Trượt lớp 10 công lập vẫn rộng cửa vào đời

GD&TĐ - Đến thời điểm này, cả nước có hơn 20 tỉnh, thành công bố điểm chuẩn vào lớp 10 hệ công lập, năm học 2024 - 2025.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 trường THPT công lập tỉnh Hải Dương năm 2024. Ảnh: Thế Anh.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 trường THPT công lập tỉnh Hải Dương năm 2024. Ảnh: Thế Anh.

Riêng với học sinh không may trượt lớp 10 công lập, việc tìm kiếm cơ hội, “lối rẽ” khác là điều cần làm ngay.

“Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra”

Cách đây hơn 4 năm, Đỗ Việt Anh – cựu học sinh lớp 11D Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) đã trải qua những cảm xúc giống như hàng chục nghìn thí sinh trượt vào lớp 10 trường THPT công lập năm nay phải đối mặt. “Những gì em trải qua thật sự khó khăn khi từ một học sinh giỏi với bảng thành tích học tập đáng mơ ước lại có thể trượt lớp 10”, Việt Anh bộc bạch và nhớ lại, ngày ấy cả lớp có 46 bạn thì 45 người đỗ. Việt Anh là lớp trưởng nhưng lại trượt.

“Em nhớ, 8 giờ sáng hôm đó, khi lên tra điểm, chiếc bánh mỳ em đang ăn dở trên tay rơi xuống đất lúc nào không hay. Như sét đánh ngang tai, em đã trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập ở Hà Nội. Khi biết đó là sự thật, mẹ đã phóng vội từ cơ quan về nhà và ôm em khóc. Lúc ấy em không biết nên nói gì với bố mẹ”, Việt Anh chia sẻ.

Vào khoảng thời gian suy sụp, “tụt dốc” đó, Việt Anh được mẹ đưa đến Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) để đăng ký theo học. Nhìn bảng thành tích 9 năm của Việt Anh, cô giáo chủ nhiệm đã giao phó trách nhiệm lớp trưởng và động viên em tham gia nhiều hoạt động tập thể của trường, lớp. Về phía gia đình, sau buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I năm lớp 10, bố và mẹ đã có cái nhìn thay đổi về em. Từ đó em vượt qua được áp lực của việc thi trượt lớp 10 và được là chính mình.

Giờ đây, Việt Anh là sinh viên của Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội). Câu chuyện của nam sinh như một thông điệp về việc “cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra” nhưng ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, các em rất cần sự đồng hành, chỉ lối của phụ huynh và giáo viên.

Nhắn gửi với phụ huynh, TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) khuyến nghị, đừng quy tội khi trẻ thi không trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Có những em không đỗ vào trường công nhưng sau đó đã trưởng thành. Vì thế phụ huynh hãy coi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là một cuộc chơi thử sức. Cuộc chơi này chưa thành thì cuộc chơi sau sẽ thành.

“Thay vì áp lực, phụ huynh hãy dạy trẻ biết đứng lên, tạo điều kiện cho chúng bước tiếp. Theo đó, việc chọn trường phù hợp lúc này là bài toán quan trọng nhất. Phụ huynh nên động viên trẻ tiếp tục rèn luyện, tiếp thêm ý chí, nghị lực để làm tốt hơn ở lần sau”, TS Nguyễn Văn Hòa trao đổi.

Nhiều lối rẽ cho học sinh sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Ảnh: Hải Nguyễn.

Nhiều lối rẽ cho học sinh sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Ảnh: Hải Nguyễn.

Nhiều lối rẽ

Nhiều học sinh, phụ huynh có chung tư tưởng trượt lớp 10 công lập là hết. Thầy Trần Văn Tỏ - giáo viên Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) cho rằng, đây là quan niệm sai lầm. Có nhiều “lối rẽ” cho những học sinh không may trượt lớp 10 công lập. Hiện, có nhiều trường THPT ngoài công lập, cùng đó là hệ thống trường nghề được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên có trình độ. Vì thế, học sinh có thể lựa chọn học tập và rèn luyện ở môi trường này.

Vì nhiều yếu tố nên các trường THPT công lập ở nhiều địa phương chưa thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhìn nhận. Vì thế, nếu không may trượt lớp 10 công lập là điều bình thường. Quan trọng các em cần chuẩn bị tâm lý. Nếu kết quả thi không như mong muốn, các em hãy tìm hiểu các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề... Song, dù lựa chọn con đường học tập nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu của cá nhân và điều kiện gia đình.

TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tư vấn, phụ huynh và học sinh có thể tìm hiểu mô hình 9+, 10+… Mô hình này có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ. Việc của các em là tự tin và làm thật tốt trong khả năng của mình.

Tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, có nhiều em lớp 9 với học lực khá cũng lựa chọn học nghề. Ưu điểm của mô hình này là thời gian học ngắn. Cùng tốt nghiệp lớp 9, một em học THPT công lập, em còn lại học nghề trong trường cao đẳng, sau 3 năm, cả hai em nhận bằng tốt nghiệp THPT.

Thế nhưng, học sinh học trường nghề có thêm 1 bằng trung cấp nghề. Tính về kinh tế và thời gian học đều lợi hơn. “Hiện, một số trường đào tạo nghề có chính sách cam kết việc làm. Nhiều em được doanh nghiệp hỗ trợ hoàn toàn học phí nên khi ra trường có việc làm ngay”, TS Đồng Văn Ngọc cho hay.

Năm học 2024 - 2025, TP Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, đáp ứng nguyện vọng học tập của 100% học sinh tốt nghiệp THCS. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Thành phố hiện có nhiều loại hình trường để học sinh tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn, bao gồm trường công lập, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng… Trong các loại hình trường, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 - 2025 chiếm khoảng 60%.

Nếu không đủ điều kiện dự tuyển vào lớp 10 trường công lập, học sinh có thể tham khảo, đăng ký dự tuyển vào các loại hình trường khác. Nhiều trường phổ thông tư thục đã thông báo về tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Phụ huynh học sinh đăng ký dự tuyển theo hình thức trực tuyến, không phải trực tiếp đến trường xếp hàng như các năm trước.

“Cánh cổng trường THPT công lập không phải là duy nhất, bởi có nhiều trường tư thục, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên… Dù không đỗ vào lớp 10 công lập nhưng biết đâu khi học ở một trong những cơ sở giáo dục này sẽ là cơ hội tốt để các em phát triển và trưởng thành”, TS Nguyễn Văn Hòa trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ