Bỏ ngành kinh doanh ôtô đến với trường mầm non

GD&TĐ - Tiếp xúc với anh Nguyễn An Nhơn, chủ Trường Mầm non Nhật Tân, quận Thủ Đức, TPHCM thật khó có thể tin được rằng: Một người đàn ông từng nhiều năm làm trong ngành kinh doanh xe hơi, ở vị trí quản lý của một thương hiệu ô tô đình đám lại có thể buông bỏ hết để dấn thân qua lãnh vực giáo dục mầm non, quyết tâm “khởi nghiệp” lại từ đầu. Nhưng nhìn vào những thành quả anh đạt được, ngay cả những người có thâm niên ở lĩnh vực giáo dục mầm non cũng ngưỡng mộ.

Bỏ ngành kinh doanh ôtô đến với trường mầm non

Bước ngoặt chuyển nghề

Công tác tại Công ty Toyota từ ngày vừa tốt nghiệp đại học, đến thời điểm anh Nhơn quyết định rời khỏi, là đúng mười lăm năm. Thời điểm đó, chức danh của anh là Tổng trưởng phòng kinh doanh, tương đương Giám đốc kinh doanh của những doanh nghiệp khác. Phải là dân trong nghề mới hiểu, để từ một “tay ngang” vươn lên vị trí ấy, hẳn phải có năng lực và biết bao cống hiến không nhỏ cho công ty…

Anh tâm sự chân tình rằng, vốn không chủ đích, mà anh đến với công việc này như là một sự tình cờ, khi cho con đi học mầm non cách đây gần mười năm, thấy chi phí thì cao nhưng mọi thứ mà bọn trẻ nhận lại không tương xứng.

Xung quanh có khá nhiều trường dành cho trẻ, nhưng không làm anh vừa lòng. Anh khao khát có một môi trường sạch đẹp, an toàn, đạt chuẩn, vừa túi tiền các ông bố bà mẹ, để cho trẻ con tung tăng vui chơi cả ngày. Vốn yêu mến trẻ con, anh thích được nhìn thấy những gương mặt hồn nhiên đáng yêu ấy hằng ngày; cảm giác mình ngày càng có tâm hơn, làm gì cũng đặt sự an toàn và phát triển toàn diện của trẻ lên hàng đầu.

Để bây giờ, hỏi anh, hồi xưa làm quản lý ngành xe hay ho lý thú thế nào, rồi sau này chuyển sang trường mầm non thì vất vả ra sao, anh cười, bảo không sao, mà kể hết những việc tỉ mỉ khi bắt tay vào chuẩn bị thành lập trường. Đặc biệt là ở bậc học dành cho những cậu bé, cô bé còn chưa biết… nhai cơm, đói hay lạnh đều chưa biết tỏ bày bằng lời, mọi thứ đều cần có cô giáo và bảo mẫu phục vụ.

Giáo dục tư thục là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tức là phải sắm sanh trang bị hết mọi thứ, từ cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý, các giáo viên… Tất cả phải sẵn sàng, chỉ còn đợi một sự chứng nhận, nôm na là cấp phép.

Nói thì dễ, nhưng bắt tay vào làm, quả không đơn giản. Không kiên nhẫn, yêu trẻ thì khó mà làm nổi cho ra tấm ra món. Còn vội vàng chụp giật, ăn xổi ở thì, anh tuyên bố, mình không bao giờ chấp nhận được.

Trước đây, thời còn làm trong ngành ô tô, bộ phận do anh quản lý có liên quan mật thiết tới doanh số của công ty. Nhân sự dưới quyền anh quản lý có khá đông nhân viên kinh doanh trực tiếp. Nhiệm vụ của anh là tổ chức, xúc tiến, lập kế hoạch để hoàn thành chỉ tiêu về doanh số, chỉ tiêu về sự hài lòng khách hàng, và nhiều chỉ tiêu khác nữa. Có quan tâm tới các tiểu tiết, thì cũng là báo cáo, sắp xếp lại vị trí làm việc, hay đôn đốc hậu mãi, chăm sóc khách hàng.

Chưa bao giờ anh nghĩ, mình sẽ có lúc “chịu” tự tay lựa từng cái ghế cái bàn cho lũ trẻ, vun xới trồng mấy cây xanh cho đẹp mát chốn trẻ con mỗi ngày tung tăng ấy. Anh tự thiết kế, xây dựng, lựa từng viên gạch, cẩn thận chi tiết mỗi món đồ chơi.

Từng có hôm, anh một mình thức quá nửa đêm chỉ để dọn dẹp sắp xếp cho được vừa ý. Thuở xưa quả là chỉ nghĩ nhiều tới doanh số, làm sao bán được nhiều xe, thu được nhiều tiền, chứ bảo hết lòng yêu nghề thì… Bây giờ, anh không thể hình dung là mình một ngày không lai vãng ngó qua các cơ sở của trường một cái, nếu không thì chẳng làm sao yên tâm được.

Điều hành theo phong cách người Nhật

Thời gian làm Toyota, anh Nhơn đã đúc kết rất nhiều kinh nghiệm lẫn các trải nghiệm chốn thương trường. Trưởng thành rồi phát triển, ấp ủ nhiều dự định lẫn hoài bão.

Cả về việc lập kế hoạch, quy trình hoạt động, quy trình đánh giá chất lượng, chú trọng đời sống nhân viên, quan tâm đến việc gắn kết, đặt khách hàng là trọng tâm mọi việc. Không ai có thể biết chạy mà chưa từng kinh qua tập đi và vấp ngã cả. Bản thân anh biết ơn về những năm tháng ấy, vì đã rèn cho mình thêm tính cách tỉ mỉ, chỉn chu, hướng về chất lượng.

Anh Nhơn thú nhận là bản thân dần chịu sự ảnh hưởng phong cách làm việc của người Nhật. Chú trọng đến chất lượng, quan tâm đến sự hài lòng của khách hàng. Đặt chất lượng và sự gắn kết của nhân viên lên hàng đầu. Biết tôn trọng con người, luôn luôn cải tiến trong công việc.

Coi trọng việc đào tạo nhân viên, quan tâm đến đời sống nhân viên. Mắt xích chính, là quá trình làm Toyota anh thu hoạch được những gì để áp dụng qua mầm non? Cho bản thân, cho công việc? Đó chính là khả năng có thể san bằng tất cả khó khăn, biết lên kế hoạch và thực hiện mục tiêu đề ra, khả năng giải quyết các mâu thuẫn nội bộ.

Kỹ năng thương thuyết, giải quyết vấn đề rốt ráo, khả năng truyền cảm hứng cho nhân viên, đào tạo cho đội ngũ kế thừa.

Ví như câu chuyện về camera của Nhật Tân cũng đáng để cha mẹ các em phải suy ngẫm. Rằng đầy đủ hết mọi ngóc ngách, bảo đảm trẻ luôn trong tầm mắt được giám sát toàn bộ mọi hoạt động trong suốt thời gian ở trường. Nhưng không phải cha mẹ cứ chăm chăm dõi theo con là tốt, là cần thiết, là nhất định phải thế. Trẻ nhỏ cũng cần được tôn trọng sự riêng tư.

Nhật Tân đã có hai điểm trường khang trang, hoạt động ổn định và lâu dài. Dù dự định của anh Nhơn về giáo dục mầm non còn nhiều ấp ủ khác nữa. Bây giờ, phụ huynh tin tưởng gởi gắm con em. Người dân xung quanh hoặc khách vãng lai ngang qua, trầm trồ trước ngôi trường khang trang.

Phường Linh Đông, quận Thủ Đức mới đây vừa trao tặng anh Nhơn bằng khen về việc góp phần chăm lo cho cuộc sống người dân quanh khu vực anh sinh sống. Chương trình “Hoa việc thiện” của hội Chữ thập đỏ địa phương cũng thường xuyên vinh danh gia đình anh và nhà trường.

Không muốn nhắc nhiều tới các hoạt động thiện nguyện từng làm, anh chỉ ngắn gọn chia sẻ rằng, đừng bao giờ đặt lợi nhuận lên hàng đầu khi quyết định đầu tư, cũng như dấn thân vào ngành giáo dục. Bởi vì nếu có máu kinh doanh, ham tiền, người ta đã tính tới những phương án làm ăn nhàn hạ, an toàn, sinh lời nhanh và đỡ nhọc nhằn hơn hẳn. Chỉ có lòng say mê và yêu trẻ thì mới có thể trụ lại được trong ngành giáo dục mầm non mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ