Sẵn phương án 'dự phòng' khi trượt lớp 10 công lập

GD&TĐ - Ngoài hướng cho con đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường công lập, nhiều phụ huynh TPHCM còn nỗ lực tìm phương án dự phòng nếu thi trượt.

Giờ học của học sinh THCS - THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình). Ảnh: TT
Giờ học của học sinh THCS - THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình). Ảnh: TT

Chọn hướng đi nào phù hợp điều kiện gia đình, năng lực học tập của con là điều nhiều cha mẹ vẫn băn khoăn.

Loay hoay tìm trường phù hợp

So với năm ngoái, cuộc đua vào lớp 10 các trường THPT tại TPHCM năm nay có phần căng thẳng hơn. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 là 71.020 học sinh/113 trường THPT công lập, so với năm học 2023 - 2024 giảm 6.274 chỉ tiêu. Trong khi đó, năm nay số học sinh lớp 9 tăng hơn 5 nghìn so với năm học trước. Áp lực giành suất học trường công quá lớn, nhiều phụ huynh cho biết đã tìm hiểu, mua hồ sơ vào một số trường tư thục để làm phương án dự phòng.

Chị Thanh Trang, trú tại quận Phú Nhuận chia sẻ, biết rõ sức học của con nên đã định hướng đăng ký nguyện vọng vào các trường có điểm từ 20 trở xuống. Lần lượt các trường THPT chị chọn gồm: Marie Curie (Quận 3), Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) và Hiệp Bình (TP Thủ Đức). Ngoài ra để dự phòng, chị chọn vài trường dân lập như: Trường Tiểu học – THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (TP Thủ Đức), Trường THCS - THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp) hoặc Trường THCS - THPT Duy Tân (Quận 10).

“Để con đỡ áp lực thi cử, tôi định hướng nếu trượt lớp 10 công lập thì còn nhiều hướng đi như học trường ngoài công lập, học nghề. Sau quá trình tìm hiểu các trường nghề, tôi thấy không hợp với con nên bỏ lựa chọn này. Tôi tìm hiểu các trường ngoài công lập và thấy môi trường học tập, chương trình khá ổn. Hiện bản thân còn phân vân về vấn đề học phí”, chị Thanh Trang nói.

Tương tự, chị Kim Chi, trú tại Quận 3, sau khi tìm hiểu và tư vấn đăng ký nguyện vọng vào các trường công lập cho con, chị còn lên mạng tìm hiểu các diễn đàn hoặc dò hỏi thông tin người quen để biết thêm về trường ngoài công lập, nhưng đến nay vẫn băn khoăn, chưa chốt được trường nào.

Theo chị Chi, dù năng lực học tập của con gái tốt, nhưng do học tiếng Nhật nên ưu tiên định hướng con vào các trường THPT có dạy ngoại ngữ này. Chị đã tìm hiểu một số trường như THPT Marie Curie, THPT Lê Quý Đôn (Quận 3), THPT Trưng Vương (Quận 1). Tuy nhiên điểm đầu vào lớp 10 các trường trên khá cao, chị động viên con tự tin ôn luyện, nếu không đỗ trường mong muốn sẽ học trường ngoài công lập.

“Tôi thích các chương trình trải nghiệm thực tế ở trường ngoài công lập. Ngoài trang bị kiến thức, con học được nhiều kỹ năng sống, giao tiếp, đồng thời môi trường cởi mở cũng là điểm cộng lớn. Mức học phí có phần cao hơn nhưng đổi lại, con nhận về nhiều hơn”, chị Chi bày tỏ.

Học sinh THCS tại TPHCM trải nghiệm môi trường học tập tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3). Ảnh. MA

Học sinh THCS tại TPHCM trải nghiệm môi trường học tập tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3). Ảnh. MA

Nhiều chỗ học nếu trượt công lập

Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2024 - 2025, toàn TPHCM có 234 cơ sở giáo dục tuyển sinh lớp 10. Ngoài 113 trường THPT công lập còn có Trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) tuyển 595 học sinh.

Bên cạnh đó, thành phố có 83 trường THPT ngoài công lập, trường có vốn đầu tư nước ngoài tuyển sinh hơn 28 nghìn chỉ tiêu lớp 10; 30 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên, phân hiệu bổ túc văn hóa, trung tâm bảo trợ dạy nghề và đào tạo việc làm tuyển 11.686 chỉ tiêu lớp 10; 7 trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh 10.135 chỉ tiêu.

Như vậy, nếu không trúng tuyển nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập, học sinh lớp 9 có thể lựa chọn các môi trường học tập khác với gần 50 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh. Tỷ lệ này nhằm thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS, trong đó, 70% học sinh sau THCS tiếp tục học lớp 10 THPT công lập, 30% học sinh còn lại có hướng học khác như học THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học trung cấp nghề.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM chia sẻ, với học sinh không có nhu cầu học tiếp lên đại học thì học nghề theo mô hình 9+ là ngã rẽ hợp xu hướng. Tại hầu hết trường trung cấp, cao đẳng đã triển khai hệ đào tạo này.

“Đặc biệt, với sự phát triển của hệ thống trường ngoài công lập, trường trung cấp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, rõ ràng THPT công lập không phải là con đường duy nhất, vẫn có những cánh cửa khác mở ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Vì vậy, đây là thời điểm phụ huynh cần hiểu đúng năng lực của trẻ để quyết định lựa chọn mở cánh cửa phù hợp nhất cho tương lai”, ông Trần Anh Tuấn bày tỏ.

Cô Vũ Thị Thu Trang - giáo viên Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ, những năm gần đây, nhiều trường tư thục đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực của học sinh. Nhiều trường ngoài công lập lọt vào danh sách những đơn vị có số lượng đầu ra tốt.

“Tại nhiều trường ngoài công lập, học sinh không chỉ được học văn hóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT, mà còn học nhiều chương trình khác, đặc biệt là kỹ năng mềm, công nghệ thông tin, tiếng Anh. Vì thế các em có điều kiện phát triển ở cấp học tiếp theo. Thực tế, nhiều phụ huynh quan tâm nhất là trẻ sẽ học trường như nào, học ai, học cái gì, đầu ra và được gì; sẽ trưởng thành về phẩm chất và năng lực thế nào”, cô Thu Trang chia sẻ.

Em Minh Đông trú tại huyện Bình Chánh cho biết: “Biết rõ năng lực học tập bản thân cũng như điều kiện gia đình nên em đã đăng ký theo học hệ 9+ tại Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM với ngành Quản trị nhà hàng. Lựa chọn giúp em và gia đình tiết kiệm thời gian, chi phí học tập.

Ở môi trường học tập này sau 3 năm học, em sẽ nhận bằng THPT và cao đẳng chính quy, đi làm sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Nhà trường cũng cam kết 100% việc làm, giúp tìm việc sau tốt nghiệp nên em rất yên tâm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ