Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống bằng sân khấu hóa: Không mới nhưng hiệu quả

GD&TĐ - Sân khấu hóa giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là phương pháp không mới nhưng được các trường học ở Hà Tĩnh áp dụng, mang lại hiệu quả cao.

Sân khấu hóa chuyên đề học sinh và ứng xử văn minh trên không gian mạng tại Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.
Sân khấu hóa chuyên đề học sinh và ứng xử văn minh trên không gian mạng tại Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

Đa dạng phương thức

Học sinh là lứa tuổi đang hình thành nhân cách, thích khám phá, tìm tòi song vốn hiểu biết về cuộc sống còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là trong môi trường xã hội hiện nay, học sinh thường xuyên chịu tác động của nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực, áp lực và thử thách. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành phẩm chất, đạo đức của học sinh. Chính vì vậy, trang bị cho học sinh những kiến thức về đạo đức, kĩ năng sống là một điều vô cùng cần thiết.

Việc giáo dục như thế nào, bằng cách nào để mang lại hiệu quả cao nhất để giáo dục không trở nên giáo điều, công thức đòi hỏi cần phải có hình thức phù hợp. Sân khấu hóa kiến thức giáo dục đạo đức, kĩ năng sống là một phương pháp không mới nhưng được nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh áp dụng và mang lại hiệu quả cao.

Phiên tòa giả định – tuyên truyền phổ biến pháp luật về ma túy tại Trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Phiên tòa giả định – tuyên truyền phổ biến pháp luật về ma túy tại Trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Thầy Phạm Hồng Phong – Phó hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh cho biết, việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống chủ yếu được lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp. Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của Chương trình GDPT 2018, hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống đã trở thành một môn học "Trải nghiệm hướng nghiệp". Điều này chứng tỏ sự quan tâm đúng mực tới hoạt động trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Hình thức dạy học cũng vô cùng phong phú, bao gồm nhiều phương thức tổ chức như:

Phương thức khám phá: tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế cuộc sống và công việc, giúp học sinh khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu về môi trường xung quanh, bồi dưỡng những cảm xúc tích cực và tình yêu quê hương đất nước.

Phương thức thể nghiệm, tương tác: tạo cơ hội cho học sinh giao lưu, tác nghiệp, thể hiện ý tưởng như diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa, trò chơi…

Phương thức cống hiến: tạo cơ hội cho học sinh mang lại những giá trị xã hội bằng những đóng góp và cống hiến thực tiễn qua các hoạt động tình nguyện nhân đạo, công ích và tuyên truyền.

“Nắm bắt được tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, các trường học đã xây dựng chương trình dưới nhiều dạng hoạt động. Trong đó, sân khấu hóa hoạt động được xem là một hình thức mang lại hiệu quả cao”, thầy Phong chia sẻ thêm.

Hiệu quả từ nghiệm thực tế

Mục tiêu của các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống không chỉ là giảng dạy kiến thức mà còn là thiết kế con đường để học sinh phát huy sức mạnh của bản thân, giải quyết vấn đề và đưa ra sự lựa chọn những giá trị đúng đắn trong cuộc sống. Sân khấu hóa hoạt động giáo dục giúp các em được nói tiếng nói của mình, được trải nghiệm bằng chính vốn sống của mình là một điều rất có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là cung cấp những kiến thức, kỹ năng mang tính tâm lý xã hội, tình huống giao tiếp được vận dụng trong các tình hàng ngày giúp học sinh giải quyết các vấn đề. Từ đó học sinh có thể làm chủ bản thân, có ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Việc được trang bị kỹ năng sống, các em học sinh có thể hòa nhập, thích nghi tốt với môi trường xung quanh, có kiến thức bảo vệ bản thân, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Sân khấu hóa Xây dựng tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường tại Trường THPT Hồng Lĩnh.

Sân khấu hóa Xây dựng tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường tại Trường THPT Hồng Lĩnh.

Bằng các tiểu phẩm, hoạt cảnh do chính các em học sinh xây dựng, các kiến thức tìm hiểu về bản thân, môi trường giáo dục, hoạt động hướng nghiệp cũng như các kiến thức về các vấn đề nóng: bạo lực học đường, sức khỏe sinh sản vị thành niên, pháp luật ma túy, học sinh sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử, an toàn giao thông được truyền tải một cách sinh động và hấp dẫn.

Em Võ Công Sơn (lớp 12A1, Trường THPT Kỳ Anh) chia sẻ, kỹ năng sống được xem là "chìa khóa vàng" giúp em và những bạn học sinh khác nắm giữ bí quyết thành công. Bởi nếu chỉ được trang bị kiến thức mà thiếu đi đạo đức, kỹ năng sống thì các em khó có thể khẳng định bản thân.

“Không có gì ý nghĩa và thiết thực hơn khi chúng em tự mình thể nghiệm, trải nghiệm và tuyên truyền đến các bạn các kiến thức để tự bảo vệ mình, tránh xa các tác động tiêu cực. Thay vì các bài học nặng nề về kiến thức, giáo điều hàn lâm thì chúng em được hòa mình vào các vở kịch, tiểu phẩm để thể hiện hiểu biết, quan điểm nhìn nhận, nói lên tiếng nói của chính mình”, em Sơn nói.

Thầy Phạm Hồng Phong cho biết thêm: "Muốn thực hiện mục tiêu chiến lược đào tạo và phát triển con người Việt Nam toàn diện, vững về kiến thức, mạnh về phẩm chất đạo đức, tư tưởng và kỹ năng sống thì việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là vô cùng quan trọng. Bằng các hình thức sinh hoạt phong phú, sân khấu hóa sinh động, học sinh sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn. Từ đó rút ra bài học để tự bảo vệ bản thân và bạn bè trước những tác động đa chiều của cuộc sống".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ