Nhiều giải pháp 'giữ chân' giáo viên hợp đồng

GD&TĐ - Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên ở bậc tiểu học và mầm non, các trường học được phép sử dụng giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý các trường học, việc tìm giáo viên để hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn và thường phải tiến hành khi năm học vừa kết thúc.

Trường Tiểu học Dân tộc Bán trú Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam).
Trường Tiểu học Dân tộc Bán trú Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam).

Không dễ giữ người

Đầu tháng 8/2022, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tiến hành ký hợp đồng với 5 giáo viên cho cả 2 bậc học. Trong số này, có 2 giáo viên ký hợp đồng lại.

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Vừa kết thúc năm học, Ban giám hiệu đã tìm cách giữ chân giáo viên đang dạy hợp đồng với trường và tìm nguồn giáo viên bổ sung cho số chỉ tiêu còn thiếu. Thay vì tháng 9 mới bắt đầu ký hợp đồng với giáo viên, chúng tôi trình lên Phòng GD&ĐT Nam Trà My phương án thời gian hợp đồng được tính từ tháng 8”.

Với cách làm này, theo thầy Chín, giáo viên hợp đồng vừa có thu nhập để “giữ chân” họ, xem như là chế độ đãi ngộ của trường bởi gần như trường nào cũng thiếu giáo viên cả, tìm kiếm nguồn để ký hợp đồng là rất khó. Trong tháng 8, nhà trường đồng thời tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng chính trị cho giáo viên, sinh hoạt tổ chuyên môn, thảo luận kế hoạch soạn giảng, vận động học sinh ra lớp…

“Rất nhiều công việc trong tháng 8 để chuẩn bị tốt cho năm học mới. Nếu giáo viên hợp đồng tham gia từ sớm thì sự chủ động và bắt nhịp trong công việc sẽ tốt hơn” – thầy Chín khẳng định. Cả 5 giáo viên ký hợp đồng với Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam đều được đào tạo để đứng lớp ở bậc THCS. Trong khi đó, có đến 4 thầy cô được nhà trường ký hợp đồng để dạy các lớp ở bậc tiểu học. Vì vậy, thầy Chín cho biết, việc hợp đồng sớm với giáo viên để tiến hành bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, tâm lý giáo dục là hết sức cần thiết để bảo đảm chất lượng dạy – học.

Trong khi đó, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Dân tộc Bán trú Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) thì đang ráo riết tìm giáo viên tiếng Anh để ký hợp đồng dạy học trước khi năm học mới bắt đầu.

“Trường có hai giáo viên tiếng Anh, trong đó, có 1 giáo viên biên chế vừa thuyên chuyển công tác. Cô giáo hợp đồng thì không tiếp tục dạy tại trường để ký hợp đồng với một trường học tại huyện Bắc Trà My cho gần nhà. Thế nên, chúng tôi đang tìm ít nhất 1 giáo viên Anh văn để ưu tiên cho điểm trường chính để ít nhất là triển khai dạy học cho khối lớp 3 - 4 - 5” – thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết. Với giáo viên dạy văn hóa, thầy Ngọc xác định, trong tình huống không tìm đâu ra nguồn giáo viên hợp đồng thì buộc Ban giám hiệu phải đứng lớp.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia bồi dưỡng chuyên môn chuẩn bị cho năm học mới.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia bồi dưỡng chuyên môn chuẩn bị cho năm học mới.

Nhiều rào cản

Với 5 giáo viên hợp đồng, năm học 2022 – 2023 sắp tới, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam vẫn thiếu 2 giáo viên đứng lớp ở tiểu học nhưng không tìm đâu ra nguồn. Mặc dù, hợp đồng đều được nhà trường ký với giáo viên cho đến ngày 31/5, nhưng thầy Võ Đăng Chín cho biết, chuyện giáo viên nghỉ giữa chừng không phải là hiếm.

“Lương giáo viên hợp đồng thấp, ngoài lương ra thì không có phụ cấp gì. Điều kiện công tác lại ở vùng miền núi cao. Trong khi đó, hợp đồng ký với người lao động chỉ ký theo từng năm học nên giáo viên không mặn mà, có khi chỉ vài tháng là họ bỏ nếu như tìm được công việc có mức thu nhập cao hơn. Đã có một số giáo viên hợp đồng với nhà trường bỏ ngang để ra ngoài làm các công việc khác như lái xe, làm du lịch” – thầy Chín cho biết thêm.

Bên cạnh đó, bản thân thầy Chín còn phải đứng lớp dạy các môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Ban giám hiệu dạy văn hóa là chuyện… hết sức bình thường nếu giáo viên không thể dạy tăng, dạy thay.

Không chỉ riêng miền núi, ngay cả các trường ở vùng đồng bằng, thành phố cũng rất đau đầu khi tìm giáo viên hợp đồng. Cô Nguyễn Trần Lê Hồng Trinh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - cho biết: “Với giáo viên hợp đồng, dù Ban giám hiệu và tổ chuyên môn vẫn dự giờ, thăm lớp nhưng chất lượng dạy - học đến đâu còn phụ thuộc nhiều vào ý thức trách nhiệm của người lao động. Vì vậy, trong tìm kiếm nguồn để ký hợp đồng, nhà trường vẫn nỗ lực để tìm những giáo viên có uy tín như mời giáo viên đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục giảng dạy”. Cô Hồng Trinh kể, chuyện giáo viên hợp đồng xin nghỉ khi trước thời hạn vẫn thường xảy ra.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - thông tin: “Tìm giáo viên hợp đồng còn thiếu trong chỉ tiêu biên chế còn đỡ “đau đầu” hơn là giáo viên dạy thay cho người lao động nghỉ chế độ thai sản. Gần như người lao động không mặn mà với hợp đồng chỉ có thời gian 3 tháng hoặc 6 tháng vì dở dang công việc của họ. Giờ hợp đồng ngắn nhất cũng phải được 9 tháng, tức là trọn vẹn một năm học. Kể cả những sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp ra trường, khi nghe đề nghị ký hợp đồng dạy – học từng 3 tháng một theo yêu cầu của Sở Nội vụ thì đều từ chối”.

Theo lý giải của cô Thu Nguyệt, với hợp đồng lao động 3 tháng, giáo viên không được hưởng phụ cấp đứng lớp, không có chế độ thưởng các ngày tết, lễ như giáo viên hợp đồng theo chỉ tiêu biên chế. Trong khi đó, gần như trường nào cũng thiếu giáo viên, thậm chí là thiếu nhiều, nên người lao động có nhiều cơ hội để lựa chọn.

Theo quy định, với giáo viên hợp đồng, sẽ không được hưởng hệ số 0,3 trường bán trú dân tộc, nhưng nhà trường vẫn cố gắng cân đối được để chi trả cho người lao động khoản này. Các khoản khác như trả tăng thay, tăng giờ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ăn ở, sinh hoạt nữa... để có thể “giữ chân” giáo viên hợp đồng. - Thầy Võ Văn Chín

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.