Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cơ sở giáo dục đại học cần tự ý thức đầy đủ về quyền tự chủ

GD&TĐ - Sáng 17/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi về một số nội dung mà cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam quan tâm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam - sáng 17/8
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam - sáng 17/8

Quyền tự chủ về tuyển sinh không bị vi phạm

Trong khuôn khổ “Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA – 2022” – sáng 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã dành thời gian làm việc với cán bộ chủ chốt, chuyên gia, nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi về một số nội dung mà cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của Học viện quan tâm.

Liên quan đến mô hình tổ chức hoạt động để thực hiện tự chủ đại học, trong đó có hội đồng trường và Ban giám hiệu, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là một trong những quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định 99 của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội. Hiện, hầu hết các trường đại học đã làm và nhiều trường làm tốt. Bộ GD&ĐT đã hai lần gửi công văn sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề nghị phối hợp để có định hướng và triển khai tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Từ góc độ quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT đề nghị, Học viện nghiên cứu thực hiện ngay các quy định về Hội đồng trường theo Luật số 34, mở đường cho những việc khác của tự chủ đại học.

Trước ý kiến cho rằng, công tác tuyển sinh chưa ổn định, gây khó khăn cho các đơn vị đào tạo; Bộ trưởng khẳng định, phương án tuyển sinh không thay đổi thường xuyên. Quyền tự chủ về tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học không hề bị vi phạm.

Vẫn như những năm trước, thực hiện quyền tự chủ, các cơ sở được tự quyết định lựa chọn các khối tuyển sinh, công bố đăng ký chỉ tiêu, điểm chuẩn… Năm nay, có điều chỉnh về mặt kỹ thuật. Việc này tránh tính trạng thí sinh nhận được nhiều giấy gọi nhập học của nhiều trường và ở nhiều thời điểm khác nhau; thậm chí có thí sinh nhận được hàng chục giấy nhập học.

Thể hiện vai trò quản lý Nhà nước trong việc điều tiết toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, năm nay Bộ đã điều chỉnh bằng một cơ sở dữ liệu phần mềm chung. Đến thời điểm này, các trường đại học ghi nhận và đánh giá hệ thống vận hành bình thường. Nhiều trường còn đánh giá tốt. Chỉ ít ngày nữa sẽ kết thúc việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống; khi đó, chúng ta sẽ cùng nhau đánh giá lại, những gì chưa tốt sẽ điều chỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái qua phải), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ hai từ phải qua trái) cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương thăm mô hình của Học viện Nông nghiệp Việt Nam - sáng 17/8
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái qua phải), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ hai từ phải qua trái) cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương thăm mô hình của Học viện Nông nghiệp Việt Nam - sáng 17/8

Đặt hàng các ngành nhà nước có nhu cầu

Trao đổi về vấn đề đặt hàng trong đào tạo và nghiên cứu, Bộ trưởng cho hay: Hiện, mới có cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tức là, mới chỉ đặt hàng các ngành mà Nhà nước có nhu cầu, Nhà nước quản lý điều tiết và nắm được yêu cầu một cách chặt chẽ.

Theo Bộ trưởng, nếu một cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc quá nhiều vào đặt hàng thì chưa thực hiện hết quyền trong tự chủ. Tại hội nghị tự chủ đại học năm 2022 diễn ra mới đây, các đại biểu, nhà khoa học đã trao đổi rất nhiều về vấn đề này.

Mong rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần tự ý thức đầy đủ về quyền tự chủ của mình.

Gửi lời chúc mừng đến những kết quả, thành tựu mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, đào tạo; Bộ trưởng đồng thời mong muốn Học viện tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, trong đó có nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng và đất nước nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ