Mặc dù ra mắt trong thế kỷ XIV còn nhiều hạn chế về in ấn và dịch thuật nhưng cuốn sách “Những chuyến du hành của Marco Polo” vẫn được dịch ra hàng chục thứ tiếng, sao chép tay vô số bản và có mặt trong tất cả các tiệm sách lớn ở châu Âu.
Nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Marco Polo (1254 – 1324), chúng ta hãy cùng nhìn lại xem sức hấp dẫn của nó đến từ đâu!
Cơ duyên khó ngờ
Polo chào đời tại Venice (Italia), là con trai của gia đình thương gia. Từ nhỏ, ông đã sống trong giàu sang, tiếp xúc với tài chính và thương trường.
Nơi Polo sinh ra và lớn lên được ví như “New York của thế giới thời trung đại”. Nó là đô thị cực kỳ sầm uất, cởi mở và đa văn hóa. Tại đây, chỉ có duy nhất “tín ngưỡng” là lợi nhuận. Mọi người không quan tâm giai cấp, sắc tộc… chỉ chú trọng làm giàu.
Nhờ buôn bán phát đạt, gia đình Polo thuộc diện giàu nhất nhì xứ Venice. Năm 17 tuổi, Polo lần đầu tiên theo người nhà đến Trung Quốc săn lùng lụa quý, gia vị, xạ hương…
Sau 3 năm đi dọc theo Con đường Tơ lụa, Polo vượt qua Trung Đông và phần lớn Trung Á, đến Trung Quốc và sống khoảng 20 năm ở đây trước khi vòng qua Sumatra, quần đảo Andaman và Ấn Độ để tới Aden, Istanbul và cuối cùng trở về Venice.
Ngày tái đặt chân lên đất quê hương, Polo đã tuổi 40. Không người hầu nào trong lâu đài nhận ra ông là ai và ông phải đáp lại câu hỏi của họ bằng câu trả lời: “Ta chính là chủ nhân của các ngươi” rồi mới được bước vào nhà.
Một năm sau, Polo bị bắt làm tù nhân trong cuộc chiến giữa 2 thành phố hàng hải là Venice và Genoa. Trong thời gian bị giam giữ, ông vô tình gặp nhà văn kiêm biên tập viên Rustichello da Pisa.
Sau khi nghe Polo kể về những chuyện trên đường đi buôn, Pisa liền rủ Polo cùng nhau viết lại thành sách.
Bài học hòa nhập
Thời trung đại, phương Đông với người phương Tây chỉ là lẻ tẻ vài câu chuyện được truyền tai từ người nọ sang người kia, đời này sang đời khác. Ai cũng hiếu kỳ về thế giới vừa lạ lẫm vừa huyền hoặc này, nhưng chẳng ai có thể khẳng định tính xác thực của các nội dung truyền miệng.
Với hơn 20 năm gần như “vòng quanh thế giới” và đi đến đâu cũng nán lại ít nhiều thời gian để trao đổi hàng hóa, Polo không chỉ tiếp xúc mà còn sống cùng, hiểu thấu con người, văn hóa nhiều nơi.
Cuốn sách “Những chuyến du hành của Marco Polo” do ông và Pisa đồng tác giả vừa xuất hiện đã như cơn mưa lớn đổ xuống châu lục đang khát khô thông tin về phương Đông kỳ bí. Nó lập tức được sao chép và chuyển ngữ không giới hạn, có mặt trên tất cả các tiệm sách lớn khắp châu Âu.
Trong “Những chuyến du hành của Marco Polo”, Polo kể rằng, Sapurgan (ngày nay là Sheberghan ở Afghanistan) có loại dưa ngọt hơn mật ong, người dân tại Malabar (Ấn Độ) không dùng thìa, nĩa mà ăn bốc, Hốt Tất Liệt (hoàng đế Mông Cổ) cho trồng cây dọc 2 ven đường lấy bóng mát, đàn ông ở vùng Tebet (Tây Tạng) chỉ muốn cưới phụ nữ có nhiều người tình, Nữ Quốc (Ấn Độ) chỉ cho phép đàn ông đến thăm vào các tháng 3, 4, 5 trong năm… Ông thậm chí còn viết đã gặp được kỳ lân. Nó là con vật có sừng lớn màu đen trên trán, vẻ ngoài giống như lợn rừng và luôn cắm mặt xuống đất.
Không ai nghi ngờ bất cứ câu chuyện nào trong “Những chuyến du hành của Marco Polo”. Thế kỷ XVI, hỏa hoạn đốt cháy lâu đài của nhà Polo, thiêu sạch các văn bản, trong đó có bản gốc của “Những chuyến du hành của Marco Polo”.
Tuy nhiên, nhờ vô số bản sao và chuyển ngữ, cuốn sách này tiếp tục lan rộng. Ở Mỹ, trẻ em còn chơi trò “bịt mắt bắt dê” bằng tên Marco Polo. Đứa trẻ bị bịt mắt vừa quờ quạng tìm bắt bạn cùng chơi vừa gọi “Marco” và khi tóm được bạn nào thì hô to “Polo”.
Có rất nhiều câu chuyện, công trình… mang tính biểu tượng quốc gia ở những nơi mà Polo đã đi qua nhưng ông lại “quên kể” trong tác phẩm du ký của mình.
Ví dụ như ở Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành, người Hán chuộng trà… Vì thế mà khi bước sang thời kỳ hiện đại, nhiều người đã tỏ ra không tin tưởng. Tuy nhiên, khi đi sâu xác thực, họ nhận ra Polo không hề dối trá. Ngay cả con kỳ lân mà ông miêu tả cũng có thực, nó chính là con tê giác.
Điểm cực kỳ đáng khen ở Polo là ông không một chút kỳ thị với sự khác biệt, lạ lùng ở các nền văn hóa khác. Nhà văn du hành này tin tưởng, không có nền văn hóa nào là vượt trội hơn nền văn hóa nào và luôn bày tỏ thái độ bất ngờ, ngưỡng mộ trước những khía cạnh độc đáo, thông minh của các nền văn hóa mà ông được tiếp xúc, sống chung.
Theo nhận định của các chuyên gia, chính môi trường đa văn hóa của Venice đã nuôi dưỡng cho Polo tinh thần tôn trọng bản sắc của người khác, dân tộc khác và cuộc sống “trên vạn nẻo đường buôn” dạy cho ông chỉ có tôn trọng mới nhận lại được sự tôn trọng.
“Polo đã dạy chúng ta tính cởi mở, sự hiếu kỳ và tinh thần sẵn sàng hòa nhập”, Giáo sư Tiziana Plebani, người dành 10 năm nghiên cứu Polo chỉ ra. Chưa hết, Polo còn là nhà nữ quyền sớm. Trong xã hội châu Âu thế kỷ XIV đầy gia trưởng, ông đã viết di chúc để lại toàn bộ di sản cho vợ và các con gái.
“Tôi tin rằng, nguyên nhân là vì ông ấy thật sự yêu thương và trân trọng vợ cũng như các con gái. Ở Venice, đàn ông làm nghề kinh doanh thường rời nhà nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và trong lúc họ đi vắng, phụ nữ thay mặt quản lý mọi việc. Nếu không có sự tin tưởng lẫn nhau, chuyện này rất khó để xảy ra”, Giáo sư Plebani phân tích.
Ngày nay, thế giới không còn là bí ẩn đối với chúng ta và “Những chuyến du hành của Marco Polo” cũng thôi nằm trên danh sách sách bán chạy nhất. Tuy nhiên, tinh thần hiếu kỳ, say mê khám phá và trân trọng các bản sắc văn hóa của Polo thì vẫn còn đó. Chúng như lời nhắc nhở, “người khác có thể cư xử không giống với chúng ta, nhưng họ vẫn là con người với những bản tính, khát vọng giống như chúng ta”.