Đôi khi bố mẹ đã giúp đỡ con cái quá nhiều. Chúng ta chẳng thể sống thay cuộc sống của con trẻ mà nhiệm vụ của chúng ta là cùng con lớn lên, cho con tự trải nghiệm và đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Thế nên, có những điều nếu bố mẹ cứ làm thay cho con mãi, bạn đã tước đoạt quyền được quyết định, chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, con sẽ chẳng thể nào lớn lên và như thế là bạn đã làm hại con chứ không phải thương con.
Nói thay, trả lời thay con
Tất cả sẽ bắt đầu với giây phút con của bạn nhận được câu hỏi: "Cháu tên gì thế?" và ngay lập tức bố mẹ thay con trả lời tên của mình. Điều này sẽ chấp nhận được nếu con bạn đang học nói nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều bố mẹ đã trả lời thay cho con dù con đã nói sõi hay thậm chí khi con đã học cấp 1. Chúng ta đã lấy đi cơ hội để con được tự trả lời, để con được học cách giao tiếp. Bạn có thể gợi ý cho trẻ về điều nên nói nhưng hoàn toàn không được trả lời thay con.
Hãy để con học cách giao tiếp bằng việc tự trả lời tên của mình.
Lần tới, nếu bạn có ý định nói thay cho con, trước hết hãy tự ngăn bản thân mình lại. Hãy để con tự trả lời cho câu hỏi dành cho mình nhé.
Làm bạn của con
Rất nhiều bố mẹ cố gắng trở thành bạn của con và họ không muốn con có bất kì bí mật nào với mình cả. Cũng dễ hiểu vì sao bố mẹ lại muốn như thế nhưng hãy cố gắng xem xét điều này kĩ hơn một chút. Như thế nào là bạn bè? Đó là một người mà bạn có thể nói chuyện bình đẳng ở mọi vấn đề. Đó là cách chúng ta vẫn hay dùng để cư xử với bạn bè.
Tuy nhiên, bố mẹ có một vai trò khác: bố mẹ quan tâm và yêu thương con cái. Đó là lý do chúng ta chẳng cần phải cố gắng trở thành bạn thân của con. Hãy để con tự tìm bạn cho mình giữa những đứa trẻ đồng trang lứa và bố mẹ vẫn mãi ở đó mỗi khi trẻ cần được yêu thương và hỗ trợ. Gần gũi với con nhưng đừng quá cố gắng để trở thành một người bạn của con mà thay vào đó, học cách hỗ trợ, tôn trọng con.
Những gì con muốn và con cần
Chúng ta đều biết bông cải xanh dinh dưỡng hơn kẹo rất nhiều và một đôi giày mới sẽ có ích hơn búp bê. Nhưng chưa chắc con cái hiểu được điều này, thế nên nhiệm vụ của bố mẹ là phải giúp con nhận ra điều con muốn và điều con cần. Hãy cùng con tìm hiểu, xác định những 2 khái niệm này bằng những cách tiếp cận nhẹ nhàng, bình tĩnh. Như vậy con sẽ dễ dàng chấp nhận hơn là dùng uy lực ép buộc.
Giúp đỡ con quá nhiều
Trẻ 2 và 3 tuổi có thể tự thay quần áo, rửa cốc nước và cho quần áo bẩn vào máy giặt. Một điều quan trọng ít bố mẹ nào nhận ra đó chính là ở lứa tuổi này, trẻ rất thích tự làm mọi thứ. Thế nhưng người lớn lại luôn nghĩ rằng trẻ con sẽ làm hỏng mọi thứ nên hiếm khi để con tự làm. Với suy nghĩ đó, bố mẹ đã đút cơm cho con, thay quần áo cho con... không cho con được tự làm, thử thách bản thân để đúc kết kinh nghiệm cho mình.
Và cuối cùng thì chính bố mẹ lại rơi vào tâm trạng buồn bã, ngạc nhiên khi con đến tuổi thiếu niên mà vẫn không thể tự làm được nhiều thứ hay không muốn giúp đỡ bố mẹ. Điều duy nhất bạn nên làm trong vấn đề này chính là hãy để con tự làm mọi thứ càng nhiều càng tốt.
Chọn thị hiếu cho con
Chúng thường cố gắng áp đặt thị hiếu âm nhạc, sở thích đọc sách, gu thời trang lên con cái của mình. Bạn nghĩ rằng đó là một ý định tốt nhưng thực tế nó lại đánh mất đi bản chất riêng của một đứa trẻ. Trong nhiều trường hợp, nó sẽ dẫn đến một sự phản kháng và trẻ sẽ làm điều hoàn toàn ngược lại so với những gì bạn đã truyền đạt đến con.
Vậy bố mẹ nên làm gì? Hãy xem những bộ phim, nghe những bản nhạc mà bạn yêu thích rồi thảo luận những đề tài đó với con.
Giữ tiền thay con
Ở một giai đoạn nào đó trong đời, trẻ con sẽ có một khoản tiền riêng, ví dụ như tiền mừng tuổi. Những gì bạn không nên làm là cố gắng truy hỏi con đang có bao nhiêu tiền hay yêu cầu con đưa tiền để bố mẹ giữ. Điều tệ nhất là bạn kiểm tra túi của con để tìm ra số tiền này. Hành động này sẽ giết chết sự tin tưởng mà trẻ đã dành cho bố mẹ. Liệu có thực sự quan trọng về việc con cái có bao nhiêu tiền? Hãy để trẻ học cách tiết kiệm, dạy con về cách sử dụng tiền và để con tự có trải nghiệm riêng.
Chọn sở thích cho con
Mẹ muốn con gái biết đàn, biết múa và sẵn sàng đưa đón con đi học đàn, học múa mỗi tuần vài ngày. Bố muốn con trai chơi bóng đá mỗi tối. Đó là những điều bố mẹ đang làm với quan điểm "tốt cho con" nhưng không hề quan tâm liệu con có thích hay không. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn và quan sát con. Nhận ra những sở thích, khuynh hướng của con. Hỏi con điều con thích và để con phát triển trong lĩnh vực này.
Chọn quà thay con
Khi một đứa trẻ đã có thể nói, hãy để con có quyền tự chọn những món quà cho mình và đó không nhất thiết phải là một chiếc áo thun hay đồ chơi để phát triển trí tuệ như bạn mong muốn. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng để con chọn lựa nhưng những khi có thể, hãy cho con có quyền này, được đưa ra quyết định và đối mặt với những hậu quả. Những kỹ năng như thế không bao giờ thừa khi con trưởng thành.
Áp đặt cuộc sống riêng của con
Điều này đặc biệt đúng với những bố mẹ có con trong lứa tuổi vị thành niên. Con có bạn bè và có cảm giác thích một người bạn, điều này hoàn toàn bình thường, hoàn toàn tự nhiên. Những câu hỏi điều tra như: "Đó là ai?" chỉ khiến con khó chịu. Con sẽ chỉ chia sẻ với bố mẹ những điều riêng tư khi con cảm thấy an toàn. Thế nên thay vì truy hỏi con, hãy để con có không gian riêng. Đừng hỏi quá nhiều câu hỏi nếu bạn thấy rằng con không muốn chia sẻ chi tiết. Và tất nhiên, bạn không bao giờ được lén đọc tin nhắn, nhật kí của con.