Bước tiến mới về hòa bình và hòa hợp trên bán đảo Triều Tiên

GD&TĐ - Trong một cuộc gặp cấp cao hôm 15/10, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được sự thỏa thuận về việc kết nối lại tuyến đường sắt và đường bộ giữa hai nước. Đây có thể coi là bước tiến mới trên con đường tìm kiếm hòa bình và hòa hợp giữa hai bên...

Trưởng phái đoàn Triều Tiên Ri Son Gwon cùng trưởng phái đoàn Hàn Quốc Cho Myoung-gyon bắt tay trong cuộc gặp đầu tiên tại làng đình chiến Panmunjom hồi tháng 1/2018, sau nhiều năm căng thẳng và thù địch
Trưởng phái đoàn Triều Tiên Ri Son Gwon cùng trưởng phái đoàn Hàn Quốc Cho Myoung-gyon bắt tay trong cuộc gặp đầu tiên tại làng đình chiến Panmunjom hồi tháng 1/2018, sau nhiều năm căng thẳng và thù địch

Các thỏa thuận lịch sử

Thỏa thuận về các liên kết giao thông đạt được trong các cuộc đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom ở phía Nam khu phi quân sự liên Triều (DMZ), nhằm hiện thực hóa các cam kết tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba trong năm nay giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, diễn ra hồi tháng trước.

Hai bên đã đạt được thỏa thuận sau khi thảo luận về kế hoạch hành động để phát triển quan hệ liên Triều với một giai đoạn mới, cao hơn - một tuyên bố chung do Bộ Thống nhất Hàn Quốc phát hành cho biết.

Họ đã đồng ý tổ chức các nghi lễ vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới, để khánh thành công việc kết nối lại đường sắt và đường bộ đã bị cắt đứt từ Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Hai bên sẽ tiến hành nghiên cứu thực địa trên các kế hoạch vận tải từ cuối tháng này, theo tuyên bố chung.

Họ cũng đồng ý thảo luận vào cuối tháng này về kế hoạch đồng tổ chức Thế vận hội Olympic 2032, đồng thời dự kiến sẽ họp bàn về việc khởi động lại các cuộc gặp mặt qua video trực tuyến (webcam) và trao đổi video (clip) cho các gia đình bị chia cách bởi Chiến tranh Triều Tiên.

Các quan chức quân sự từ cả hai bên cũng sẽ có cuộc gặp “trong tương lai gần” để thực hiện các bước tiếp theo cho một hiệp ước quân sự đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh tháng trước - một trong những thỏa thuận liên Triều khiến Mỹ bất bình nhất vì cho là đã bị “qua mặt”.

Hiệp định này bao gồm việc khôi phục một ủy ban quân sự chung, đình chỉ các cuộc tập trận, thiết lập một vùng cấm bay gần khu vực biên giới và loại bỏ dần bãi mìn cũng như sự hiện diện của binh lính trong Khu DMZ.

Bên cạnh đó, các cuộc họp liên quan đến phát triển dân sinh cũng được lên kế hoạch. Cụ thể vào ngày 22/10, hai bên sẽ họp về việc tái trồng rừng ở Khu DMZ. Cuối tháng 10, một cuộc họp về phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe sẽ diễn ra tại một văn phòng liên lạc được khai trương vào tháng trước ở thành phố biên giới phía Bắc Kaesong.

Các cuộc đàm phán được chủ trì bởi Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon và Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình của Triều Tiên Ri Son Gwon, để xử lý các vấn đề xuyên biên giới.

Hoa Kỳ bị “qua mặt”?

Vào tháng 6/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore. Hai bên đang sắp xếp một cuộc họp thứ hai, mà ông Trump cho biết có khả năng sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử quốc hội Hoa Kỳ (diễn ra vào ngày 6/11).

Bất chấp các diễn biến đó, Washington vẫn đang theo đuổi chính sách “áp lực tối đa” để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo - vốn luôn được Bình Nhưỡng tuyên bố là có thể đánh vào lục địa Hoa Kỳ. Sự nồng ấm nhanh chóng trong nối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã làm dấy lên lo ngại của Mỹ rằng nó sẽ khiến các cuộc đàm phán để thúc đẩy tháo dỡ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bị bỏ qua.

Trong tháng 8, một kế hoạch kiểm tra chung cho dự án đường sắt đã bị loại bỏ, sau khi Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiêp Quốc (UNC), được triển khai cùng với các lực lượng quân đội Hoa Kỳ ở đây để giám sát các vấn đề trong DMZ, từ chối thông qua một chuyến tàu thử nghiệm liên Triều.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây cũng bày tỏ “bất mãn” về thỏa thuận quân sự liên Triều. Thông tin này được chính Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết tuần trước. Điều này dẫn đến một sự xác nhận hiếm hoi về mối bất hòa giữa Seoul và Washington.

Sáng kiến đường sắt và đường bộ với giá thầu chung của Liên Hiêp Quốc đã được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9. Tại cuộc gặp này, ông Moon đã tự tin tuyên bố với báo giới rằng Triều Tiên sẽ vĩnh viễn bãi bỏ các cơ sở tên lửa chính, dưới sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài. Sau đó ít lâu, chính phủ Hàn Quốc được cho là đã bàn thảo việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt về kinh tế với Triều Tiên. Kế hoạch này được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng vấp phải phản đối gay gắt ở ngay trong giới chính khách. Sau đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã phải lên tiếng phủ nhận thông tin trên.

Hôm 10/10, ông Trump tuyên bố Hàn Quốc sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên mà không có sự chấp thuận của Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.