Mà con mồi của loài muỗi lại chính là chúng ta, và cho dù chúng ta trốn tránh như thế nào cũng không thể thoát khỏi kẻ săn mồi này.
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tại Viện công nghệ California đã lý giải được vì sao loài muỗi lại rất giỏi trong việc xác định con mồi. Họ phát hiện ra rằng muỗi sử dụng phương pháp săn mồi kết hợp giữa cả khứu giác, thị giác và bức xạ nhiệt để xác định con mồi mà chúng có thể hút máu.
Các nhà khoa học này đã tiến hành một số thử nghiệm với những con muỗi cái trong một đường hầm gió. Họ kiểm soát các tín hiệu giác quan khác nhau qua từng thử nghiệm, để xác định xem loài muỗi dựa trên giác quan nào để tìm đến con mồi.
Thử nghiệm đầu tiên, họ bơm vào đường hầm một lượng lớn carbon dioxide (CO2) để giả là hơi thở của con người. Ngay lập tức những con muỗi phản ứng lại và bay về phía phát ra luồng khí CO2 này. Trong khi đó một luồng không khí chứa ít CO2 không kích thích chúng.
Thử nghiệm thứ hai, họ bật đèn sáng ở một bên đường hầm và bên còn lại thì không có ánh sáng. Họ phát hiện ra rằng khi không có khí CO2 dẫn đường, những con muỗi cũng không hứng thú với bóng tối. Tuy nhiên nếu bơm CO2 từ phía đường hầm tối, chúng vẫn bay về phía đó. Điều đó có nghĩa loài muỗi ưu tiên khứu giác hơn thị giác, chỉ khi không có tín hiệu khứu giác chúng mới dựa vào thị giác để tìm đường và con mồi.
Tác giả chính của nghiên cứu này, tiến sĩ Michael Dickinson cho biết: “Việc tìm hiểu được cách thức bộ não xử lý thông tin thu được từ các giác quan và xử lý để đưa ra lệnh điều khiển các hành động là điều rất phức tạp. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy cơ chế tìm con mồi của loài muỗi là rất bài bản, chúng ưu tiên khứu giác vì khứu giác khó bị đánh lừa hơn thị giác và nó còn có thể hoạt động trong hầu hết các điều kiện”.
Trong thử nghiệm cuối cùng, các nhà khoa học thử nghiệm với các nhiệt độ khác nhau để xem muỗi có bị hấp dẫn bởi các con mồi “nóng bỏng” hay không. Họ đã tăng nhiệt độ của một đầu đường hầm lên 37 độ C (tương đương với nhiệt độ cơ thể con người), còn một đầu còn lại có nhiệt độ phòng.
Ngay lập tức những con muỗi bị thu hút về phía có nhiệt độ cao hơn, ngay cả khi khí CO2 được bơm vào đầu phía bên kia. Điều đó cho thấy chúng ưu tiên việc xác định con mồi dựa trên nhiệt độ nhiều hơn cả khứu giác.
Tuy nhiên qua các phân tích sau này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chúng không chỉ đơn giản là sử dụng độc lập các phương pháp này. Trên thực tế loài muỗi kết hợp cả 3 để có thể tìm chính xác đến vị trí con mồi.
Cụ thể, từ khoảng cách 10 - 50 m chúng sẽ sử dụng khứu giác để phát hiện nơi nào có nồng độ CO2 dày đặc trong không khí. Đây chính là tín hiệu đầu tiên giúp chúng xác nhận mục tiêu. Sau khi tiếp cận từ 5 - 15 m, những con muỗi sẽ sử dụng đến thị giác do lúc này đã đủ gần để có thể quan sát thấy con mồi.
Cuối cùng với khoảng cách từ 1m trở lại, chúng bắt đầu sử dụng đến khả năng cảm nhận bức xạ nhiệt để tìm đến những khu vực (vùng cơ thể lộ ra ngoài) để bắt đầu tiếp cận và hút máu. Bằng cách tìm con muỗi theo 3 bước như vậy, loài muỗi rất dễ để tìm thấy con mồi để hút máu và rất ít khi chúng chết đói.
Các phương pháp chống muỗi đều không hoàn toàn hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu này cũng giải thích lý do vì sao các phương pháp chống muỗi đều không hoàn toàn hiệu quả. Ngay cả khi bạn vô hình và sử dụng các loại mùi hương khác nhau, thì chúng vẫn có thể tìm đến thông qua nhiệt độ cơ thể của bạn.
Tuy nhiên trên thực tế là có một số người hấp dẫn muỗi hơn những người khác. Các nhà khoa học đã giải thích hiện tượng này là do nhóm máu. Những người có nhóm máu O thường xuyên bị muỗi đốt nhiều nhất, gấp đôi so với những người nhóm máu A. Trong khi đó những người nhóm máu B và AB ở mức trung bình.
Những người vận động nhiều, toát ra nhiều mồ hôi và có thân nhiệt cao cũng dễ trở thành mục tiêu đối với loài muỗi hơn. Nó giống như việc bạn là một con mồi phát sáng trong bóng tối đối với loài muỗi. Bên cạnh đó thì việc ở bẩn, khiến cho có nhiều vi khuẩn trên da cũng hấp dẫn loài muỗi.
Kết quả này cũng cho thấy rất khó để có thể tiêu diệt hoàn toàn được loài vật nhỏ bé này, vì chúng sinh sản rất nhanh và có một cơ chế săn mồi tuyệt vời. Do đó hy vọng duy nhất để ngăn chặn loài muỗi là phương pháp biến đổi gen. Các nhà khoa học đang thử nghiệm việc biến đổi gen muỗi cái để chúng chuyển giới thành muỗi đực và không còn hút máu người nữa. Vì chỉ có muỗi cái hút máu, còn muỗi đực chỉ hút nhựa cây.