Những cánh cửa vẫn rộng mở cho học sinh trượt lớp 10 công lập

GD&TĐ - Đỗ vào ngôi trường THPT công lập là mong muốn chung của đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

ThS Võ Minh Thành trong một buổi tư vấn cho học sinh THPT tại TPHCM. Ảnh: M.A
ThS Võ Minh Thành trong một buổi tư vấn cho học sinh THPT tại TPHCM. Ảnh: M.A

Song, trượt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập không hẳn là viễn cảnh xấu, bởi ngã rẽ trường tư thục, trường nghề cũng tươi màu.

Trường nghề, trường tư thục rộng cửa

Ngay tuần đầu tiên sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TPHCM, các trường nghề, trường tư thục đón nhận số lượng lớn hồ sơ của phụ huynh đến đăng ký cho con. Ông Trần Văn Minh - Phụ trách Tuyển sinh & Truyền thông, Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân) cho hay:

“Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 của trường là 360 học sinh. Theo quy định, nhà trường bắt đầu tuyển sinh lớp 10 từ ngày 1/6. Điều kiện vào học tại trường là học sinh phải đạt kết quả rèn luyện từ khá trở lên, kết quả học tập từ trung bình trở lên. Trong những ngày đầu tuyển sinh, đa phần phụ huynh chỉ đến tìm hiểu, tham quan khuôn viên trường. Tuy nhiên sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM, rất đông phụ huynh đến nộp hồ sơ đăng ký”.

Tương tự, Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình) tuyển sinh hơn 200 chỉ tiêu lớp 10 trong năm học 2024 - 2025. Mặc dù mới tuyển sinh từ đầu tháng 6, song có nhiều dấu hiệu “khởi sắc” so với các năm trước. Theo cô Vũ Thị Thu Trang - Phụ trách Tuyển sinh nhà trường, những ngày đầu tháng 6, phụ huynh chủ yếu đến hỏi thăm thông tin về trường. Tuy nhiên, sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM vừa qua, mỗi ngày có khoảng 8 - 10 phụ huynh đến trường nộp hồ sơ. Ngoài ra, có nhiều người gọi điện đến đường dây nóng và nhắn tin trên fanpage của trường để được tư vấn về chương trình học cũng như mức học phí”, cô Trang cho hay.

Tại các trường nghề, thời điểm này, phụ huynh đến tìm hiểu chương trình học cũng như đăng ký cho con học nhộn nhịp không kém. ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM cho biết, công tác tư vấn tuyển sinh được thực hiện xuyên suốt năm học. Những ngày này bình quân mỗi ngày bộ phận tuyển sinh nhận từ 20 - 30 hồ sơ đến đăng ký hệ 9+. “Cũng như mọi năm, chỉ tiêu tuyển sinh hệ 9+ năm 2024 tại trường là 300. Điều đáng mừng đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã tuyển sinh được 2/3 so với chỉ tiêu”, ông Lý cho hay.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2024 - 2025, địa phương có tổng số 114.933 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó có 98.681 em đăng ký thi lớp 10. Tuy nhiên năm học tới, TPHCM tuyển hơn 77.000 học sinh lớp 10. Như vậy sẽ có hơn 20.000 em trượt lớp 10 công lập. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập, học sinh có thể lựa chọn các môi trường học tập khác với gần 50.000 chỉ tiêu tuyển sinh.

Cụ thể, TPHCM có 30 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên, phân hiệu bổ túc văn hóa, trung tâm bảo trợ dạy nghề và đào tạo việc làm với 11.686 học sinh; 7 trường cao đẳng, trung cấp với 10.135 chỉ tiêu và 83 trường THPT tư thục, trường có yếu tố nước ngoài tuyển với 28.000 chỉ tiêu.

Phụ huynh đến tìm hiểu và nộp hồ sơ nhập học tại Trường THPT Trần Nhân Tông. Ảnh: T.M

Phụ huynh đến tìm hiểu và nộp hồ sơ nhập học tại Trường THPT Trần Nhân Tông. Ảnh: T.M

Cho các em điểm tựa

Thầy Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TPHCM) chia sẻ, nếu trẻ không đỗ lớp 10 công lập, cha mẹ không nên trách móc, so sánh với “con nhà người ta”, khiến các em cảm thấy thất vọng và thu mình. Những lúc như vậy, các em cần được người thân tạo cho mình một điểm tựa để đứng lên. Vì thế, phụ huynh cần quan tâm, động viên, an ủi giúp trẻ lấy lại niềm tin với cuộc sống.

Thực tế cho thấy, hiện có nhiều hình thức học tập khác nhau và mục đích cuối cùng của mỗi con người là có một công việc cho tương lai. “Phụ huynh tất nhiên buồn khi trẻ không đỗ vào lớp 10 công lập, tuy nhiên đừng xem đó là thất bại mà nên có những hành động, lời lẽ ân cần nhằm giúp các em vực dậy tinh thần để đứng lên tìm hướng đi mới phù hợp. Mỗi người có cách vào đời khác nhau chứ không phải chỉ có con đường học hết phổ thông rồi vào đại học mới là người giỏi, thành công”, thầy Đảo chia sẻ.

ThS Võ Minh Thành - giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, trong “cuộc đua” vào lớp 10, nhiều phụ huynh đặt ra mục tiêu cao, thậm chí áp đặt con cái. Sự kỳ vọng này, trong mắt nhiều bậc cha mẹ vì “tốt cho con”, nhưng thực tế lại là áp lực vô hình, khiến các em không chỉ cảm thấy căng thẳng mà còn mất đi niềm vui trong học tập. Điều quan trọng mà mỗi bậc phụ huynh cần nhớ là phải tôn trọng và ghi nhận nỗ lực. Mỗi học sinh đều có khả năng và tốc độ học tập khác nhau.

“Do đó, thay vì chỉ tập trung vào kết quả, phụ huynh nên chú trọng cả quá trình học tập và sự cố gắng, lắng nghe và thấu hiểu trẻ. Việc tôn trọng nỗ lực còn giúp xây dựng một mối quan hệ gia đình gắn kết hơn. Khi các em cảm thấy được cha mẹ thấu hiểu và hỗ trợ sẽ tự tin hơn, không ngần ngại chia sẻ khó khăn và từ đó, có thể phát triển tốt hơn cả về học tập lẫn nhân cách. Hãy để con cái có cơ hội phát triển theo đúng khả năng và đam mê, vì chỉ khi đó, chúng mới thực sự cảm thấy hạnh phúc, tự tin trên con đường học tập và cuộc sống”, ThS Võ Minh Thành nói.

Những thí sinh trượt lớp 10 công lập nên bình tĩnh và coi việc thi trượt là nỗi buồn tạm thời. Nêu quan điểm, giảng viên Võ Minh Thành đồng thời cho hay: Trong cuộc đời con người có nhiều cách để đi đến đích. Nếu chọn được cách phù hợp, con người sẽ có động lực phát triển, nuôi dưỡng khát khao cống hiến cho xã hội. Điều quan trọng phải tìm ra môi trường học tập đúng với năng lực, sở thích.

Ngay sau khi kỳ thi lớp 10 kết thúc, ngày 11/6 em G.B, trú tại quận Tân Phú cùng mẹ đến nộp hồ sơ vào một trường ngoài công lập trên địa bàn. Nguyện vọng 1 của G.B là Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú). Tuy nhiên, sau khi tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, do chưa yên tâm về kết quả thi nên gia đình nam sinh đã chuẩn bị phương án dự phòng. Qua đó, gia đình mong muốn tạo tâm lý thoải mái, không để em quá lo lắng, suy nghĩ nhiều về kết quả kỳ thi vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ