Các con ơi, đừng bao giờ nản lòng nhé!

GD&TĐ - Nếu các con thất bại, đó không phải là kết thúc, mà là cơ hội để học hỏi và vươn lên. Các con ơi, đừng bao giờ nản lòng nhé!...

Việc rút kinh nghiệm, đánh giá lại bản thân quan trọng hơn cả việc đỗ trượt, điểm cao hay thấp. Ảnh minh họa
Việc rút kinh nghiệm, đánh giá lại bản thân quan trọng hơn cả việc đỗ trượt, điểm cao hay thấp. Ảnh minh họa

Từ câu chuyện trượt nguyện vọng

Kể từ sau thời điểm công bố điểm chuẩn vào lớp 10, nhiều gia đình vui mừng khoe con thi đỗ tất cả các nguyện vọng trên mạng xã hội, được bố mẹ thưởng cho những chuyến đi du lịch xa hay mua xe máy cho đi học ở ngôi trường mới.

Nhưng cũng có những gia đình lại rơi vào cảnh buồn tủi, thất vọng vì con thi trượt tất cả các nguyện vọng hoặc con thi trượt nguyện vọng 1, phải học ở ngôi trường công lập không mong muốn, học ở một trường tư thục với chi phí tốn kém hơn hay phải đi học hệ giáo dục thường xuyên và trường nghề. Đôi khi, niềm vui của gia đình này lại là nỗi buồn của gia đình khác khi mà sự cạnh tranh để có một suất thi đỗ vào lớp 10 ở Hà Nội mỗi năm lại càng trở nên quá khốc liệt như vậy.

Tôi vô tình được bạn bè chia sẻ một bài viết được cho là của một nam sinh, sinh năm 2009, trượt nguyện vọng 1 khiến tôi cảm thấy day dứt, bật khóc và thương cho đứa trẻ còn non nớt mới 15 tuổi ấy đã rơi vào hoàn cảnh không may mắn gặp ngay phải cú sốc đầu đời.

Tôi cũng làm mẹ của hai cô con gái, năm 2021 con gái lớn của tôi cũng đã từng tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP Hà Nội và tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì con như biết bao phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm ấy. Chỉ là, con gái tôi may mắn thi đỗ tất cả các nguyện vọng và tôi không phải buồn hay thất vọng như những cha mẹ có con thi trượt.

Có thể nói rằng, đau khổ, buồn chán, thất vọng, tự ti... là tâm trạng chung của nhiều thí sinh không đạt kết quả thi như mong muốn. Học sinh ngày nay phải chịu khá nhiều áp lực, vừa là áp lực tâm sinh lý lứa tuổi, áp lực học hành, thi cử, áp lực phải bằng với các bạn đồng trang lứa.

Một số em lại phải “cõng” trên vai cả những mong muốn, ước mơ của bố mẹ. Do vậy, khi em nào không may mắn bị trượt hết các nguyện vọng hoặc trượt nguyện vọng 1, không ít em sẽ cảm thấy bản thân thất bại, trở nên buông xuôi, tự cô lập mình với gia đình, bạn bè, người thân, thậm chí có những em có xu hướng tự trừng phạt bản thân mình.

Với những em trượt lớp 10 rất cần sự chia sẻ, động viên từ thầy cô, bạn bè và đặc biệt là gia đình. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần làm sao để giúp các em thấy yên tâm, an toàn. Hãy cố gắng hiểu mọi cố gắng của con.

Trong giai đoạn này, cha mẹ không nên so sánh hay chỉ trích con, thay vào đó nên phân tích cho con hiểu, trong thi cử, đương nhiên sẽ có người đỗ, người trượt. Kết quả không mong muốn, cả gia đình và con đều buồn nhưng điều quan trọng là các con rút ra được bài học từ đây. Việc rút kinh nghiệm, đánh giá lại được bản thân mình quan trọng hơn cả việc đỗ trượt, điểm cao hay thấp.

Đứng dậy sau mỗi thất bại

Đọc bài chia sẻ của nam sinh trượt nguyện vọng 1, tôi rất thương em nhưng cũng thấu hiểu tâm trạng của cha mẹ em. Khi em chia sẻ, rất nhiều người lên án cha mẹ của em. Thực lòng mà nói, cha mẹ nào có con thi trượt cũng đều buồn và thất vọng. Không chỉ trẻ cảm thấy bị sốc khi trượt lớp 10 công lập, mà đôi khi chính những người làm cha, làm mẹ cũng sốc nặng khi con thi trượt.

Chỉ là, cách thể hiện của mỗi người khác nhau mà thôi. Có những cha mẹ rất buồn nhưng vẫn giữ được bình tĩnh và động viên con vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng có những cha mẹ không giữ được bình tĩnh, thể hiện sự thất vọng về con ra mặt và có cách ứng xử chưa khéo léo, dẫn đến con trai cảm thấy bị tổn thương như cha mẹ của nam sinh nói trên.

Qua chia sẻ này của em, cũng là một lần để các bậc phụ huynh rút kinh nghiệm và học cách ứng xử khéo léo khi con mình thi trượt để tránh xảy ra tình trạng con mình rơi vào hoàn cảnh buồn khổ, tự ti và tổn thương về tâm lý như nam sinh này. Nếu không may con thi trượt lớp 10, cha mẹ hãy cố gắng giữ bình tĩnh, không nên mắng con hay tỏ ra thất vọng về con.

Bởi kết quả đã như thế thì thất vọng hay mắng con cũng không thể thay đổi được điều gì. Cha mẹ phải dạy cho con hiểu, trong cuộc đời sẽ còn có nhiều lần thất bại. Điều quan trọng là bài học từ thất bại thế nào? Cách để vượt qua nó ra sao. Biến thất bại hôm nay trở thành điều quý giá, giúp một đứa trẻ vượt lên thất bại để khẳng định bản thân.

Việc đỗ vào ngôi trường mong muốn chỉ là một trong những con đường, phương tiện đi đến mục tiêu, bên cạnh nhiều con đường khác, có thể là khó khăn hơn một chút ở thời điểm hiện tại. Chúng ta phải giáo dục làm sao cho con hiểu về việc sống hạnh phúc, làm thế nào để cho mỗi một ngày trôi qua của trẻ hạnh phúc và làm cho trẻ nhìn thấy một cuộc đời mà mình hướng đến.

Tiếp đó là phải hướng dẫn, trang bị cho con kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình, coi đó là một kỹ năng sinh tồn đầu tiên và phải dạy cho con một cách nghiêm túc khi con bước vào giai đoạn vị thành niên, phải đối diện với rất nhiều áp lực từ cuộc sống. Nếu không, trẻ có thể sẵn sàng chọn từ bỏ cuộc đời chỉ vì những áp lực tinh thần.

Với thực tế số lượng trường công lập ở Hà Nội còn ít, số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ít hơn so với số lượng thí sinh đăng ký dự thi thì việc không may trượt lớp 10 công lập là điều hoàn toàn bình thường. Mỗi học sinh cần chuẩn bị tâm lý. Nhiều học sinh và phụ huynh cũng có chung tư tưởng trượt lớp 10 công lập là hết, đây là quan niệm sai lầm.

Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Thi trượt trong một kỳ thi không có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của một con người. Cuộc sống luôn luôn mang đến cho chúng ta nhiều sự lựa chọn, vấn đề là chúng ta học cách chấp nhận sự thật và lựa chọn như thế nào phù hợp nhất với năng lực, mơ ước của bản thân học sinh, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình các em.

Qua bài viết này, xin được gửi lời chia sẻ và nhắn nhủ yêu thương nhất tới những em học sinh không may mắn trong kỳ thi vào lớp 10 công lập năm 2024 rằng: Nếu các con thất bại, đó không phải là kết thúc. Mà đó là cơ hội để học hỏi và vươn lên. Các con ơi, đừng bao giờ nản lòng nhé! Cha mẹ luôn yêu thương các con vô điều kiện và đồng hành cùng các con. Mong các con hãy hiểu cho tấm lòng của cha mẹ và học cách bao dung với cha mẹ hơn, hãy cho cha mẹ có cơ hội được sửa chữa sai lầm, các con nhé!

Đứng dậy sau mỗi thất bại chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa của hạnh phúc và thành công. Bởi vậy thất bại không đáng sợ, không học được gì sau thất bại mới là điều đáng sợ, và từ chối đứng dậy sau thất bại là điều đáng sợ nhất vì điều đó cho thấy chắc chắn sẽ thất bại.

Ngoài ra, cả phụ huynh và học sinh cũng cần hiểu rằng, việc học ở ngôi trường nào quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là chính bản thân học sinh phải cố gắng, bởi dù trường có tốt đến mấy, giáo viên có giỏi đến mấy, bố mẹ có đầu tư nhiều tiền cho các em học đến mấy nhưng các em không chịu học cũng không thể đem lại hiệu quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ