Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đại diện cho lãnh đạo Bộ lắng nghe và trao đổi với các đại biểu. Đây là hoạt động nằm trong chương trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, diễn ra tại Hà Nội từ 10 đến 12/12.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trình bày những tham luận chia sẻ về các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với công tác giáo dục lí tưởng cách mạng đạo đức lối sống cho HSSV tại địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Hương- Phó bí thư Huyện đoàn Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết: Hoạt động trải nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thời gian qua đã được ngành GD-ĐT chú trọng hơn.
Các đại biểu trình bày tham luận tại diễn đàn
Việc này thể hiện qua đổi mới nội dung sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, các hoạt động chuyên đề, các chương trình dã ngoại, hoạt động từ thiện, các diễn đàn, câu lạc bộ đa dạng trong các nhà trường.
Tuy nhiên, việc trải nghiệm, nhằm giáo dục kĩ năng sống, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vẫn gặp hạn chế, do thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu kinh phí và đặc biệt không có thời gian...
Các đại biểu tham dự diễn đàn
Còn đại biểu Vương Toàn Thu Thủy- Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng cho biết: Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh từ lâu gần như bỏ ngỏ trong nhà trường. Nếu có, chỉ là những dự án nhỏ lẻ, manh mún, chưa chuyên nghiệp.
Do vậy, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các nhà trường sớm đưa nội dung trải nghiệm, các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV vào chương trình chính khóa. Trên cơ sở đó, các Sở GD&ĐT có kế hoạch đề xuất đầu tư về con người và các điều kiện thực hiện.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh đề nghị: Các hoạt động giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống cho học sinh cũng cần phải hướng đến không chỉ dành cho học sinh, mà mở rộng ra cho thầy cô giáo và cha mẹ học sinh cùng tham gia với các em để trải nghiệm, đồng cảm, gắn kết và yêu thương.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trò chuyện cùng các đại biểu tham dự diễn đàn
Ngoài ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong việc thực hiện đề án hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025, sáng tạo nghiên cứu khoa học trong HSSV, giáo viên, giảng viên trẻ. Việc học tin học ngoại ngữ trong nhà trường cũng được các đại biểu chia sẻ.
Tiếp thu những đề xuất kiến nghị của đại biểu, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định trong thời gian tới, Bộ sẽ có cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong nhà trường và thúc đẩy giáo viên giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học sáng tạo.