Bồi thẩm đoàn của các bà mẹ

GD&TĐ - Trước năm 1931, ở Anh và Úc có một đội bồi thẩm đoàn chỉ toàn phụ nữ.

Bồi thẩm đoàn của các bà vợ gồm 6 - 12 mệnh phụ am tường pháp lý và y tế. Ảnh: Smithsonianmag.com
Bồi thẩm đoàn của các bà vợ gồm 6 - 12 mệnh phụ am tường pháp lý và y tế. Ảnh: Smithsonianmag.com

Họ phụ trách các vụ án mà phụ nữ là thủ phạm và sử dụng một chiến thuật đặc biệt nhằm xin miễn trừ tội chết cho phạm nhân: Thương bụng mang dạ chửa.

Chuyên gia y tế

Từ năm 1140 - 1931, tòa án Anh có đội ngũ “bồi thẩm đoàn của các bà vợ”. Họ bao gồm 6 - 12 mệnh phụ vừa là bậc thầy pháp lý vừa là chuyên gia y tế, phụ trách các vụ tranh chấp hoặc xét xử mà nguyên đơn hoặc thủ phạm là phụ nữ có khả năng đang mang thai.

Đối với trường hợp tranh chấp, vụ kiện thường thấy là kiện tụng quyền thừa kế. Luật pháp ở Anh thời trung đại quy định người thừa kế phải là nam giới. Vì thế, người phụ nữ đã kết hôn và chưa có con trai bị mất trắng toàn bộ tài sản của chồng quá cố vào tay cha chồng hoặc các anh em trai, cháu trai của chồng.

Tuy nhiên, họ có thể trì hoãn hoặc đảo ngược kết quả này nếu chứng minh được là đang mang thai. Để làm được điều này, họ cần đến sự giúp đỡ từ bồi thẩm đoàn của các bà vợ.

Trong tư cách bậc thầy pháp lý, 6 - 12 mệnh phụ bồi thẩm đoàn của các bà vợ am tường pháp luật như bất cứ pháp gia nào của tòa án. Họ thuộc lòng các điều lệ, nghiêm túc tuân thủ và cẩn trọng áp dụng vào xét xử. Đặc biệt, trong tư cách chuyên gia y tế, họ là những người khám và phát hiện thai chính xác nhất.

Một nữ bồi thẩm đoàn của các bà vợ không nhất thiết phải là nữ hộ sinh, nhưng nhất thiết phải là người giàu kinh nghiệm khám thai. Sau khi kiểm tra bụng của nữ nguyên đơn, họ viết báo cáo và lập hồ sơ y tế chuyên môn đệ trình lên tòa án.

Nếu họ khẳng định nguyên đơn đang mang thai, tòa án sẽ hoãn phán quyết cho đến khi nguyên đơn sinh con. Ngược lại, nếu họ khẳng định nguyên đơn không mang thai, tòa án chỉ việc xét xử kiện tụng tranh chấp như bình thường.

Đối với trường hợp phụ nữ là thủ phạm phạm các trọng tội như trộm cướp, giết người… bồi thẩm đoàn của các bà vợ cũng vẫn phụ trách khám thai. Nếu phát hiện thủ phạm đang mang thai, họ xin tòa án khoan hồng, miễn hoặc tạm dừng án tử hình.

Ngoài xác định tình trạng mang thai hay không mang thai, bồi thẩm đoàn của các bà vợ còn phụ trách kiểm tra dấu hiệu thể chất cho thấy nữ phạm nhân có phải là phù thủy hay không, đã từng sinh con hoặc phá thai chưa... Họ nổi tiếng làm việc chí công vô tư, từ năm 1433 - 1435 còn được bổ nhiệm một vị trí trong triều đình Anh.

Boi tham doan cua cac ba me 2.jpg
Nữ hải tặc Anne Bonny và Mary Read cũng từng xin thương bụng mang dạ chửa. Ảnh: Smithsonianmag.com

“Thương bụng mang dạ chửa”

Ngoài Anh, bồi thẩm đoàn của các bà vợ còn xuất hiện ở một số nơi khác như Mỹ, Úc và New Zealand. Họ được gọi bằng cái tên chỉ hơi khác một chút là bồi thẩm đoàn của các bà mẹ. So với các vụ tranh chấp dân sự, bồi thẩm đoàn của các bà mẹ nổi bật trong các vụ án hình sự hơn và cũng gây tranh cãi nhiều hơn.

Thường thì, bồi thẩm đoàn của các bà mẹ chỉ được triệu tập khi nữ phạm nhân xin miễn giảm án phạt vì đang mang thai. Người ta gọi phương pháp xin miễn giảm án này là “thương bụng mang dạ chửa” vì nếu phạm nhân được kiểm tra ra là đang có thai, tòa án sẽ thương tình đứa trẻ chưa chào đời mà miễn hoặc giảm án phạt cho người mẹ.

Có điều, không phải tất cả nữ phạm nhân đều thành thật. Năm 1789 tại Úc, chị Ann Davis bị kết tội ăn trộm quần áo và phán tử hình. Chị đệ đơn xin thương bụng mang dạ chửa và bị bồi thẩm đoàn của các bà mẹ phát hiện không hề mang thai. Vì cả 2 tội danh, trộm cắp và lừa dối, Ann trở thành người phụ nữ đầu tiên bị treo cổ ở Úc.

Cũng ở Úc nhưng vào năm 1882, chị Elizabeth McGree xin thương bụng mang dạ chửa thành công dù đã cùng chồng phạm tội giết người. Nạn nhân của họ là Christian Renderup, người quen. Theo lời kể của chị Elizabeth thì sau khi uống rượu say, Renderup đã cố ý cưỡng hiếp chị nên mới bị chị và chồng chị lỡ tay ngộ sát.

Tuy nhiên, khám nghiệm tử thi Renderup lại cho thấy anh bị đánh đập tàn bạo đến chết. Tòa án phán quyết tử hình cả Elizabeth và chồng chị. Vì xin thương bụng mang dạ chửa, Elizabeth được bồi thẩm đoàn của các bà vợ kiểm tra và phát hiện đang mang thai. Chị được miễn tội tử hình, chuyển sang tù giam, sau đó đã sinh con ở Nhà tù Gladstone và được giảm án tù chung thân xuống còn tù giam 10 năm.

Suốt nhiều thế kỷ, xin thương bụng mang dạ chửa vô cùng phổ biến. Ngay cả các nữ hải tặc khét tiếng như Anne Bonny, Mary Read… khi bị bắt cũng xin thương bụng mang dạ chửa.

Lo sợ phụ nữ lạm dụng đặc ân này, tòa án Anh cũng như các nước cùng áp dụng đề thêm một điều luật nữa là chỉ được sử dụng nó đúng một lần. Nếu phụ nữ được miễn giảm tội vì đang mang thai tái phạm hoặc vi phạm bất cứ tội nào mới, họ đều không được khoan hồng dù có đang mang thai đi nữa.

Mặc dù đã áp dụng quy định chỉ cho phép sử dụng quyền thương bụng mang dạ chửa một lần, tòa án Anh vẫn sợ bất công bằng. Nhiều người lập luận rằng, chỉ vì đang mang thai mà được xóa tội là quá thiên vị cho phụ nữ.

Cuối thập niên 1800, Anh còn nghi ngờ bồi thẩm đoàn của các bà vợ làm việc thiếu phân minh và muốn loại bỏ. Cùng thời gian, ống nghe y tế được phát minh. Với phương tiện này, việc kiểm tra thai trở nên vô cùng dễ dàng và cho dù là nhân viên y tế nữ hay nam cũng làm được.

Đầu thế kỷ XX, Úc tiên phong bỏ bồi thẩm đoàn của các bà vợ. Tòa án Anh tuy vẫn sử dụng họ nhưng tần suất giảm dần. Trong suốt 30 năm trước khi bị bãi bỏ vào năm 1931, bồi thẩm đoàn của các bà vợ chỉ được triệu tập 11 lần. Con số này chỉ chiếm 10% trong tổng số các phiên tòa hình sự có phụ nữ bị kết án tử hình.

Vụ xin thương bụng mang dạ chửa nổi tiếng nhất trong thế kỷ XX diễn ra vào tháng 12/1914. Phạm nhân Ada Annie Williams bị kết án tử hình vì tội giết con trai 4 tuổi đã được hoãn án đến khi sinh con, sau đó giảm xuống thành tù giam có thời hạn.

Theo Smithsonianmag

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ