Bỏ trường chuyên về trường làng để thực hiện giấc mơ

GD&TĐ - Nguyễn Viết Hà – Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế ở vòng thi tuần, tháng và có tấm vé vào thi quý III – Đường lên đỉnh Olympia năm 2021.

Hà giành vòng nguyệt quế vòng thi tháng - cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
Hà giành vòng nguyệt quế vòng thi tháng - cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Điều đặc biệt, không chỉ là kiến thức, hiểu biết của cậu học trò 17 tuổi, mà là ý chí và cả sự đánh đổi. Hà đã từ bỏ vị trí học sinh chuyên Toán để về trường làng, tạo thêm một cơ hội thực hiện ước mơ từ nhỏ của mình.

Từ bỏ trường chuyên

Hà từng là thành viên lớp chuyên Toán, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – nơi mơ ước, mục tiêu và niềm tự hào của nhiều học trò xứ Nghệ. Trước đó, để vượt qua hàng trăm thí sinh, lọt vào danh sách 35 chỉ tiêu lớp chuyên “khó khăn” nhất trường Phan, nam sinh đến từ phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai đã bỏ ra không ít nỗ lực, công sức ôn tập.

Cậu bé khăn gói rời quê vào TP Vinh, nối tiếp con đường học tập như 2 chị gái của mình. Hai chị của Việt Hà cũng là cựu học sinh chuyên Anh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Việc học của em sẽ diễn ra bình thường như thế, đến hết 3 năm THPT, nếu như không có cú trượt ngã ở cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” cấp trường. Đó là một sân chơi mô phỏng chương trình Đường lên đỉnh Olympia với đầy đủ các vòng thi tuần, tháng, quý, chung kết. Tuy nhiên, vòng chung kết, Hà không đạt được mục tiêu, chỉ ở vị trí thứ 3 và cách xa điểm so với bạn xếp thứ nhất.

Từ nhỏ, Việt Hà đã mê cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Cuối tuần nào cũng vậy, “khán giả trung thành” ngồi trước tivi, trải qua các phần thi cùng thí sinh và trả lời câu hỏi mà chương trình đưa ra. Năm 2019, khi Trần Thế Trung (cựu HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) lần đầu tiên đem về vòng nguyệt quế chung kết cuộc thi về Nghệ An, đã tạo động lực, thôi thúc cậu học trò quyết tâm “đặt chân vào trường quay của chương trình”.

Tuy nhiên, mỗi trường THPT chỉ được chọn một đại diện đăng ký dự thi, và Việt Hà đã gặp thất bại ở ngay vòng loại. “Đó là vào cuối năm lớp 10, em nghĩ mình không còn cơ hội nữa. Dịp hè, chị gái (đã tốt nghiệp ĐH và làm việc ở Hà Nội) đón em ra chơi. Chị đưa em đi xem trực tiếp buổi ghi hình chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ngồi phía dưới trường quay, em lại thấy như được truyền cảm hứng, không muốn từ bỏ. Em tiếp tục suy nghĩ, liệu có cách nào để mình trở thành một thí sinh hay không”, Việt Hà nhớ lại.

Và nam sinh xứ Nghệ đã có quyết định táo bạo, từ bỏ Trường chuyên Phan Bội Châu và quay về học tại trường làng. “Lúc ấy, nhiều người bất ngờ, hỏi em tại sao, hoặc lo ngại em gặp vấn đề gì. Nhưng với em, trở về Trường THPT Hoàng Mai là một cánh cửa duy nhất, cho em được làm lại một lần nữa cơ hội tham gia Đường lên đỉnh Olympia”.

Lớp học hiện tại của Hà tại Trường THPT Hoàng Mai.
Lớp học hiện tại của Hà tại Trường THPT Hoàng Mai.

Tự tạo cơ hội cho bản thân

Lần gần nhất Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) có thí sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là cách đây hơn 10 năm. Trường cũng cũng chưa truyền thống tổ chức vòng loại cuộc thi này, mà chủ yếu tập trung vào các hoạt động chuyên môn, sinh hoạt ngoại khóa, kỹ năng sống. Vì vậy, khi về trường mới, Nguyễn Viết Hà đã chủ động trình bày nguyện vọng của mình, xin phép tổ chức vòng loại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cấp trường. Để thêm phần thuyết phục, em nhờ bố mẹ lên gặp thầy hiệu trưởng và cam kết không để con ảnh hưởng việc học văn hóa.

Thầy Hồ Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai cho biết: “Khi nghe Hà và gia đình trình bày, tôi khá bất ngờ với quyết tâm của em. Nhà trường ủng hộ các em tham gia các sân chơi trí tuệ, trau dồi vốn sống, hiểu biết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nguyện vọng của một học sinh. Vì vậy tôi đã làm việc với ban giám hiệu, tập thể giáo viên để thống nhất ý kiến. Thời điểm đó, trường đang tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức truyền thống lịch sử văn hóa địa phương. Vì vậy, chúng tôi đã kết hợp tổ chức cuộc thi kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học chung cho học sinh toàn trường”.

Vậy là một cuộc thi đặc biệt được tổ chức với quyết định chưa có trong tiền lệ của Trường THPT Hoàng Mai diễn ra với 6 vòng loại, kéo dài từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021. Lần này, Nguyễn Viết Hà đã giành chiến thắng thuyết phục, đủ điều kiện, nộp hồ sơ gửi tới ban tổ chức chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Và chỉ sau gần một tháng, Hà đã nhận được thông báo “lên đường”.

“Cảm xúc của em lúc ấy là vui mừng, hạnh phúc và thấy mình thật may mắn. Em còn được gọi sớm hơn cả bạn ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Có thể, những người làm chương trình đã đọc và lắng nghe, và thuyết phục bởi những gì em trình bày trong đơn”, Viết Hà chia sẻ.

Nam sinh nhớ lại, khi nói đến lý do đến với chương trình, em đã chia sẻ về hành trình đặc biệt của mình, trăn trở, suy nghĩ của bản thân. Sự đánh đổi khi từ trường chuyên về học ở trường huyện cùng nhiều “tiếc nuối” của thầy cô, bạn bè để thực hiện khao khát trở thành nhà leo núi. Nguyện vọng của em là thử thách bản thân và giành được vòng nguyệt quế…

Thực hiện giấc mơ đặt chân vào trường quay Đường lên đỉnh Olympia, Hà vẫn giữ thành tích học tập nổi trội tại trường.
Thực hiện giấc mơ đặt chân vào trường quay Đường lên đỉnh Olympia, Hà vẫn giữ thành tích học tập nổi trội tại trường.

Không hối tiếc vì những việc đã làm

Cuộc thi tuần đầu tiên tháng 2 quý III Đường lên đỉnh Olympia, Nguyễn Viết Hà vươn lên dẫn đầu từ phần Khởi động với 80 điểm. Tiếp đó vượt chướng ngại vật thành công khi tìm ra ẩn số là “Điện ảnh” tiếp tục giữ điểm số cao nhất sau phần Tăng tốc. Ở phần thi Về đích, Viết Hà đã có phần thi ấn tượng khi trả lời đúng 2/3 gói câu hỏi của mình và giành điểm từ lượt chơi của các thí sinh còn lại. Sau bao nỗ lực đặt chân lên đỉnh núi Olympia, nam sinh xứ Nghệ đã chiến thắng tuyệt đối, giành vòng nguyệt quế với 390 điểm.

Cuộc thi tháng, Viết Hà vẫn là người giải được từ khóa chướng ngại vật ngay sau ô đầu tiên được lật mở. Câu trả lời của em là “Bến Nhà Rồng” từ gợi ý hình ảnh con tàu Amiral Latouche-Tréville – nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Sau đó, em giữ vững phong độ ở phần thi Tăng tốc, và giành chiến thắng thuyết phục ở phần thi Về đích với 310 điểm. Vòng nguyệt quế trận thi tháng cũng đã giúp Viết Hà nắm trong tay tấm vé vào cuộc thi quý III.

Giấc mơ đứng ở trường quay thành hiện thực, Viết Hà chia sẻ, dù phía dưới có rất nhiều khán giả nhưng em cảm thấy rất thoải mái, thân thuộc. Có lẽ em đã xem và ghi nhớ từ nhỏ hình ảnh của trường quay. Hà không chỉ có sự đồng hành của thầy cô, học sinh Trường THPT Hoàng Mai, mà còn có cả những người bạn cũ ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Vốn là học sinh chuyên Toán, nhưng Nguyễn Viết Hà lại cho biết thế mạnh của mình lại là lịch sử, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, em cũng được 2 chị gái hỗ trợ về tiếng Anh nên tự tin “đủ dùng”. Vì vậy, đến với cuộc thi, em đã có vốn liếng phong phú ở nhiều lĩnh vực. “Điều lớn nhất mà em nhận được ở cuộc thi này đó là sự trưởng thành, ngày càng được bổ sung nhiều kiến thức. Qua giao lưu, tiếp xúc với bạn bè cả nước, em sửa được điểm yếu là rụt rè trước đám đông, và biết nhìn nhận mọi việc ở nhiều góc độ khác nhau”, Hà chia sẻ.

Nguyễn Viết Hà cùng thầy Hiệu trưởng Hồ Hồng Sơn.
Nguyễn Viết Hà cùng thầy Hiệu trưởng Hồ Hồng Sơn.

Ở cuộc thi quý III là màn tranh tài gay cấn từ đầu đến cuối của Nguyễn Viết Hà với 3 người chơi cũng rất xuất sắc: Nguyễn Tấn An (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định), Trần Danh Nhân (Trường THPT Lý Tự Trọng, Cần Thơ), và Nguyễn Thiện Hải An (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong đó, Viết Hà và Hải An thay phiên nhau liên tục tạm dẫn đầu ở các phần thi trước khi về đích.

Phần thi cuối cùng, quyết định ai sẽ người giành tấm vé thứ 3 vào vòng chung kết, là khoảng thời gian “nín thở” của khán giả trước sự rượt đuổi bám sát điểm số của nam sinh xứ Nghệ và bạn chơi từ Trường THPT chuyên KHTN. Viết Hà hoàn thành phần thi của mình với 290 điểm, sau đó giành điểm từ câu hỏi của các bạn khác lên 320 điểm.

Câu hỏi cuối cùng của phần thi Về đích: “Đuyra là hợp kim của kim loại gì và các kim loại khác như đồng, magie, mangan…”, thí sinh không trả lời được và cả 3 người chơi còn lại cùng bấm chuông. Hải An là người nhanh tay nhất, đưa ra đáp án “Nhôm”. Cả trường quay nín lặngrồi sau đó vỡ òa khi đây là câu trả lời chính xác, Hải An trở thành người chiến thắng chung cuộc với   325 điểm, chỉ hơn người về nhì là Viết Hà 5 điểm.

Khoảng khắc ấy, Nguyễn Viết Hà đã bật khóc. Dưới trường quay, người thân, bạn bè của em cũng ôm lấy nhau, nức nở trong tiếc nuối. Kết thúc cuộc đua, có nụ cười hạnh phúc của người lên đỉnh vinh quang, có nước mắt của người đánh rơi chiến thắng chỉ trong tích tắc bấm chuông. Nhưng điều đọng lại sau cùng, gây xúc động cho cả trường quay và khán giả, là cái bắt tay của 2 đối thủ, 2 người bạn thân Việt Hà với Hải An. Cái bắt tay ấy, như trong hành trình chạy tiếp sức, nam sinh xứ Nghệ như gửi gắm hi vọng, tin tưởng cho người bạn sẽ cố gắng cả phần của mình ở chặng đua cuối cùng – chung kết Đường lên đỉnh Olympia.

Nguyễn Viết Hà từng tâm sự: “Khi bỏ lớp chuyên Toán - Trường Phan Bội Châu, nhiều người hỏi tại sao, và tỏ ra tiếc nuối thay em. Nhưng em thực sự rất quý quãng thời gian này. Đó là cảm giác được theo đuổi điều mình thích. Hơn nữa, ngôi trường em đang học tại quê nhà cũng rất tốt. Em có nhiều bạn bè quen thân từ thuở nhỏ, được thầy cô quan tâm, giúp đỡ. Em tin rằng, học ở môi trường nào, có nỗ lực nghiêm túc của bản thân, thì vẫn thực hiện được mục tiêu của mình. Khi đã quyết định rồi thì em không tiếc nữa. Bởi người ta chỉ hối tiếc về những điều chưa làm, hơn là hối hận về những điều đã làm”.

Nói về cậu học trò đặc biệt, thầy Hồ Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai chia sẻ: Khi Viết Hà chuyển về trường, tôi cũng mong muốn em phát huy được năng lực, thế mạnh của mình. Việc tham gia và giành được vòng nguyệt quế ở cuộc thi tuần, tháng – chương trình  Đường lên đỉnh Olympia không chỉ là thành tích của riêng em Hà, mà còn tạo động lực, phấn đấu cho học sinh toàn trường.

Dù dừng lại đầy tiếc nuối sau cách biệt 5 điểm với bạn về nhất, nhưng Viết Hà đã chiến thắng chính mình, đã đi đến cùng giấc mơ, đã tạo một tiền đề cho các em khóa sau dù ở trường làng vẫn mạnh dạn, tự tin tham gia sân chơi trí tuệ chung của cả nước.

Khi Viết Hà chuyển về trường, tôi cũng mong muốn em phát huy được năng lực, thế mạnh của mình. Qua đánh giá của giáo viên, em thể hiện ý thức tự học, tự lập rất tốt và giữ kết quả học tập nổi trội. Việc tham gia và giành được vòng nguyệt quế ở cuộc thi tuần, tháng – chương trình Đường lên đỉnh Olympia không chỉ là thành tích của riêng em Hà, mà còn tạo động lực, phấn khởi cho học sinh toàn trường. Để các em khóa sau mạnh dạn, tự tin tham gia sân chơi trí tuệ chung của cả nước. - Thầy Hồ Hồng Sơn (Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ