Trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ học sinh đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân; đặc biệt là các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; giúp cho học sinh hộ nghèo, học sinh dân tộc cư trú ở địa bàn có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn yên tâm phấn đấu tham gia học tập, rèn luyện tốt, góp phần ổn định kinh tế, chính trị xã hội tại các vùng này.
Giảm tỉ lệ học sinh bỏ học tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Theo báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong những năm qua các chính sách hỗ trợ học sinh được duy trì ổn định, ngoài việc chuyển các chính sách hỗ trợ đặc thù sang các chính sách hỗ trợ thường xuyên đã góp phần tích cực trong việc huy động trẻ em, học sinh đến trường, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, từ khoảng 14% của giai đoạn 2010-2015 xuống còn khoảng 6,99% thời điểm đầu năm 2020.
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung đối tượng, bổ sung các chính sách hỗ trợ giáo dục trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến nhiều mặt, phát triển cơ sở giáo dục, kiên cố hóa trường lớp, bảo tồn tiếng, chữ dân tộc thiểu số.
Chính sách đối với trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm: chính sách học bổng; hỗ trợ học tập; miễn, giảm học phí; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; hỗ trợ đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người; hằng năm, tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em, học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi ước khoảng 9.219 tỷ đồng;
Chính sách đào tạo đối với người dân tộc thiểu số gồm: chế độ cử tuyển, tuyển thẳng vào đại học, dự bị đại học, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh, ưu tiên trong tổ chức đào tạo, các chính sách hỗ trợ khác (học bổng; hỗ trợ chi phí học tập; miễn, giảm học phí, trợ cấp xã hội,...).
Hằng năm, kinh phí thực hiện chính sách đối với sinh viên dân tộc thiểu số ước khoảng 1.486 tỷ đồng; Chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên (hiện nay có 400.485 học sinh, sinh viên đang vay vốn, với số dư nợ trên 11.000 tỷ đồng để phục vụ học tập.
Hằng năm có hơn 540.000 học sinh đã nhận được gạo hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ và hơn 2.600 tỷ đồng tiền hỗ trợ ăn trưa cho các học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Quy mô, mạng lưới trường lớp ở vùng DTTS và miền núi được củng cố
Đối với việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số: những năm qua, chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên.Quy mô, mạng lưới trường lớp ở vùng DTTS và miền núi được củng cố, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học.
Hiện toàn vùng có 5.766 trường mầm non; 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.
Học sinh mầm non Trường mầm non Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). |
Đến nay, các tỉnh vùng DTTS đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đến tháng 12/2016, đã có 100% tỉnh và huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có một số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99,35%; cấp trung học cơ sở là 92,27%; cấp trung học phổ thông là 63,03%. Tỷ lệ học sinh 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 89,46%.
Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS cho học sinh trong các trường phổ thông được thực hiện theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, ngày 15/7/2010 của Chính phủ.
Cả nước chính thức triển khai dạy và học 06 thứ tiếng DTTS (Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê) ở 22 tỉnh thành trong cả nước với quy mô 715 trường, 4.812 lớp, hơn 113.000 học sinh; 17 tỉnh tổ chức dạy 18 thứ tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức; đã mở 66 lớp với hơn 3 nghìn học viên học tại các cơ sở giáo dục và trung tâm giáo dục thường xuyên. Kết quả dạy và học được đánh giá đạt yêu cầu.
Công tác xóa mù chữ, tái mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả. Trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15-60 tuổi mù chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ; 25 nghìn người đã được công nhận biết chữ và những người đang học dở lớp 4, 5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp sau khi biết chữ.