Khoe con: Lợi bất cập hại

GD&TĐ - Có những lời khen mang đến cho trẻ những phấn khích, để chúng thêm nghị lực thực hiện được những mục tiêu phía trước. Tuy nhiên, nhiều khi những lời khen nhận được bắt đầu từ việc khoe con, khiến chính những đứa trẻ không cảm thấy thoải mái. Ngược lại có trẻ tự cảm thấy áp lực đến với mình.

Khoe con: Lợi bất cập hại

Khoe con quá mức, nên hay không?

Vừa qua khi các thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT biết kết quả, cũng là lúc trên các mạng xã hội nở rộ những lời khoe con của các bố mẹ. Chí ít cũng là “may quá cháu đã đỗ được trường như ý” hay “con đã chiến thắng giành được suất vào trường A, trường C”… Thậm chí trong niềm vui vỡ òa đó, nhiều cha mẹ đã khoe con mà không để ý tới lẽ thiệt hơn cho con trẻ. Kiểu như: “Con đỗ cả ba trường chuyên rồi, giờ lại đau đầu về việc chọn trường”, hay “Nhờ cả nhà FB tư vấn giúp con chọn chuyên Am hay chuyên Ngữ”…

Việc vui mừng của cả gia đình là điều dễ hiểu bởi không chỉ có mình con tham gia vượt vũ môn, mà có tới hai ba năm ròng bố mẹ phải đầu tư về kinh tế, thời gian, công sức để đưa đón con tới các lò luyện.

Tuy nhiên nếu các phụ huynh suy xét kỹ thì nên cân nhắc khi đưa ra những lời khen tặng cho con dù là trực tiếp hay gián tiếp. Thường thì sau mỗi lời chia sẻ chuyện con đỗ vào các trường danh tiếng là “cơn mưa” những lời chúc mừng, khen tặng. Và chắc chắn bạn không thể nào kiểm soát được mức độ khen tặng mà người thân, bạn bè dành cho con cái mình.

Những lời khen đúng mức sẽ có tác dụng động viên con cố gắng, vì đây cũng chỉ là những chặng ban đầu trên con đường phía trước. Nhưng nếu như nhận được quá nhiều lời khen cùng lúc trẻ sẽ nảy sinh suy nghĩ “ngủ quên trên chiến thắng”. Thậm chí có những lời khen tung hô trẻ quá mức khiến trẻ tự mãn kiêu căng. Song nguy hiểm hơn chính những lời khen ấy lại tạo thêm áp lực cho trẻ.

Đừng tạo thêm áp lực đối với trẻ

Chắc hẳn nhiều phụ huynh vẫn còn nhớ tâm trạng chia sẻ của một cô bé học ở trường chuyên về sự cô độc của mình trên mạng xã hội những năm trước đây: “Vào trường A., con phải cố gắng hòa đồng với mọi người, cố gắng “có gì thì đóng góp cho hoạt động tập thể”, cố gắng “từ chối lời mời của mấy đứa nhà giàu bởi mình sẽ không mời lại được, và mình sẽ bị khinh”. Trong khi ở X con có nhiều bạn bè thân thiết, trường làng nên chẳng phải đóng góp hoạt động gì cả, mời nhau ăn cái nem chua cũng không thấy ngại.

Trường A. con phải dậy sớm, chen chúc trên xe bus, mệt mỏi. Còn ở X, con có thể ngủ đủ giấc, có thể đạp xe đến trường, tỉnh táo. Ở trường A., con phải theo kịp kiến thức nâng cao, theo kịp các bạn, phải nghe mắng khi “điểm kiểm tra thế này thì học hành gì?!”. Còn ở X, mọi kiến thức đều là cơ bản, con thừa sức giành điểm 9, 10.

Không thể phủ nhận về năng lực học tập và khả năng phát huy tố chất ở các trường chuyên. Tuy nhiên không phải bạn trẻ nào cũng có thể phù hợp và đáp ứng với việc học tập ở môi trường này. Bởi vậy có thể có những thí sinh thi đỗ vào trường chuyên do ôn luyện chăm chỉ song vẫn gặp những khó khăn và áp lực khi theo học do tố chất và khả năng chưa đủ để theo học tại môi trường này. Vậy nên muốn khoe con, bố mẹ cũng nên đứng về phía con để cân nhắc nên hay không nên.

Có những học sinh khi được hỏi về việc có thích nhận được lời khen tặng khi mình đạt được thành tích hay không, đa phần các em đều trả lời là thích. Tuy nhiên số đông đều bày tỏ suy nghĩ của mình: Việc nhận được nhiều lời khen cũng đồng nghĩa với việc các em phải liên tục cố gắng để giữ vững và vượt lên trên thành tích đã đạt được. Nên nhiều khi các em cảm thấy mệt mỏi.

Đặc biệt là khi đã vượt được những kỳ thi cam go thì sau đó áp lực của các em lại càng tăng. Bởi khi con bạn nhận được quá nhiều lời khen tặng của những người xung quanh sẽ đồng nghĩa với việc con sẽ có thêm những áp lực. Và như vậy chắc chắn trẻ sẽ phải gồng mình hơn trong cuộc sống và học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ