Con gái đầu lòng

GD&TĐ - Ba đi công tác xa, tiễn ba ra sân bay mà con cứ cười tít mắt, để lộ hai cái lúm đồng tiền đáng yêu quá chừng. Những ngày vắng ba, tối nào hai mẹ con cũng lên mạng nói chuyện với ba ít phút. Mẹ để con ngay ống kính webcam, chỉnh rõ và to cho ba nhìn mặt. Con gái xuất hiện trước mặt ba như một thiên thần.

Con gái đầu lòng

Ba đi chưa đầy một tháng mà con đã “trưởng thành” hơn, bụ bẫm hơn, đặc biệt là nụ cười duyên hơn rất nhiều. Dường như con không quen với webcam nên mẹ phải cố gắng làm đủ thứ trò con mới chịu cười. Khoảnh khắc ấy thật đáng yêu làm sao! Mẹ kể, thỉnh thoảng mẹ cũng lấy hình của ba cho con xem, những lần ấy con đều cầm hình ba hôn lấy hôn để, nhưng tuyệt nhiên mẹ chẳng thấy con nhắc đến ba.

Mọi người đùa: “Con gái quên béng mất ba rồi”. Mẹ cũng thường nói “có” mỗi khi ba hỏi mẹ: “Con gái có hay hỏi thăm ba không?” vì sợ ba buồn. Dù thế nhưng mẹ bảo, tự thâm tâm (có lẽ từ cảm nhận của một người mẹ thì đúng hơn), mẹ vẫn nghĩ con không thể quên ba dễ dàng như vậy.

Rồi cũng đến ngày ba trở về. Con đang ngủ, mẹ không dám đánh thức con dậy, thế nhưng thấy ồn ào, con bật dậy và khóc. Chợt thấy ba, con nhìn sững, lạ lẫm. Sau 5 phút “lấy lại tinh thần”, con bắt đầu líu lo, sà vào lòng ba và tiếp sau đó là màn “đối nhãn”: con gái thức trắng, mắt chăm chăm nhìn ba, tay thì vòng qua cổ ba, buộc ba phải nằm nghiêng đối mặt với con, dứt khoát không cho ba nhắm mắt hay quay đi chỗ khác. Mẹ vừa ru, vừa dỗ dành lẫn... dọa nạt nhưng con quyết không ngủ. Đến tận 4 giờ sáng, sau bao cố gắng của mẹ, con mới chịu ngủ tiếp.

Một tuần liền sau đó, con gái cho mẹ... “ra rìa”. Ngủ dậy là đòi ba, ba đi làm về thì tíu tít bên ba, mẹ rủ đi chơi cũng không thèm. 25 tháng tuổi, con không thể diễn đạt cảm xúc bằng lời, nhưng nhìn hành động của con, ba mẹ đều hiểu điều con muốn nói: “Con nhớ ba nhiều lắm”. Đến lúc này thì ba tin, cảm nhận của mẹ đã đúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.