Tự chủ đại học: Thách thức ở phía trước

GD&TĐ - Các trường đại học trong nước nỗ lực hướng đến tự chủ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền tảng tự chủ đang đối diện với nhiều thách thức.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong phòng thí nghiệm.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong phòng thí nghiệm.

Linh hoạt cơ chế, nguồn thu

Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, tự chủ đại học ngày nay đóng vai trò quan trọng nhằm phát huy năng lực nội tại của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), đồng thời đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu phát triển nhân lực trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng.

“Thực tế, hệ thống GDĐH Việt Nam đã đi theo con đường tự chủ (nhiều trường thí điểm) thời gian không phải ngắn, với những thành tựu đạt được rất rõ nét, từ quản trị nhà trường cho tới sự cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực về nhân lực đào tạo (thông qua kiểm định và bảng xếp hạng quốc tế). Đây là tiền đề lớn tạo sự dẫn dắt cho toàn hệ thống giáo dục công, tạo sức bật đủ mạnh về tài chính, nội lực khoa học khi chuyển sang cơ chế tự chủ”, TS Trần Đình Lý nói.

Nhìn nhận cơ chế tự chủ đã giúp trường chủ động về tài chính, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, chia sẻ: Trước khi thực hiện tự chủ, trung bình thu nhập cán bộ, giảng viên toàn trường từ 14,5 triệu - 15 triệu đồng/người/tháng (năm 2016), sau khi thực hiện tự chủ (hiện nay) tăng lên 22 - 25 triệu đồng/người/tháng.

“Trường tự quyết định hỗ trợ ban đầu cho chính sách thu hút nhân tài, như người có trình độ tiến sĩ về trường được hỗ trợ ban đầu 75 triệu đồng, phó giáo sư là 100 triệu đồng, giáo sư là 150 triệu đồng. Trường đã và đang tham gia sâu vào công tác kiểm định chất lượng đào tạo các chương trình theo chuẩn quốc tế nhiều ngành, cũng như thúc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong giảng viên, sinh viên, gia tăng việc chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu để tăng nguồn thu.

Nếu không thực hiện tự chủ, không được tăng mức học phí thì trường khó giữ chân giảng viên giỏi cũng như xây dựng được cơ chế quản trị linh hoạt trong mọi hoạt động”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nói.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết, khi tự chủ, đơn vị không xem học phí là trọng số lớn trong cơ cấu tài chính. Với 60% sinh viên là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhà trường phải hết sức cố gắng để cân bằng thu chi.

“Nguồn lực tài chính trong giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng khi tiến hành tự chủ. Nhưng với đặc thù địa phương thì trọng số tài chính được nhà trường chuyển theo hướng thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, hoạt động chuyển giao.

Thời gian qua, chúng tôi làm rất mạnh các công bố quốc tế, nghiên cứu cơ bản và chuyển giao sản phẩm, chương trình, tương tác với các địa phương. Bằng cách đó, giảng viên cùng sinh viên đạt được 2 mục tiêu: Vừa phát triển chuyên môn, vừa tăng nguồn thu nhưng không tác động quá nhiều đến người học”, GS Phạm Hồng Quang thông tin.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ thông tin.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ thông tin.

Những thách thức cần vượt qua

“Việc gia tăng chính sách tài chính để đảm bảo cho chi phí hoạt động (thu bảo đảm chi) khi tự chủ là việc không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với mức sống và thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam vẫn ở mức thấp thì chi phí về giá (giá dịch vụ học tập) ngày một tăng tạo áp lực rất lớn lên vai người học.

Bằng chứng là mỗi lần các trường tăng học phí lại dậy một làn sóng phản ứng trái chiều từ xã hội. Tất nhiên, khi người học mong muốn có một điều kiện cơ sở vật chất tốt, chất lượng dịch vụ cao, ngôi trường mình học có thương hiệu trên trường quốc tế thì không thể duy trì mức học phí ở mức quá thấp, vì trường không thể cân đối”, TS Trần Đình Lý nói.

Tự chủ đã mang lại những sự thay đổi lớn cho các đơn vị theo đuổi mô hình này. Tuy vậy, theo TS Trần Đình Lý, không khó để nhận thấy phần lớn các trường trong hệ thống GDĐH Việt Nam khi chuyển qua tự chủ vẫn chưa thể thoát khỏi sự lệ thuộc về tài chính vào nguồn thu học phí, bởi các hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ vẫn chưa thật sự mạnh.

Không chỉ đối mặt thách thức về việc tìm ra nguồn tài chính lớn khác ngoài học phí, các trường theo mô hình tự chủ còn đối mặt với bài toán quản trị đại học. Trong hội nghị mới đây về tự chủ đại học tại Việt Nam, GS Lauren Robel - Hiệu trưởng danh dự ĐH Indiana (Mỹ) - nhìn nhận: “Trong bối cảnh hội nhập, việc tự chủ đại học nhất là đại học công là việc tất yếu mà các trường phải thích ứng và thực hiện. Bởi chỉ có tự chủ thì bài toán tài chính của đại học công lập mới được giải quyết khi những đòi hỏi của người học và xu thế giáo dục ngày một tăng cao”.

“Một trường đại học thành công khi đảm bảo đầy đủ các giá trị cụ thể. Những giá trị đó bao gồm sự ưu tú và chính trực trong nghiên cứu và giảng dạy, tiềm lực tài chính, tính toàn diện và đa dạng trong cơ hội học thuật, tin tưởng và trách nhiệm giải trình trong quản trị điều hành và chuyển giao thành tựu nghiên cứu. Ở Việt Nam nhìn sâu vào các trường thí điểm tự chủ tài chính chúng tôi nhận thấy vẫn còn sự lệch vai khi tài chính đến phần lớn từ học phí”, GS Lauren Robel nhận xét.

Theo ThS Lương Vân Hà - Học viện Ngân hàng, khó khăn và thách thức lớn nhất của các trường công khi chuyển sang tự chủ là cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa tạo điều kiện cho các trường có thể kinh doanh sản phẩm NCKH giống như các “doanh nghiệp” khác trên thị trường.

“Các cơ sở giáo dục đại học công lập vẫn bị trói chặt trong quyền sở hữu của Nhà nước nên việc sử dụng vốn, tài sản từ ngân sách Nhà nước trở thành tài sản bảo đảm tiếp cận vốn vay hoặc định giá góp vốn trong hoạt động liên doanh, liên kết phục vụ nghiệp vụ “kinh doanh”, mang lại nguồn thu cho cơ sở giáo dục đại học còn ít. Đặc biệt, hoạt động khai thác, tạo nguồn thu từ bán các sản phẩm NCKH ứng dụng thực tiễn cho thị trường còn hạn chế. Đây là vấn đề cần tháo gỡ để các trường tự chủ một cách toàn diện” - ThS Lương Vân Hà lưu ý.

“Sứ mạng của đại học là kiến tạo tương lai, dẫn dắt kinh tế - xã hội chứ không phải đi sau để xã hội dẫn dắt. Ở những nền giáo dục đại học phát triển lành mạnh, tài chính của trường đại học phải bao gồm từ nhiều nguồn, trong đó từ người học (tự đóng hoặc vay tín dụng) thường chiếm tỷ lệ nhỏ hơn các nguồn khác cộng lại. Các nguồn này chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Ở ta trọng số tài chính của các trường tự chủ vẫn nằm ở học phí là chính. Đây là quy luật không thể khác khi các trường công bắt đầu tự chủ, do đó sau một thời gian tự chủ mỗi trường cần cân đối các nguồn thu về một cách bền vững để bảo đảm học phí không vượt quá cao”, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ