Bước chuyển từ tự chủ đại học

GD&TĐ - Tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân học tập trong thư viện. Ảnh: NTCC.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân học tập trong thư viện. Ảnh: NTCC.

Chủ động đổi mới

Là một trong những cơ sở giáo dục đại học sớm thực hiện cơ chế tự chủ đại học, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, trường chủ động đổi mới mọi mặt hoạt động, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực. Đồng thời phát huy năng lực và thế mạnh nội tại để thúc đẩy tăng trưởng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ.

Cũng theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, thực hiện tự chủ, trường đã chuyển đổi mô hình tổ chức quản trị, phát triển gồm: Phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị hiệu quả, đúng mục đích, quy định. Người thầy được tạo điều kiện tối đa để giảng dạy và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm tính hiện đại và phát triển bền vững.

Nhà trường xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định và nâng cao vị thế, thương hiệu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong khởi nghiệp, khởi nguồn và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, đảm bảo công bằng cho người học.

“Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện chiến lược phát triển, với 5 mục tiêu,10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đổi mới quản trị là giải pháp then chốt. Quan điểm của chúng tôi là, lấy Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học làm trung tâm” - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, quá trình thực hiện tự chủ của trường được thể hiện trong nhiều lĩnh vực như: Mở ngành, mở chuyên ngành và phát triển chương trình đào tạo mới mang tính liên ngành, xuyên ngành.

Trường cũng tự chủ công tác tuyển sinh và quyết định các hoạt động đào tạo bảo đảm chuẩn đầu ra đã cam kết, bảo đảm chất lượng đào tạo. Để tăng cường tự chủ trong đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tiếp tục tăng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh; xây dựng đề án tuyển sinh tự chủ, giảm dần và tiến tới độc lập với kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh

Cho rằng, tự chủ đại học đã trở thành nhu cầu tự thân, xu thế tất yếu và có tính khách quan, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) nhìn nhận, tự chủ đại học vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Có thể thấy, trên cơ sở triển khai hiệu quả, quyết liệt đổi mới giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 29, tự chủ đại học đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống giáo dục đại học nói chung và các cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn viện dẫn, một số mô hình tự chủ đại học đã dần được định hình. Nhận thức về tự chủ đại học được nâng lên ở tầm cao mới. Tự chủ đại học thực sự tạo ra một sức sống mới, giúp các trường công lập nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời, hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.

Ở một số ngành nghề đào tạo, nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và quốc tế. Vấn đề chuyển giao công nghệ và tri thức cũng có chuyển biến tích cực. Công tác đảm bảo chất lượng, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên và viên chức quản lý của các cơ sở giáo dục đại học được nâng cao rõ rệt.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, “chìa khóa” để thành công trong tự chủ đại học là các cơ sở giáo dục đại học cần phải có được nhận thức đúng đắn về tự chủ đại học. Theo đó, cần có nhận thức đúng đắn, phù hợp về vai trò của tự chủ đại học đối với sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh mới.

Cùng với đó, các đơn vị cần đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị đại học. Tùy vào tình hình cụ thể của cơ sở GDĐH mà các vị trí này cần phải được bố trí, sắp xếp một cách phù hợp, khoa học, đảm bảo sự gắn kết, hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của cơ sở GDĐH.

Sinh viên Trường DDH Ngoại thương tham gia cuộc thi “Tìm kiếm Tài năng Khoa học dữ liệu”. Ảnh: NTCC.
Sinh viên Trường DDH Ngoại thương tham gia cuộc thi “Tìm kiếm Tài năng Khoa học dữ liệu”. Ảnh: NTCC.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, thành công lớn nhất của tự chủ đại học là làm thay đổi tư duy, nhận thức và hành động, nhất là trong quản trị đại học. Từ tư duy, cách thức quản lý của Nhà nước cho đến quản lý, quản trị nhà trường. Tự chủ đại học đã phát huy được các nguồn lực và làm thay đổi cách nghĩ, cách cung cấp dịch vụ giáo dục tới người học. Đó là những chuyển biến rất quan trọng.

Trên cơ sở đó, các trường được thụ hưởng nguồn lực và có năng lực cạnh tranh tốt hơn trong hệ thống. Song, điều quan trọng nhất là cung cấp chất lượng đào tạo tốt hơn cho người học. Cùng với đó là cung cấp các sản phẩm, kết quả nghiên cứu phục vụ cộng đồng.

Minh chứng rõ nét là, số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng 3,5 lần sau 4 năm; số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tăng thêm hơn 4 lần. Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ của đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT tăng đáng kể trong những năm qua, trung bình 25%/năm.

Ngoài ra, qua khảo sát cho thấy, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp; có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

Có thể nói, tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng thời thúc đẩy các trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi; hướng tới thực chất và phát triển bền vững.

Theo kết quả khảo sát, trên 80% trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo, đạt kết quả tích cực (trên 85%). Trên 65% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về hoạt động khoa học và công nghệ, các kết quả đạt được tích cực (trên 80%). Các cơ sở GDĐH tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tự chủ đại học cũng giúp cơ sở GDĐH đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.

Nguồn Báo cáo về tự chủ đại học của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ