Chia sẻ tại cuộc Họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Xây dựng diễn ra mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra về hoạt động kinh doanh bất động sản.
Hiện nay, điều kiện, thủ tục mua bán nhà ở xã hội đã quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt các dự án nhà ở xã hội xuất hiện tình trạng rao bán suất ngoại giao với giá chênh hàng trăm triệu đồng.
Đơn cử, tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng số 4 làm chủ đầu tư.
Mặc dù chưa được phép mở bán, nhưng thông tin rao bán căn hộ thuộc dự án NHS Trung Văn đã được đăng tải công khai trên mạng xã hội. Theo đó, khách mua nhiều suất ngoại giao căn đẹp, hướng đẹp với mức tiền chênh từ 250-300 triệu đồng/căn tùy từng vị trí.
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng các tỉnh, tham mưu các quy định xử phạt hành vi vi phạm.
“Trong kế hoạch của Bộ, giữa năm nay sẽ có đợt công tác làm việc với các địa phương trong đó liên quan đến kinh doanh bất động sản. Bộ sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có việc rao bán chênh tại các dự án nhà ở xã hội”, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thông tin.
Cũng trong thời gian qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra tại các tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Long An, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Qua kết quả thanh tra, kiểm tra, một số tồn tại, hạn chế trong việc phát triển nhà ở xã hội ở các tỉnh, thành phố nêu trên đã được chỉ ra. Theo đó, các địa phương chậm xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, một số dự án chưa xác định rõ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Qua đó, cơ quan thanh tra đã buộc các chủ đầu tư phải bù quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, khoảng 20 ha.
Thông tin tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về mua bán nhà ở xã hội.
“Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm để thực hiện đúng chính sách. Không để chính sách về nhà ở xã hội bị lợi dụng. Bên cạnh đó sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xây dựng tạo nguồn cung mới cho thị trường”, Thứ trưởng khẳng định.
Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có việc rao bán chênh tại các dự án nhà ở xã hội trong năm 2023. |
Doanh nghiệp phá sản tăng cao
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, trong quý I/2023, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2 %) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý I là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Thêm vào đó, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn hiện nay như khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.
Đồng thời, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2023 Bộ Xây dựng cho biết, trong 3 tháng đầu năm, cả nước chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội được cấp phép. Đó là dự án quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới tại tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị. Quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7,95 triệu m2.