Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho học sinh qua chứng tích thời chiến tranh

GD&TĐ - Sau khi thăm các chứng tích từ thời chiến tranh, học sinh được nghe lại và hiểu thêm nhiều bài học đạo lý về tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.

Những hình ảnh tái hiện sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh tại Bảo tàng Đường mòn Hồ Chí Minh mà người chiến sĩ Bộ đội cụ Hồ đã từng trải qua trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Những hình ảnh tái hiện sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh tại Bảo tàng Đường mòn Hồ Chí Minh mà người chiến sĩ Bộ đội cụ Hồ đã từng trải qua trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Những tâm sự thấm đẫm nước mắt

Trước thềm kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2022, thầy và trò Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) đã cùng nhau tổ chức đi thăm các chứng tích lịch sử của một thời chiến tranh đầy bi tráng mà oai hùng của dân tộc. Trong đó Bảo tàng Đường mòn Hồ Chí Minh hay Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái...

Cô Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, thầy trò nhà trường đã đến dâng hương và tưởng niệm tại Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái thuộc tỉnh Thái Nguyên. Đây là nơi tưởng niệm 60 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã hi sinh vào đêm 24/12/1972.

Thông qua những tài liệu, hiện vật đã tái hiện lại cuộc sống khó khăn của các thế hệ đi trước, các em học sinh càng thấy thấm thía nỗi vất vả, sự hi sinh anh dũng của các thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Các chiến sĩ đã luôn giữ vững tinh thần “sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”.

Việc chăm sóc, thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương cũng được thầy trò Trường THCS Đông La chú trọng thực hiện hàng năm.

Việc chăm sóc, thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương cũng được thầy trò Trường THCS Đông La chú trọng thực hiện hàng năm.

Theo giới thiệu từ hướng dẫn viên tại đây, trước tình thế cấp bách để giải tỏa gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng được viện trợ còn tồn đọng ở trung tâm TP Thái Nguyên, nếu không giải tỏa kịp thời sẽ bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy, tổn thất sẽ vô cùng to lớn. Các thanh niên xung phong Đại đội 915 đã không ngại khó khăn, gian khổ đều xung phong đi làm nhiệm vụ ngay trong sáng sớm ngày 24/12/1972.

Chập tối cùng ngày, số lương thực, hàng hóa tồn đọng ở ga Lưu Xá cơ bản đã được giải tỏa, cả đơn vị còn chưa kịp ăn cơm tối thì 6 tốp máy bay ném bom chiến lược B52 và máy bay chiến thuật của Mỹ đánh phá vào khu vực trọng điểm thuộc vùng công nghiệp phía Nam TP Thái Nguyên. Theo hiệu lệnh, cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong 915 cùng Đội phó Đội 91 và 2 thủ kho đã vào hầm trú ẩn.

Tuy nhiên, dưới làn "mưa bom" từ máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném xuống đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân; trong đó có 60 cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.

"Tấm gương hi sinh của các anh, các chị đã hi sinh tuổi thanh xuân để gìn giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc linh thiêng khiến nhiều người không khỏi xúc động và bật khóc. Các học trò của tôi sau khi đi về đã viết lên những dòng chia sẻ bày tỏ lòng cảm phục, tinh thần tự hào dân tộc và lòng yêu nước. Đây chính là cách giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh một cách trực quan nhất mà nhà trường lựa chọn, nhất là vào dịp cận ngày 22/12" - cô Kim Dung chia sẻ thêm.

Lan tỏa hình ảnh đẹp về người lính cụ Hồ

Học sinh Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) được mục sở thị mảnh xác máy bay trinh sát điện tử không người lái của Mỹ rơi tại Việt Nam trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội cuối năm 1972.
Học sinh Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) được mục sở thị mảnh xác máy bay trinh sát điện tử không người lái của Mỹ rơi tại Việt Nam trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội cuối năm 1972.

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022), thầy và trò Trường THPT Sóc Sơn đã tham quan triển lãm do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức nhằm giúp học sinh có những hiểu biết về sự hi sinh, tinh thần đoàn kết của quân và dân ta.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diệu Thanh nhấn mạnh, chiến công trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 là kết quả của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai của Không quân Mỹ.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì thống nhất non sông, vì độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là thắng lợi minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và dự báo thiên tài của Bác Hồ: “Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Hình ảnh người lính cụ Hồ đoàn kết, gắn bó với nhân dân ở mọi giai đoạn lịch sử được học sinh tái hiện sinh động trên sân khấu.

Hình ảnh người lính cụ Hồ đoàn kết, gắn bó với nhân dân ở mọi giai đoạn lịch sử được học sinh tái hiện sinh động trên sân khấu.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, ngày 19/12 vừa qua, lớp 12D7 của nhà trường đã tổ chức chuyên đề dưới cờ mang tên "Vang mãi khúc quân hành". Đây là một hoạt động ý nghĩa thiết thực chào mừng 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022). Các em đã cùng nhau ôn lại chặng đường 78 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; hiểu rõ hơn về truyền thống tốt đẹp của tình đoàn kết quân dân dù trong thời chiến hay thời bình.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tương tự để chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Nhà thơ quân đội Trần Đăng Khoa giao lưu với các em học sinh.
Nhà thơ quân đội Trần Đăng Khoa giao lưu với các em học sinh.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bình Minh nhấn mạnh, nhà trường rất tự hào hơn khi người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng là thầy giáo dạy Lịch sử tại ngôi trường Thăng Long. Tên tuổi và sự nghiệp của thầy đã lừng danh khắp năm châu bốn biển, một cái tên Việt Nam đã được ghi vào các Bộ từ điển Bách Khoa thế giới, một vị tướng huyền thoại. Đó chính là Thầy giáo - Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Ngày 19/12, nhà trường đã tổ chức chương trình kỷ niệm để học sinh được trò chuyện, giao lưu với các bác cựu chiến binh. Các em đã biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc như để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn của mình đối với các cô chú bộ đội. Cũng tại đây, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ những câu chuyện dung dị, đời thường về niềm yêu thích sách của chính bản thân. Ông đã truyền cho học sinh những trải nghiệm thú vị về tình yêu với sách, với thơ của các thế hệ đi trước.

Buổi giao lưu, gặp gỡ giữa toàn thể học sinh nhà trường với các cựu chiến binh và các cô chú bộ đội đã diễn ra trong bầu không khí vui tươi, phấn khởi. Qua đó các em được mở rộng hiểu biết của mình về các chiến sĩ bộ đội, càng thêm yêu quý, kính trọng và biết ơn các chiến sĩ bộ đội đã anh dũng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc. Cuộc gặp gỡ giao lưu này sẽ là kỉ niệm đẹp trong lòng các em học sinh của Trường Tiểu học Thăng Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.