TPHCM: Đề xuất giải pháp thu hút, giữ chân giáo viên mầm non

GD&TĐ - UBND TPHCM vừa có tờ trình đề xuất gửi HĐND TPHCM một số chính sách nhằm thu hút và giữ chân giáo viên mầm non (GVMN) công tác tại TPHCM.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo tờ trình, hiện toàn TP hiện có 1.100 trường mầm non công và ngoài công lập, hơn 1.700 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Trong đó có hơn 3.000 nhóm nhà trẻ và hơn 10.000 lớp mẫu giáo với tổng số GV gần 23.000 người.

Theo đó, tỉ lệ GVMN chỉ đạt từ  0,5 đến 1,0 giáo viên/lớp (theo quy định của Bộ GD&ĐT là 1,5 giáo viên/lớp). Như vậy, TP hiện đang thiếu 7.695 giáo viên. Nếu đáp ứng được quy định số trẻ/nhóm, lớp trong quy định thì số giáo viên còn thiếu lên đến 11.014 người, khối công lập còn thiếu đến 3.319 giáo viên.

Dự báo, đến năm 2020 khi có gần 2.000 trường mầm non thì số GV sẽ phải tăng gấp đôi so với năm 2017 mới đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là thực trạng giáo viên mầm non bỏ việc hằng năm ngày một tăng, mỗi năm khoảng hơn 1.000 người. Do đó, nhu cầu và số lượng GVMN cần tuyển dụng cũng ngày một tăng nhưng số tuyển được lại rất thấp. Trung bình mỗi năm TP chỉ tuyển được khoảng 1.466 người trong khi nhu cầu cần là 1.965 người.

Theo đó, UBND đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng nghỉ, bỏ việc của GVMN như:

Giảm khối lượng và áp lực công việc cho GVMN bằng việc bổ sung số giáo viên/lớp đủ theo quy định Thông tư 06/2015. Trong điều kiện không thể tăng biên chế giáo viên mầm non để đủ theo qui định, đề xuất cho phép thực hiện hợp đồng giáo viên bổ sung theo dạng khoán, ngân sách thành phố cấp để đảm bảo đủ số GV theo quy định của Thông tư 06/2015.

Kiến nghị bổ sung nhân viên nuôi dưỡng/ lớp: Hợp đồng khoán, kinh phí do ngân sách thành phố cấp để bổ sung thêm nhân viên hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh cho trẻ (Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND cho phép tuyển dụng chức danh  này nhưng không tuyển dụng được do Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV không có định biên chức danh nhân viên nuôi dưỡng). Mức lương là 2triệu đồng/tháng với 50% kinh phí từ xã hội hóa và 50% ngân sách hỗ trợ.

Cần điều chỉnh thu nhập và chế độ đãi ngộ cho GVMN bằng việc: Hỗ trợ thêm cho GVMN số tiền tương đương 160 giờ/năm  (theo tính toán như trên thì số giờ làm việc thêm của GVMN khoảng 720 giờ/năm, hiện nay giáo viên chỉ được lãnh phụ trội thêm giờ không quá 200 giờ /năm).

Hỗ trợ để khuyến khích GVMN có trình độ chuyên môn đến công tác tại các cơ sở GDMN: Thạc sĩ: 1,5 triệu đồng/người/tháng;ĐH: 1,1 triệu đồng /người/tháng; CĐ: 550 ngàn đồng/người/tháng.

Nâng mức hỗ trợ thêm 25% tiền lương do tính chất công việc đối với cán bộ quản lý, GV theo Nghị quyết 01/01/2014/NQ-HĐND lên 10% bằng với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi theo Nghị quyết 01 (tổng mức hỗ trợ 35% theo quy định trung ương và 35% thành phố hỗ trợ thêm).

Tổng kinh phí dự kiến để giữ chân GVMN là khoảng hơn 251 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, tờ trình còn đề cấp đến các giải pháp như: Cho phép thực hiện thí điểm tự chủ toàn phần tại một số đơn vị có điều kiện (đơn vị tự quyết định mức học phí, tự quyết định số lượng giáo viên và mức lương của giáo viên), kinh phí lẽ ra cấp cho đơn vị này sẽ điều tiết sang đơn vị ở vùng ven, vùng khó khăn hay ngoại thành để hỗ trợ phát triển đơn vị hay có cơ chế tuyển dụng GVMN không gắn với yêu cầu hộ khẩu thành phố.

Bên cạnh đó là nhóm giải pháp thu hút GV và nhân lực cho ngành GDMN, cụ thể: TP cho vay ưu đãi không trả lãi cho SV vào học ngành sư phạm mầm non (cho vay để trả học phí và cả sinh hoạt phí), SV vay sẽ cam kết ra trường công tác tại các cơ sở GDMN công lập ở TP và hoàn trả khoản vay trong 3 - 5 năm đầu công tác.

Thực hiện chế độ, chính sách về lương và đãi ngộ cho GVMN được tuyển mới theo quy định của ngành giáo dục và đào tạo nói chung và tại TPHCM nói riêng (ngoài các chế độ chính sách theo quy định của ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01 và Nghị quyết 113 của HĐND TP).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.