Tỷ lệ tăng dân số đã giảm
Nhân ngày Dân số thế giới (11/7), Bộ Y tế, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam đã tổ chức lễ mít tinh với chủ đề “Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững” tại Hà Nội nhằm tái khẳng định sự cam kết và hỗ trợ các tiếp cận và phổ cập các dịch vụ KHHGĐ, qua đó, nâng cao chất lượng dân số của Việt Nam.
Tại buổi lễ, nhắc lại thành tựu trong công tác KHHGĐ của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho thấy, tỷ lệ tăng dân số từ hơn 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn khoảng 1%/năm vào năm 2016. Số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,6 con từ đầu thập niên 60 xuống còn 2,09 con vào năm 2006, đạt mức sinh thay thế và duy trì ổn định trong suốt hơn 10 năm qua.
Tỷ lệ các cặp vợ chồng được bảo vệ bằng các biện pháp tránh thai đã tăng nhanh từ 53,7% năm 1993 lên 77,6% năm 2016. Tình trạng sức khoẻ bà mẹ trẻ em, sức khoẻ sinh sản được cải thiện rõ rệt, thể hiện qua tỷ số tử vong mẹ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em được giảm nhanh.
Chất lượng dịch vụ KHHGĐ còn thấp
Mặc dù đã giảm được mức sinh, giảm được tốc độ gia tăng dân số nhưng công tác KHHGĐ tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, thể hiện ở nhóm giới trẻ chưa kết hôn, khoảng trống về cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, trong đó có kiến thức giáo dục giới tính toàn diện.
GS Nguyễn Đình Cử (Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em) cho rằng, một trong những thách thức này là việc thực hiện các biện pháp tránh thai chủ yếu vẫn là phụ nữ và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống còn cao. Theo khảo sát, năm 2016, trung bình cứ khoảng 5 phụ nữ thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại mới có một nam giới thực hiện.
Đây cũng là một biểu hiện của bất bình đẳng giới nghiêm trọng trong KHHGĐ, cần giảm và loại bỏ. Trong khi đó, các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả nhưng tỷ lệ áp dụng vẫn cao (chiếm 13,4%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực). Bên cạnh đó, khi sử dụng các biện pháp hiện đại như uống thuốc tránh thai, BCS... nhưng lại không liên tục khiến nhiều cặp bị “vỡ kế hoạch”.
Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam, hiện nay các biện pháp tránh thai chủ yếu dành cho phụ nữ, do đó cần phải tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi mạnh mẽ để khuyến khích nam giới tham gia vào KHHGĐ.
Tổng cục Dân số - KHHGĐ cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để giảm thiểu sử dụng các phương pháp truyền thống và tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Các biện pháp tránh thai sẽ giúp trẻ em gái không mang thai ở lứa tuổi vị thành niên, thay vào đó là có cơ hội được tiếp tục học tập, phát triển trong tương lai. Đồng thời, giúp các bà mẹ không sinh quá nhiều con để dành sức khoẻ và vật chất để đầu tư cho con cái và cuộc sống của mình.