Bộ Xây dựng quyết thu hồi nhà ở bán không đúng đối tượng

GD&TĐ - Bộ Xây dựng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội, trường hợp mua bán nhà ở không đúng đối tượng thì cương quyết phải thu hồi.

Bộ Xây dựng quyết thu hồi nhà ở bán không đúng đối tượng

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã phản hồi báo chí về tình trạng lợi dụng trục lợi trong các dự án nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm mua bán tại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

"Nếu phát hiện có trường hợp mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng thì cương quyết phải thu hồi nhà ở. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải xác định đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chí và quy định đã đề ra...", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Được biết, thời gian qua các chính sách liên quan đến nhà ở xã hội đã được quan tâm triển khai, với nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở tốt hơn.

Không những vậy, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành quy định xác định rõ đối tượng cũng như các tiêu chí của đối tượng được hưởng nhằm tránh trục lợi. Các đối tượng bao gồm: Người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo và khu vực đô thị, người lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp, lực lượng vũ trang.

Về trình tự tiếp nhận hồ sơ nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ tiếp nhận, lập danh sách người dự kiến mua gửi Sở Xây dựng và phối hợp cơ quan liên quan, rà soát danh sách để cập nhật... Sau đó tiến hành tổ chức bốc thăm. Các quy định đảm bảo công khai, minh bạch nhằm đảm bảo không trục lợi chính sách và đúng đối tượng được thụ hưởng.

Tuy nhiên, tại một số dự án ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk…, hiện tượng cò mồi lợi dụng sự khan hiếm nhà ở xã hội đã rao bán trên mạng xã hội.

Thậm chí, tại dự án NHS Trung Văn (Hà Nội) hơn 1.300 người tham gia bốc thăm mua 149 căn nhà ở xã hội với giá bán là hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT). Đây là mức giá bán dự án nhà ở xã hội lần đầu cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội.

Trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương để xảy ra hiện tượng trên có biện pháp thanh tra, kiểm tra làm rõ, khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã đi các địa phương để đôn đốc, rà soát các dự án khó khăn như tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…

Qua khảo sát thực tế, Bộ đã xác định được những khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực thi các dự án. Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp cùng các địa phương tiếp tục đôn đốc, rà soát và tháo gỡ vướng mắc liên quan tới trình tự đầu tư.

“Những vấn đề gì liên quan bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó sẽ trả lời, cùng các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp; từ đó tạo nguồn cung về nhà ở”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.