giá lúa liên tục giảm, mặt khác nếu bán cho thương lái mới giá cũng cao hơn ở thời điểm hiện tại nên đành “bấm bụng” chấp nhận chịu bán lúa theo giá đưa ra của thương lái đã bỏ cọc trước đó.

Ông Nguyên Văn Rê chia sẻ: Chuyện thương lái không chịu thu mua lúa theo giá đã cam kết ban đầu, sẵn sàng bỏ cọc khi giá lúa thời điểm thu mua thấp hơn thời điểm bỏ cọc không còn là chuyện lạ ở những vụ mùa.

“Có những trường hợp nông dân gặt xong hết, nhưng chờ hoài không thấy thương lái đến. Vì thế, khi nhận cọc phải chọn những "cò lúa" quen biết, tin cậy, là người địa phương”, ông Rê chia sẻ kinh nghiệm.

Chi phí phân thuốc, máy gặt tăng nếu giá lúa giảm nông dân không còn lãi, thậm chí thua lỗ.

Chi phí phân thuốc, máy gặt tăng nếu giá lúa giảm nông dân không còn lãi, thậm chí thua lỗ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá lúa Đông Xuân liên tục giảm, dẫn đến việc thương lái đặt cọc trước đó đòi hạ giá hoặc bỏ cọc.

Qua khảo sát của Sở NN&PTNT Bạc Liêu cùng chính quyền các địa phương, ở vụ lúa Đông Xuân này hầu hết nông dân chấp nhận bán lúa theo giá mới do thương lái đưa ra, thấp hơn 1.000 - 1.500 đồng/kg so với giá nhận cọc từ trước. Có nghĩa là nông dân thất thu khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tấn lúa so với hợp đồng ban đầu.

Trước tình trạng này, Sở NN&PTNT Bạc Liêu khuyến khích nông dân sản xuất thông qua hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro.

Thủ tướng vừa ký Chỉ thị số 10 ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức thu hoạch vụ lúa Đông Xuân theo đúng lịch thời vụ, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị. Các địa phương cần theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình thu mua lúa, gạo trên địa bàn để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ