Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Năm học bứt phá của đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ý nghĩa quan trọng đặc biệt của năm học này trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra, nắm bắt tình hình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Điểm thi Trường THPT Mỹ Lộc, Nam Định. Ảnh: Thế Đại.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra, nắm bắt tình hình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Điểm thi Trường THPT Mỹ Lộc, Nam Định. Ảnh: Thế Đại.

Trong chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại trước thềm năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Ý nghĩa quan trọng đặc biệt của năm học này trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông; đồng thời gợi ý giải pháp hướng tới đổi mới theo chiều sâu và tăng cường chất lượng đổi mới.

Đổi mới trên diện rộng và đi vào chiều sâu

- Thưa Bộ trưởng, năm học 2023 - 2024 có ý nghĩa như thế nào trong lộ trình đổi mới giáo dục?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể nói, năm học 2023 - 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông (GDPT) với việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Hiện, Chương trình được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học và đã đi được hơn nửa chặng đường.

Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Tiếp tục lộ trình này, năm học 2023 - 2024, khối lượng công việc ngành cần thực hiện sẽ rất lớn, bao gồm: Vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018 với các lớp đã triển khai; triển khai mới với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Trong đó, chuẩn bị sách giáo khoa cho lớp cuối cấp với yêu cầu, đòi hỏi lượng công việc nhiều hơn nữa. Phạm vi đổi mới rộng, lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, năm học 2023 - 2024 đòi hỏi sự quan tâm, tập trung cao độ để hoàn thành công việc, tạo đà hoàn thành lộ trình đổi mới GDPT.

Không chỉ triển khai chương trình mới trên diện rộng, bao phủ 3 cấp học, năm học này, hoạt động đổi mới cần đi vào chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, hoạt động. Kèm theo đó là đòi hỏi chuẩn bị nhiều hơn các điều kiện dạy học, giáo viên cần được hỗ trợ hơn nữa về phương pháp, kỹ năng… để bảo đảm có thể đổi mới theo chiều sâu và tăng cường chất lượng đổi mới.

Cùng với đó, năm học 2023 - 2024 là năm triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục.

Ngành Giáo dục tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Về nội dung này, có thể nói đến những công việc quan trọng như tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT - nhìn nhận lại chặng đường 10 năm đổi mới, đánh giá thực trạng, kết quả đạt được, từ đó đề xuất các định hướng chỉ đạo lớn tầm Trung ương cho chặng đường đổi mới tiếp theo.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT chuẩn bị xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội vào năm 2024; rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học và những văn bản dưới luật có liên quan…

Năm học 2023 - 2024 cũng quan trọng với giáo dục mầm non khi triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới. Đồng thời, tăng cường triển khai văn hóa học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, phòng chống bạo lực học đường… cũng là yêu cầu đặt ra với năm học này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.

Đồng bộ từ Trung ương đến địa phương

- Trong câu trả lời có thể thấy Bộ trưởng dành nhiều sự quan tâm cho đổi mới GDPT. Chương trình GDPT 2018 đã có thực tiễn 3 năm triển khai. Theo Bộ trưởng, những bài học nào được rút để từ đó chúng ta thực hiện tốt hơn trong năm tiếp theo, đặc biệt ở năm học 2023 - 2024?

Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một đoàn giám sát làm việc với quy mô sâu rộng, toàn diện mang tính toàn quốc như vậy. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai, tổ chức đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Qua đây, chúng ta có thể xem xét, đánh giá toàn diện kết quả tổ chức thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tiếp tục triển khai hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Công tác quán triệt, tuyên truyền mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới theo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần mạnh mẽ, triệt để, sâu rộng hơn để mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng, tin tưởng vào mục tiêu đổi mới.

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 là nhiệm vụ lớn của ngành, có tác động rất lớn đối với nền giáo dục nước nhà.

Quá trình thực hiện phải đặc biệt coi trọng nhận thức đúng và đầy đủ về nội dung, phương pháp dạy học, các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của chương trình mới. Từ đó, tạo niềm tin đối với ngành Giáo dục khi thực hiện chương trình mới và có quyết tâm cao khi triển khai trong toàn xã hội, nhất là với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.

Cùng với đó, công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần được thực hiện kỹ lưỡng hơn để bảo đảm tiến độ, chất lượng. Xây dựng, hoàn thiện thể chế cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải được triển khai đầy đủ, đồng bộ, sớm hơn nữa; tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa và các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đến từng nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và có sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, địa phương cần nhịp nhàng, thường xuyên hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới về chất lượng, lộ trình quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra cần thực hiện thường xuyên hơn; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp. Truyền thông và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ thực hiện sâu, rộng hơn; tạo đồng thuận trong đội ngũ nhà giáo, làm động lực thúc đẩy đổi mới; tạo niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.

Các địa phương - có vai trò quan trọng trong triển khai kế hoạch, lộ trình Chương trình GDPT 2018 - cần tăng cường quan tâm, đầu tư để đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình như: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học.

Đối với lực lượng nhà giáo, mức độ đổi mới của nhà giáo đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Một trong những khó khăn nằm ở chỗ những cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy và không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc, yêu cầu của sự đổi mới.

Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ nhà giáo. Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi đang làm nhiều việc để động viên, hỗ trợ giáo viên, cố gắng đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, để nhà giáo có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.

Lần đổi mới này trao quyền chủ động, sáng tạo cho nhà giáo rất nhiều. Tiêu biểu như việc lựa chọn cách thức dạy, kiểm tra, đánh giá, lựa chọn học liệu… nhằm giáo dục theo hướng phát huy năng lực cá nhân của học sinh nhiều hơn. Chuyển vai trò của giáo viên từ chủ thể truyền thụ kiến thức là chính sang vai trò người tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ cho học sinh. Để làm được điều này, năng lực của người thầy phải đổi mới và nâng lên rất nhiều.

Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1, TPHCM). Ảnh: INT.

Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1, TPHCM). Ảnh: INT.

Đặc biệt quan tâm các điều kiện triển khai đổi mới

- Thực tế triển khai chương trình mới cho thấy còn có khó khăn, thách thức, đặc biệt ở điều kiện thực hiện. Bộ GD&ĐT có giải pháp để khắc phục những khó khăn này, thưa Bộ trưởng?

Về vấn đề đội ngũ, như đã nói ở trên, khó khăn nằm ở chỗ những thói quen, cách làm cũ và không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng, đổi mới mình để thích nghi với công việc. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn là thừa thiếu giáo viên cục bộ, trong đó thiếu giáo viên là vấn đề chủ đạo.

Áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở), một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do...

Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10 nghìn người. Tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt, giao cho Chính phủ bố trí hơn 27 nghìn biên chế/tổng số hơn 65 nghìn biên chế giáo viên, bù đắp được phần nào nhu cầu tuyển dụng.

Tuy nhiên, so với số lượng còn thiếu thì con số này vẫn khiêm tốn, chưa giải quyết được căn bản tình trạng thiếu giáo viên. Do đó, quan trọng nhất là làm sao có đủ giáo viên; làm sao để thầy cô thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới.

Về phía Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn…

Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn và nghiên cứu, có điều chỉnh phù hợp để thầy cô giảm bớt khó khăn, đặc biệt ở những môn học tích hợp cấp THCS.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo ráo riết hơn nữa đối với các trường đại học sư phạm trong đào tạo nguồn giáo viên để đủ nguồn tuyển; điều chỉnh Nghị định 116 để tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm.

Bộ GD&ĐT đồng thời đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng giáo viên mầm non theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ, đặt ra yêu cầu đến năm 2030 thầy cô phải đạt chuẩn. Đó cũng được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt cho môn Tin học, Ngoại ngữ.

Một số công việc quan trọng khác Bộ GD&ĐT đang triển khai như phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học; đề xuất thêm chính sách để các tỉnh khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó khăn có thể thu hút, tuyển được giáo viên; đề nghị không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học…

Ngoài vấn đề đội ngũ, một khó khăn lớn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học. Thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, kiến tạo chính sách, chỉ đạo sẽ do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm; còn chuẩn bị các điều kiện và triển khai thì địa phương có vai trò rất quan trọng.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị với các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cần đặc biệt quan tâm điều kiện triển khai đổi mới. Trong các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như chương trình dự án khác, ngành Giáo dục tăng cường việc kiên cố hóa trường học, chăm lo việc xây nhà ở công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường, cắm bản, vùng khó.

Tôi cho rằng, với ngành Giáo dục, có lẽ cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, Quốc hội các phương án tăng cường điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục. Nếu không có những điều kiện tối thiểu như đủ giáo viên, trường lớp; trường lớp được kiên cố, khang trang; đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa; đủ nhà vệ sinh cho trường học; đủ trang thiết bị cho giáo dục; đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động… thì chúng ta có nỗ lực cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Năm học 2023 - 2024, những việc ngành Giáo dục phải làm phía trước còn rất nhiều và thách thức. Tôi mong toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới; cố gắng, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, gương mẫu, đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.

Xin nhắc lại quan điểm tôi đã từng chia sẻ: Nhân tố quyết định thành công đổi mới GD-ĐT chính là đội ngũ nhà giáo.

Với học sinh, sinh viên, tôi mong các em sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập; tu dưỡng để đạt đến mục tiêu trở thành công dân tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Tôi mong các bậc phụ huynh, cơ quan truyền thông, báo chí và toàn xã hội tiếp tục đồng hành, chia sẻ, ủng hộ để ngành Giáo dục có một năm học mới thành công, góp phần vào thành công chung của sự nghiệp đổi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ