Trong bối cảnh “bùng nổ” xếp hạng đại học ở quy mô toàn cầu, giữa các hệ thống xếp hạng sẽ có những tiêu chí khác nhau nhằm khẳng định giá trị của một trường đại học hàng đầu thế giới. Do đó, để có được xếp hạng cao, nhiều trường đại học lớn tại Việt Nam đã có những định hướng, chiến lược đổi mới và được minh chứng cụ thể qua các hệ thống xếp hạng.
Hiện nay, có nhiều hệ thống xếp hạng uy tín như “Bảng xếp hạng Học thuật các trường Đại học trên Thế giới” (ARWU); Bảng xếp hạng THE; bảng xếp hạng “Các trường đại học tốt nhất thế giới” (World"s Best Universities); Bảng xếp hạng đại học thế giới trên Mạng toàn cầu” (Webometrics Ranking of World"s Universities)…
Trong bảng xếp hạng Webometrics (Webometrics Ranking of World Universities) được công bố tháng 7/2021 Top ba cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất Việt Nam là: Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân.
Theo kết quả này, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) đã có bước nhảy vọt khi lọt vào Top 50 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất Việt Nam, với vị trí thứ 46/176 tăng 34 bậc so với năm 2019.
Để hoàn thành mục tiêu xếp hạng đòi hỏi các trường đại học phải nỗ lực và có chiến lược đầu tư cụ thể dựa vào các tiêu chí như danh tiếng học thuật (chiếm 40% đánh giá); danh tiếng người sử dụng lao động (chiếm 10%); tỷ lệ giảng viên, sinh viên (chiếm 20%); số trích dẫn khoa học trên mỗi giảng viên (chiếm 20%); tỷ lệ giảng viên quốc tế (chiếm 5%); tỷ lệ sinh viên quốc tế (chiếm 5%).
Đối với trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) những năm qua Nhà trường luôn nỗ lực khẳng định chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng thương hiệu, bước nhảy vọt trong hệ thống xếp hạng chính là minh chứng thuyết phục cho sự phát triển của Nhà trường. Đặc biệt là những chuyển biến trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sự gia tăng đề tài nghiên cứu các cấp, nhiều đề tài cấp Bộ được thực hiện trong 2 năm từ năm 2019 đến 2021 (6 đề tài khoa học); Đề tài cấp Trường: năm 2020 có 105 đề tài, năm 2021 có thêm 13 đề tài; Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2020 có 131 đề tài và năm 2021 có 12 đề tài.
Về tiêu chí đánh giá năng lực nghiên cứu, thông qua số lượng bài báo khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó có 51 bài ISI (danh mục Web of Science Core Collection - trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate Analytics, Mỹ); 135 bài Scopus (ấn phẩm khoa học được tuyển chọn và quản lý bởi Elsevier, Hà Lan, đạt tỷ lệ 0,5 bài/ giảng viên); 68 bài trong nước và quốc tế khác (đạt tỷ lệ 0,2 bài/ giảng viên).
Ngoài ra, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) cũng đã tổ chức thành công hội thảo Quốc tế ICERA năm 2020 với hơn 200 bài nộp tại hội thảo, trong đó 94 bài được các chuyên giá đánh giá đạt tiêu chí Hội thảo.
Từ các bài báo chất lượng cao được công nhận rộng rãi trong cộng đồng khoa học quốc tế, tạp chí khoa học uy tín danh mục Scopus, ISI và các tạp chí trong nước, quốc tế khác đã góp phần không nhỏ để làm nên sự thay đổi đáng kể về xếp hạng của Nhà trường.
Theo PGS.TS Phạm Thành Long - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ: Việc thăng hạng có ý nghĩa rất lớn nhằm nâng cao uy tín, khẳng định thương hiệu và chất lượng đào tạo cũng như thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao xếp hạng tại các hệ thống xếp hạng quốc tế, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) đã Ban hành quy chế quản lý viên chức, người lao động, làm rõ định mức nghiên cứu khoa học của giảng viên. Đồng thời, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ quy định mức thưởng rõ ràng cho bài báo quốc tế tùy theo chất lượng.
Như vậy, với những quy chế quản lý và mức thưởng rất rõ ràng sẽ góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy giảng viên, nhà khoa học có môi trường cống hiến, sáng tạo. Qua đó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ trong nhà trường.