Hành trình từ lơ mơ đến am hiểu tường tận ngành logistics!
Năm 2000 sau khi tốt nghiệp trường Đại học Hàng hải Việt Nam khoa Kinh tế biển, chị Cao Thị Quỳnh Giao được về công tác tại Lãnh sự quán Panama tại TPHCM. Panama là một quốc gia sống nhờ hàng hải và các dịch vụ hàng hải như thu phí cho tàu thuyền khi qua kênh đào Panama, bán cờ và cấp bằng cho tàu thuyền hoạt động giao thương trên toàn thế giới.
Sau 2 năm, chị được về làm việc tại Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam – một doanh nghiệp khai thác tàu của Nhà nước. Thời đó ngành logistics Việt Nam và thế giới chưa phát triển như bây giờ, chị Giao học và làm việc tại một chuyên ngành đặc thù là vận tải biển nên cũng không hiểu gì về logistics hay chuỗi cung ứng.
Sau 5 năm làm việc và cống hiến cho Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, năm 2006, chị Giao được mời về làm Trưởng đại diện cho Tạp chí Vietnam Shipping Gazette - Tạp chí truyền thông chuyên ngành dành cho các doanh nghiệp giao nhận vận tải, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và các hãng tàu container, hàng rời, tàu dầu...
Từ đó, chị Quỳnh Giao bắt đầu tìm hiểu về logistics và học thêm các khóa Fiata, Iata để nâng cao kiến thức về ngành logistics, supply chains cho mình và dẫn dắt tạp chí đi đúng con đường và mục tiêu ban đầu đã đề ra.
Đến nay sau 20 năm tạp chí Vietnam Shipping Gazette đã đạt được một số thành tựu nhất định, như là đơn vị truyền thông chuyên ngành logistics shipping hàng đầu tại Việt Nam và được bạn bè khu vực biết đến, có kênh truyền hình chuyên ngành logistics cho Việt Nam.
Chị Cao Thị Quỳnh Giao tham gia lớp tập huấn về logistics do Aus4skill tổ chức. |
Vượt áp lực định kiến giới
Chị Quỳnh Giao hay nói vui nghề logistics là “nghề cửu vạn”! Nghe cái tên đã thấy vất vả, vậy nên nữ giới làm nghề này chắc chắn sẽ có những áp lực nhất định. Chưa làm gì đã thấy có chút áp lực, vì định kiến xã hội đây là một ngành dành cho phần lớn là nam giới, chứ không dành cho nữ giới! Như khi còn trong ghế nhà trường thì số lượng nam nữ đã khác nhau rất rõ rệt rồi.
Khi tham gia vào ngành logistics, chị Giao nhận thấy con người mới là yếu tố mấu chốt quyết định sự thành công và thất bại của một doanh nghiệp. Vì thế, tạp chí Vietnam Shipping Gazette đã mở rộng dịch vụ kết nối nguồn nhân lực ngành giao nhận vận tải biển trong hơn 8 năm qua. Mà “gốc” của nguồn nhân lực đến từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Vì thế từ năm 2017, chị Quỳnh Giao là một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skill) ngành logistics.
Khi sang thăm Australia, chị Giao thấy rất nhiều phụ nữ Úc tham gia sâu vào các công việc ngành như tài xế xe container, xe tải, nhân viên ở các kho hàng, trung tâm phân phối, nhân viên giao nhận tại cảng…
Trở về Việt Nam, chị Giao càng nung nấu mong muốn sẽ hỗ trợ được cho các trường nghề tiếp cận doanh nghiệp ở các học kỳ doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của nữ giới trong các công việc ngành logistics, từ đó có thể giúp phụ nữ Việt Nam tham gia vào ngành mà hiện nay đang thiếu gần 180.000 lao động, giải quyết được bài toán nhân lực cho ngành.
Tuy nhiên, theo chị Giao, đối với lãnh đạo nữ trong ngành logistics, sự khắt khe trong nhìn nhận sẽ còn rõ rệt hơn vì xã hội thường cho rằng nữ lãnh đạo thường thiếu bản lĩnh và ít quyết đoán hơn đàn ông. “Ngoài ra, cho dù là lãnh đạo, bạn vẫn phải chu toàn trách nhiệm làm vợ, làm mẹ trong gia đình chứ không thể dành hết cho công việc, vì vậy quỹ thời gian của lãnh đạo nữ thường eo hẹp hơn và họ phải biết cách quản trị thời gian của mình sao cho hiệu quả và hiệu suất nhất.” – Chị Giao tâm sự.
Với riêng cá nhân chị Quỳnh Giao, áp lực trong nghề logistics với phái yếu chính là việc tạo lập và duy trì các mối quan hệ với khách hàng. Là nữ, nên chị khó có thể đàm phán với khách hàng về hợp đồng trên bàn nhậu, khó có thể xuề xòa, quá cởi mở, trong khi đa số các khách hàng trong ngành logistics hiện giờ vẫn là nam giới. Chị chọn cách dùng sự mềm mỏng, kiên trì và khéo léo – vũ khí của nữ giới - để thuyết phục khách hàng và dẫn dắt công ty đến ngày hôm nay.
Chị Cao Thị Quỳnh Giao phát biểu trong một buổi tọa đàm. |
Tình nguyện viên “nhây” nhất!
Một công việc chị Giao và các đồng nghiệp kiên nhẫn thực hiện trong 10 năm nay đó là đều đặn đến từng doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp VSIP và lân cận để hướng dẫn nhân viên ở đó cách đọc và hiểu lịch tàu, hiểu các thuật ngữ chuyên ngành, để giúp doanh nghiệp xuất khẩu thay đổi phương thức mua bán từ FOB sang CIF. Có như vậy ngành logistics Việt Nam mới có cơ hội chuyển mình.
Bị từ chối rất nhiều vì doanh nghiệp sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, nhưng chị vẫn nhiệt tình lăn xả, cố gắng giải thích, thuyết phục, dần dà, hiệu quả thực tế đã khiến nhiều đơn vị hiểu và nhiệt tình đón nhận những “tình nguyện viên” đặc biệt.
Cứ thế vượt qua những khó khăn, thách thức, nhìn lại hành trình 13 năm ở cương vị đầu ngành tạp chí Vietnam Shipping Gazette, chị Giao thấy hạnh phúc vì đã giúp ngành giao nhận vận tải kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp ngành xuất nhập khẩu.
Logistics là một phần của chuỗi cung ứng trong tổ chức và đảm bảo cho hàng hóa được chuyển giao từ bên sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Hoạt động logistics đã và đang tạo ra một mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cho việc lưu chuyển hàng hóa trong phạm vi nội địa và ngoài biên giới các quốc gia và vùng lãnh thổ, thúc đẩy các ngành khác tại Việt Nam cùng phát triển.
Chị Cao Thị Quỳnh Giao - Tổng biên tập tạp chí vận tải Vietnam Shipping Gazette.
+ Tốt nghiệp Đại học Hàng hải tại Việt Nam và Úc.
+ Thạc sỹ Quản trị truyền thông
+ Thạc sỹ Quản lý & Tổ chức Vận tải
+ Doanh nhân và chuyên gia huấn luyện.
+ Cố vấn kinh doanh và marketing cho các tập đoàn trong ngành.
+ 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và phát triển chiến lược.