Chặt chân - Hình phạt tàn khốc ở Trung Quốc thời cổ đại

GD&TĐ - Năm 1999, giới khảo cổ Trung Quốc khai quật được một bộ xương niên đại khoảng 3.000 năm và bị cụt một bàn chân.

Chặt chân là hình phạt phổ biến trong xã hội Trung Quốc thời cổ đại. Ảnh: Ancient-origins.net
Chặt chân là hình phạt phổ biến trong xã hội Trung Quốc thời cổ đại. Ảnh: Ancient-origins.net

Gần đây, họ tìm thấy thêm 2 bộ xương khác cũng bị cụt một bàn chân gần cùng niên đại. Theo các giáo sư lịch sử, cả 3 bộ xương trên đều là nạn nhân của hình phạt chặt chân, kiểu trừng phạt phổ biến từ thời nhà Hạ (2100 - 1600 TCN) và kéo dài đến thời nhà Hán (202 TCN - 9 SCN).

Phát hiện bất ngờ

Bộ xương có một bàn chân bị cụt được tìm thấy vào năm 1999 được khai quật tại Chu Nhan, Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc. Địa điểm này được ví như “quê hương của đồ đồng” vì vẫn còn giữ được rất nhiều các bình bằng đồng.

Ban đầu, các nhà khảo cổ không mấy bận tậm đến bộ xương vì họ bị cuốn hút bởi số lượng cổ vật bằng đồng quá lớn. Tuy nhiên, 5 năm sau, nhà khảo cổ Li Nan và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Bắc Kinh đã quyết định tiến hành nghiên cứu chi tiết bộ xương và phát hiện nhiều điều bất ngờ.

“Trước đó, mọi người chỉ cho rằng đây là một bộ xương chưa được tìm thấy đầy đủ các bộ phận và bỏ qua. Riêng tôi, ngay từ khi vừa thoạt nhìn, tôi đã chắc mẩm đó phải là một trường hợp bị chặt chân vì phạm trọng tội”, nhà khảo cổ này cho biết.

Kết quả chụp X-quang xương chân bị cụt mất bàn chân cho thấy chủ nhân của nó là một phụ nữ trong độ tuổi 30 - 35. Bàn chân bị cụt thuộc về chân bên phải và nó bị chặt trước khi người phụ nữ này qua đời khoảng 5 năm.

Gần đây, Giáo sư khoa học y sinh Qian Wang, Trung Quốc báo cáo đã hoàn thành một nghiên cứu về nguồn gốc của 2 bộ xương cổ khác cũng bị cụt mất một bàn chân.

Cả 2 bộ xương này đều được khai quật từ một khu mộ cổ ở Hà Nam, phía Đông Trung Quốc, là đàn ông trung niên trong độ tuổi khoảng 40 - 50, một người bị cụt bàn chân bên phải còn một người bị cụt bàn chân bên trái.

Kết quả chụp X-quang chỉ ra họ đã bị cụt chân trước khi chết nhiều năm và nguyên nhân bị cụt là do bị cắt bởi vật sắc, sau đó được chăm sóc vết thương và hồi phục tử tế.

Hai bộ xương có chân bị chặt cụt được phát hiện ở Hà Nam. Ảnh: Ancient-origins.net

Hai bộ xương có chân bị chặt cụt được phát hiện ở Hà Nam. Ảnh: Ancient-origins.net

“Giảm nhẹ và nhân từ”

Theo các tư liệu sử, vào thời cổ đại, Trung Quốc phổ biến 5 hình phạt. Chúng bao gồm khắc dấu lên người (mo), xẻo mũi (yi), thiến (gong), trảm (dapi) và chặt chân (yue).

Ghi chép sớm nhất về hình phạt chặt chân là bản khắc trên xương thuộc triều đại nhà Thương (1600 - 1050 TCN), tiếp đến là hình vẽ trên bình bằng đồng thuộc thời đại Tây Chu (1046 – 771 TCN) và đến thời Xuân Thu (770 – 476 TCN) thì nó trở thành hình phạt phổ biến đến nỗi thị trường xuất hiện những đôi giày đặc biệt dành riêng cho người bị cụt chân.

Kiểm tra niên đại bộ xương phụ nữ bị cụt bàn chân phải được tìm thấy năm 1999 cho thấy người phụ nữ này sống trong thời gian cách đây 3.000 năm. Đây có khả năng là một trong các trường hợp bị trừng phạt bằng hình thức chặt chân sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc.

“Có một quy định rất quan trọng trong việc thi hành án phạt chặt chân là nếu phạm trọng tội thì chặt chân phải còn phạm tội nhẹ hơn thì chặt chân trái. Người phụ nữ trên chắc chắn đã phạm trọng tội”, nhà khảo cổ Li Nan khẳng định.

Kiểm tra niên đại 2 bộ xương đàn ông bị cụt một chân ở Hà Nam cho thấy họ sống trong thời Đông Chu (771 - 256 TCN), cách đây 2.500 năm. Phân tích xương của họ chỉ ra cả 2 đều có chế độ ăn lúc sinh thời rất giàu protein và các chất dinh dưỡng có lợi từ thực vật.

Cộng với việc họ được an táng trong quan tài to đẹp cùng nhiều táng vật giá trị như đồ gốm, móc thắt lưng bằng đồng… thì đây phải là 2 cá nhân có địa vị xã hội cao.

Có vẻ như, một người đã phạm trọng tội nên bị chặt chân phải còn một người phạm tội nhẹ hơn nên bị chặt chân trái, và cả 2 đều được chăm sóc tốt sau khi nhận hình phạt. Nhờ thế mà họ mới tránh được bị nhiễm trùng hoặc bất kỳ biến chứng nào và an ổn sống thêm nhiều năm.

Trong một số bài viết, triết gia Trung Quốc cổ đại nổi tiếng Trang Tử (369 - 286 TCN) cũng nhắc đến và bình luận về hình phạt chặt chân. Ông khẳng định các tướng sĩ, quan lại có công to với hoàng thất sẽ được miễn các hình phạt khắc nghiệt như chặt chân và được an táng trong quan tài 3 lớp.

Dựa vào ghi chép của Trang Tử, Giáo sư Qian Wang suy đoán 2 bộ xương đàn ông được tìm thấy ở Hà Nam phải là quan lại hoặc tướng sĩ nhưng cấp thấp. Vì sự cống hiến của họ cho triều đình chưa đủ để được miễn phạt khi phạm tội, nên họ vẫn bị trừng phạt.

Cũng theo Giáo sư Qian Wang, nhà Chu áp dụng hình phạt chặt chân cho các tội như trộm cắp, lơ là nhiệm vụ, lừa dối quân vương… Có khả năng, chặt chân còn là “hình phạt giảm nhẹ” được áp dụng cho các cá nhân phạm trọng tội đến mức phải tử hình nhưng vì họ có địa vị quá cao hoặc có nhiều đóng góp cho quốc gia nên không thể đem ra xử trảm.

“Hình phạt chặt chân được hợp pháp hóa từ thời nhà Hạ và duy trì suốt 2 thiên niên kỷ trước khi bị nhà Hán xóa sổ”, Giáo sư Qian Wang cho biết. Mặc dù theo tiêu chuẩn đánh giá của thời hiện đại thì nó quá tàn khốc nhưng, đối với người Trung Quốc thời cổ đại, nó có khả năng là một “hình phạt nhân từ”, được sử dụng để thay thế cho phạt tù chứ không phải nhằm vào mục đích tra tấn hoặc làm nhục.

Nguyên nhân là vì, bất kể tội ác mà phạm nhân phạm phải là gì thì sau khi bị chặt chân, họ đều được chăm sóc vết thương kỹ lưỡng và không phải nhận thêm bất cứ hình phạt bổ sung nào khác. Chính vì thế mà dù bị chặt mất chân, các phạm nhân vẫn phục hồi vết thương tốt và sống thêm nhiều năm.

Theo ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ