Các địa phương triển khai năm học 2022-2023 bài bản, khoa học và có trách nhiệm

GD&TĐ - Sáng 10/11, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các sở GD&ĐT về triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì điểm cầu trung ương; cùng dự có đại diện các đơn vị chuyên môn liên quan. Có gần 500 điểm cầu nối đến 63 sở GD&ĐT và các phòng GD&ĐT.

Hỗ trợ, tăng cường năng lực cho đội ngũ

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài đã đánh giá sơ bộ kết quả triển khai nhiệm vụ năm học tại các địa phương cho đến thời điểm này, với những việc đã làm được, làm tốt và khó khăn, hạn chế; đồng thời lưu ý trong triển khai thực hiện tiếp theo.

Từ thực tế triển khai tại địa phương, đại diện nhiều Sở GD&ĐT đánh giá cao chỉ đạo của Bộ GD&ĐT qua những văn bản được ban hành sớm, kịp thời. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, đây là điều kiện thuận lợi giúp ngành Giáo dục triển khai kế hoạch năm học, đặc biệt là triển khai Chương trình GDPT 2018. Ý kiến địa phương cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai, cùng với đó là giải pháp để khắc phục.

Ông Võ Văn Mai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhận định: Bộ GD&ĐT đã có chuẩn bị sớm cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, ngay từ năm 2013, Bộ đã ban hành công văn số 791/HD-BGDĐT thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, bắt đầu từ năm học 2013-2014. Cùng với đó là chỉ đạo triển khai sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; biên soạn, xây dựng đề kiểm tra theo ma trận; triển khai mô hình Trường học mới…

“Thực tế tại Nghệ An, cơ sở giáo dục nào làm tốt những nội dung này thì đều thuận lợi khi triển khai Chương trình GDPT 2018.” - ông Võ Văn Mai khẳng định.

Với năm học 2022-2023, một năm học có nhiều điểm mới, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đánh giá cao việc ban hành các văn bản hướng dẫn đầy đủ, kịp thời của Bộ GD&ĐT, tạo thuận lợi cho Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai, thực hiện. Nghệ An khi triển khai nhiệm vụ năm học này cũng có những khó khăn như nhiều địa phương (về cơ sở vật chất, đội ngũ, triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018…). Tuy nhiên, thuận lợi của địa phương là có sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cấp huyện, quan tâm, chia sẻ với ngành Giáo dục.

Riêng với Chương trình GDPT 2018, chia sẻ cách làm của Nghệ An, ông Võ Văn Mai nhấn mạnh đến việc xây dựng kế hoạch giáo dục. Trong đó, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch giáo dục của giáo viên có liên quan mật thiết. Từ nhận thức đó giảm tải được cho giáo viên.

Về phân công giờ dạy, Nghệ An bố trí giáo viên (nhất là các hoạt động mới như trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương và các môn mới như Khoa học tự nhiên…) bảo đảm logic nội dung giáo dục và sát chuyên môn của giáo viên. Về kiểm tra, đánh giá, nếu môn học, hoạt động giáo dục có sự tham gia của nhiều giáo viên thì có sự phối hợp giữa các giáo viên đó và cử một người vào học bạ, sổ điểm và hoàn thiện hồ sơ cho học sinh vào cuối kì, cuối năm học.

Về xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy, đổi mới dạy học,… chúng ta đã triển khai từ lâu. Bộ/Sở GD&ĐT đều có tập huấn, nhưng trong thực tế triển khai đâu đó giáo viên còn có hiện tượng làm máy móc, theo thói quen… Chia sẻ điều này, ông Võ Văn Mai đề xuất Bộ GD&ĐT tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, tập huấn cho đội ngũ chuyên viên, cốt cán để tập trung trao đổi, chia sẻ trên một kế hoạch giáo dục cụ thể của một nhà trường, một môn học, một giờ dạy, giúp cơ sở thực hiện hiệu quả hơn.

Ông Võ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng nhận định Bộ GD&ĐT đã có những văn bản triển khai Chương trình GDPT 2018 rất kịp thời, đầy đủ. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện còn có khó khăn mà một nguyên nhân quan trọng là nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Từ đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động bồi dưỡng đội ngũ.

Chia sẻ kết quả đạt được, thuận lợi và khó khăn trong triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học của địa phương, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT tăng cường tổ chức tập huấn một số chuyên đề quan trọng về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018; nhất là về việc xây dựng kế hoạch giáo dục, kiểm tra đánh giá, hoạt động tổ chuyên môn, hoạt động trải nghiệm,… Cùng với đó, có giải pháp hỗ trợ để cho giáo viên các môn chung (Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, …) thực hiện giảng dạy đảm bảo theo yêu cầu và thuận lợi trong việc phân công chuyên môn ở các nhà trường…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.

Hiểu đúng, hiểu sâu chương trình để thực hiện đúng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2022-2023 diễn ra trong điều kiện thuận lợi hơn năm học trước, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Đây cũng là năm học có nhiều điểm mới khi triển khai Chương trình GDPT 2018 tới lớp 3 ở tiểu học với môn học mới là Ngoại ngữ, Tin học; ở THCS triển khai chương trình mới tới lớp 7 và là năm đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 ở THPT.

Thứ trưởng ghi nhận các địa phương đã triển khai năm học một cách chủ động, bài bản, nghiêm túc, khoa học và có trách nhiệm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn liên quan đến thiếu giáo viên; tổ chức dạy học và bố trí giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên; vấn đề thu chi trong trường học; giáo dục đạo đức học sinh, bạo lực học đường, văn hóa trong nhà trường…

Để triển khai tốt hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu ngành Giáo dục địa phương tiếp tục chủ động để triển khai tốt nhất Chương trình GDPT 2018. Muốn vậy, trước hết phải nắm chắc, hiểu sâu về chương trình; rõ những điểm khác biệt giữa chương trình 2018 và chương trình 2006. Từ nhận thức thấu đáo, sâu sắc mới có thể triển khai đúng, triển khai tốt.

Cùng với đó là phải thực hiện đúng, đầy đủ, tuyệt đối không được cắt xén chương trình; phải bố trí đủ các tiết theo chương trình của các môn học. Nơi nào bố trí dạy học môn học còn thiếu cần có biện pháp khắc phục ngay. Đơn cử như môn mới ở tiểu học là Ngoại ngữ, Tin học, đã là môn bắt buộc thì sẽ là cơ sở để xét lên lớp; nếu thiếu không thể xét lên lớp khiến học sinh thiệt thòi và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh việc chú trọng đổi phương pháp dạy học theo phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nắm chắc, hiểu đúng công văn số 5512 của Bộ GD&ĐT về tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục trong trường học. Với tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, mỗi địa phương có thể tổ chức cuộc họp với các hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn để cùng thống nhất xây dựng kế hoạch dạy học môn học một cách đầy đủ, lên được phân phối chương trình, bố trí giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu bảo đảm tính logic của chương trình.

Về đội ngũ, Bộ GD&ĐT đã cố gắng tham mưu, đề xuất để có được chỉ tiêu, đề nghị các địa phương cần triển khai công tác tuyển dụng kịp thời, hiệu quả. Lưu ý động viên, khích lệ, giảm tải cho đội ngũ; bồi dưỡng và tạo điều kiện để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng hiệu quả.

Trong phát biểu, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng công tác giáo dục, đạo đức, lối sống cho học sinh; quản lý tài sản, thu chi tài chính thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt là Thông tư 55 ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; Thông tư 16 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. “Xã hội hóa phải tính đến hai mặt: Thu và biến nguồn thu đó thành chất lượng giáo dục và phải công khai, minh bạch.” - Thứ trưởng nêu rõ.

Thông tin về chương trình giám sát triển khai thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông của Quốc hội, Thứ trưởng đề nghị địa phương, từ Sở GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục cần rà soát kỹ, chuẩn bị đầy đủ, triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 chất lượng, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ