Bù đắp giáo viên cần chủ động từ địa phương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những ngày qua rộ lên câu chuyện giáo viên ở một số địa phương bỏ nghề. Trong bối cảnh năm học mới đang đến gần, nhiều nơi vẫn còn thiếu thầy cô so với định biên, hiện tượng này đã tạo nên những khoảng lặng...

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Có nhiều nguyên nhân khiến người thầy phải chia tay bục giảng. Ở các địa phương đời sống còn ở mức thấp, thu nhập nhà giáo dù chưa cao nhưng cũng không quá chênh lệch với ngành nghề khác, thầy cô ít khi bỏ ngành. Song tại các tỉnh, thành phát triển mạnh công nghiệp - thương mại - dịch vụ, rộng cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn, đời sống ở mức cao hơn, tình trạng giáo viên bỏ nghề nhiều hơn và đa số vì vấn đề thu nhập.

Tại Hội nghị tổng kết năm học toàn ngành mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết trong năm qua, tỉnh có 527 giáo viên nghỉ việc, vì đồng lương không đủ trang trải cuộc sống. Với mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng, giáo viên mầm non có lương thấp nhất là hơn 3,1 triệu đồng và cao nhất là hơn 9,5 triệu đồng/tháng; giáo viên phổ thông từ 3,5 đến hơn 10,1 triệu đồng/tháng. Trong lúc đó, lương khởi điểm của công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn đã 7 - 8 triệu đồng/tháng, một sự chênh lệch rất đáng suy ngẫm.

Đặc biệt, từ trong và sau đại dịch Covid-19, “làn sóng” chuyển dịch sang các ngành nghề khác để kiếm sống của giáo viên trường tư, trường mầm non diễn ra khá mạnh mẽ. Trong bối cảnh trường mầm non tư thục đóng cửa dài ngày, giáo viên nhiều tháng không có lương nên buộc phải chuyển nghề tạm thời để sống qua mùa dịch. Đến khi dịch bệnh tạm ổn, thấy nghề mới sống được hơn, thầy cô… chia tay luôn nghề giáo. Đáng chú ý là, nhiều hiệu trưởng cho biết, sự ra đi của giáo viên theo cách này đã tạo hiệu ứng tâm lý kéo theo đối với không ít đồng nghiệp.

Cho đến nay, để bảo đảm nguyên tắc có học sinh là phải có giáo viên, ngành Giáo dục các địa phương đã và đang nỗ lực với nhiều giải pháp trước mắt như hợp đồng thỉnh giảng, tăng tiết, tăng sĩ số/lớp… Nhờ thế, dù có sự dịch chuyển nhân sự, thiếu giáo viên nhưng hầu hết các trường học trên tinh thần vượt khó, vẫn vén khéo chu toàn, sẵn sàng cho năm học mới. Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng các giải pháp mà cơ sở giáo dục đã và đang làm đa số vẫn là tình thế.

Để có thể chủ động đội ngũ giáo viên, song song với đào tạo đáp ứng nhu cầu của ngành, rất cần chính sách vĩ mô, mà trong đó cải thiện chế độ tiền lương, chủ động tuyển dụng là những khâu then chốt. Tiếc là đến nay, ngành Giáo dục vẫn chưa được “quản” tài chính và nhân sự.

Nhà giáo Nguyễn Đình Bưu, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, từng nói một cách rất hình ảnh: “Nếu coi giáo dục như là một “mặt trận”, tư lệnh của mặt trận đó cầm quân phải chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và nhân dân là phải giành thắng lợi. Nhưng “quân” thì ngành khác điều hành (tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, tiếp nhận, thuyên chuyển...); hậu cần (tài chính) do ngành khác nắm nên khi vào trận đánh thì quân chưa đầy đủ cả số lượng, chất lượng và các loại binh chủng cần thiết; hậu cần chưa kịp thời và phù hợp. Thế thì dù tướng có giỏi mấy cũng khó giành được thắng lợi hoàn toàn…”.

Trong khi chờ thay đổi căn cơ từ tầm vĩ mô, để xây dựng và giữ chân đội ngũ giáo viên, trước mắt vẫn cậy vào nỗ lực xoay xở của ngành Giáo dục là chính, bên cạnh đó là sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương.

Thực tế cho thấy, những địa phương có nhiều giáo viên bỏ nghề phần lớn có mức sống cao, công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển, chênh lệch mức lương giữa nghề giáo và các nghề khác đáng kể. Trong tiềm lực tài chính được tự quyết, các tỉnh/thành phố này có thể hoàn toàn tự tính toán mức hỗ trợ cần thiết cho giáo viên có lương thấp. Chính sách của TPHCM trong việc hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập ở khu công nghiệp; hỗ trợ 100% lương cơ sở cho giáo viên mầm non công lập mới ra trường… là những mô hình đáng tham khảo, nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.