Tự chủ đại học: Xu thế không thể đảo ngược

GD&TĐ -Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tự chủ đại học là xu thế không thể đảo ngược trong quá trình phát triển của giáo dục đại học thế giới. Tự chủ là động lực cho trường đại học đổi mới và phát triển.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

- Tại sao lại nói, tự chủ đại học là xu thế tất yếu – thưa PGS?

Thành công của các CSGDĐH là mục tiêu; Con người (thầy/trò) là nhân tố quyết định; Các cơ chế chính sách thực hiện tự chủ, trách nhiệm giải trình, công bằng giáo dục đại học là chìa khóa thành công.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng.

- Đúng vậy! Tự chủ đại học là xu thế không thể đảo ngược trong quá trình phát triển của giáo dục đại học thế giới. Đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam là chính sách đúng đắn, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) đổi mới mọi mặt, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức. Qua đó, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của ngành và đất nước.

Tự chủ cũng là định hướng đúng tạo động lực cho các CSGDĐH đổi mới và phát triển toàn diện. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu thí điểm thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một số nội dung về hoạt động đào tạo, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính năm 2011 theo Quyết định số 1211/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ngày 6/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1924/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo đó, Nhà trường đã chủ động đổi mới mọi mặt hoạt động, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy năng lực và thế mạnh nội tại để thúc đẩy tăng trưởng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ của toàn trường. Với những thành tích trong đào tạo và nghiên cứu đã đạt được, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần lượt có mặt và tăng bậc trong các bảng xếp hạng thế giới có uy tín.

Theo xếp hạng của tạp chí Times Higher Education (THE) năm 2019, lần đầu tiên nhà trường được lọt vào vị trí 801-1000 các trường đại học tốt nhất thế giới và cùng đứng số 1 Việt Nam với ĐH Quốc gia Hà Nội. Riêng lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ đứng vị trí 360 thế giới và đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Năm nay, theo bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) năm 2022 (QS World University Ranking by subjects 2022), cả 5 nhóm ngành được xếp hạng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đều tăng hạng, đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới, đưa lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, lĩnh vực thế mạnh của trường, lần đầu tiên xếp thứ 360 thế giới.

Kết quả xếp hạng các nhóm ngành như sau: Hai nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử và Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và chế tạo được xếp vào nhóm 301-350 tốt nhất thế giới.

Nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin đứng trong nhóm 401-450 thế giới. Nhóm ngành Toán học, sau hai năm xuất hiện trong bảng xếp hạng, đã đạt vị trí số 1 Việt Nam và xếp ở vị trí thứ 351- 400 thế giới. Nhóm ngành Khoa học Vật liệu lần đầu tiên được xếp hạng nhưng đã chiếm vị trí cao nhất trong số các trường đại học tại Việt Nam, nằm trong nhóm 401- 410 thế giới.

Kết quả đạt được trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới đã khẳng định, quá trình đổi mới, kiên định thực hiện tự chủ trong thời gian qua đang đi đúng hướng, đã và đang từng bước thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, nâng cao uy tín và ảnh hưởng trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời, dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

- Theo PGS, trong bối cảnh tự chủ đại học, các CSGDĐH cần xây dựng chiến lược phát triển như thế nào nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển thương hiệu của nhà trường?

- Cạnh tranh giữa các CSGDĐH trong nước với nhau và với CSGDĐH nước ngoài ngày càng khốc liệt, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tự chủ đại học đang triển khai ở các nước. CSGDĐH cần xây dựng chiến lược phát triển một cách bài bản, phù hợp với sứ mạng nhằm phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín và tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước. Trong đó, cần chú trọng đến các yếu tố, giải pháp quan trọng:

Thứ nhất, đổi mới quản trị. Đây được coi là chìa khóa thành công. Quản trị chia sẻ là mô hình quản trị phù hợp cho các CSGDĐH trong bối cảnh tự chủ đại học. Các CSGDĐH cần thực thi tốt và phân chia quyền lực hài hoà giữa Đảng ủy - Hội đồng trường – Ban giám hiệu và cần thực hiện việc phân quyền, phân cấp gắn với trách nhiệm tới các đơn vị, cá nhân trong CSGDĐH. Các CSGDĐH cũng cần nghiên cứu, triển khai, vận dụng sáng tạo mô hình quản trị doanh nghiệp trong quản trị nhà trường như xây dựng và triển khai hệ thống KPI, OKR với các bộ chỉ số hoạt động chính gắn với các mục tiêu chiến lược.

Thứ hai, con người, nhân tố quan trọng và quyết định nhất. Con người là nhân tố quan trọng và quyết định tất cả đến việc thực thi chiến lược thành công. Để triển khai chiến lược, tự chủ đại học thành công, không chỉ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mà tất cả cán bộ viên chức đều đóng vai trò quan trọng. Nội dung, chính sách thực thi chiến lược gắn với tự chủ phải thấm nhuần chi tiết, đến được tới tất cả cán bộ viên chức, nhất là đội ngũ giảng viên.

Cán bộ lãnh đạo quản lý phải “truyền cảm hứng” được tới toàn thể cán bộ viên chức. CSGDĐH cần triển khai các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường xuyên và phù hợp, có chính sách, chiến lược thu hút, tuyển dụng đãi ngộ cán bộ trẻ, tài năng, nhà khoa học xuất sắc, cán bộ lãnh đạo quản lý đủ tâm và tầm.

Thứ ba, người học là trung tâm: Mọi chiến lược phát triển và triển khai tự chủ đại học đều phải hướng đến người học, với lợi ích của người học và phục vụ người học. Các CSGDĐH cần phải đổi mới, phát triển chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học; trong đó người học phải là trung tâm của hệ sinh thái đào tạo – nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới mô hình công nghệ dạy và học, lấy người học là trung tâm, tối ưu hóa nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

- Vậy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển như thế nào, với sứ mạng ra sao?, thưa PGS?

- Trường ĐH Bách khoa Hà Nội luôn có sứ mạng: Phát triển con người, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức, phục vụ xã hội, đất nước. Tầm nhìn của trường là trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực, với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, tác động quan trọng vào phát triển nền kinh tế tri thức, góp phần giữ gìn an ninh, hoà bình đất nước, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Chiến lược phát triển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025 đặt ra 5 mục tiêu, với 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó đổi mới quản trị là giải pháp then chốt. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã áp dụng sáng tạo mô hình quản trị doanh nghiệp trong quản trị, triển khai hệ thống KPI, OKR với 32 bộ chỉ số hoạt động chính gắn với 5 mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số để trở thành một đại học số chia sẻ. Nhà trường mong muốn thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu là thế mạnh của mình trong khối ngành kỹ thuật - công nghệ, đặc biệt là một số ngành trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: công nghệ thông tin; điện, điện tử - viễn thông; cơ điện tử cho các bên liên quan.

Từ việc triển khai 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho thấy, nhà trường đã thực hiện tốt chiến lược phát triển nhằm phát huy tối đa các thế mạnh và hiệu quả quyền tự chủ, đảm bảo trách nhiệm giải trình với các bên liên quan, theo phương châm “Nhà trường làm nền tảng, Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển, Người học làm trung tâm”.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội luôn chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ và triển khai đề án thu hút tuyển dụng giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, đề án thu hút nhà khoa học nước ngoài đến làm việc và trao đổi hợp tác… để xây dựng môi trường “quốc tế hóa”, nhằm thu hút và giữ chân người tài.

Kinh nghiệm cho thấy, cán bộ giảng viên tốt sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong 5 năm trở lại đây, số công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI của các cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tăng gấp 5 lần, đây là một minh chứng.

Đối với người học, nhà trường luôn chú trọng và quyết liệt thực hiện cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ, nâng cao thành công của người học. Nhà trường thực hiện chế độ, chính sách, học bổng cho sinh viên, chế độ chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ vay vốn ngân hàng phục vụ học tập; học bổng của trường và học bổng tài trợ; bảo hiểm y tế; quy định đánh giá điểm rèn luyện cho sinh viên;

Đồng thời tư vấn chế độ chính sách được thực hiện rộng rãi cho sinh viên, đảm bảo 100% sinh viên đều nhận được thông tin và 100% sinh viên có nhu cầu tư vấn được tư vấn thông qua sổ tay SV-online, thông tin trên website, mạng xã hội, các chương trình sinh hoạt công dân; triển khai công tác tư vấn tâm lý cho sinh viên; tổ chức hiệu quả các hội thảo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, hỗ trợ thực tập, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cũng như triển khai các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên. Thành công của người học là mục tiêu; Người thầy là nhân tố quyết định; Quản trị đại học số chia sẻ là chìa khóa thành công.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

- Tự chủ đại học phải đi đôi với trách nhiệm giải trình và công bằng trong giáo dục đại học. PGS có thể phân tích kỹ hơn vấn đề này?

Tự chủ đại học luôn đi đôi với trách nhiệm giải trình. Để đảm bảo chất lượng đào tạo và công bằng xã hội, CSGDĐH phải tự chịu trách nhiệm của mình. Tự chịu trách nhiệm của CSGDĐH cơ bản gồm với người học, với xã hội, với chính nhà trường, với Nhà nước. Triển khai tự chủ đại học, trong mỗi CSGDĐH phải đảm bảo công bằng trong phân bổ nguồn lực cho các đơn vị thành viên nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình nội bộ và tạo động lực thúc đẩy các đơn vị phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Trong khi nguồn lực đầu tư nhà nước còn hạn chế, các CSGDĐH cần có kế hoạch, chiến lược tài chính trung và dài hạn, nhằm thúc đẩy chuyển giao tri thức, thu hút đầu tư cho phát triển. Nhà nước cũng cần có chiến lược đầu tư trung hạn và dài hạn cho giáo dục đại học nói chung và thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cơ chế đầu tư, phân bổ tài chính cần công bằng và minh bạch đối với tất cả các CSGDĐH, kể cả công lập lẫn tư thục.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, triển khai việc đặt hàng, giao nhiệm vụ và thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ. Công bằng trong giáo dục đại học nhất là công bằng trong phân bổ nguồn lực; trong đó có tài chính là chìa khóa để xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhằm thực hiện tự chủ toàn diện và bền vững. Công bằng trong phân bổ nguồn lực tài chính giúp các CSGDĐH có động lực cạnh tranh, phát triển lành mạnh và đi đúng hướng theo sứ mạng đã tuyên bố.

Xin cảm ơn PGS Huỳnh Quyết Thắng!

Mong muốn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là được đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa trong nghiên cứu khoa học, trong phát triển đổi mới sáng tạo, phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp cho khoa học và công nghiệp nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.