Bộ GD&ĐT tập huấn công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong giáo dục

GD&TĐ - Ngày 28/12, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (Ban VSTBPN), Bộ GD&ĐT, tổ chức Hội nghị tập huấn công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới năm 2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT, Nguyễn Viết Lộc phát biểu khai mạc hội nghị.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT, Nguyễn Viết Lộc phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban VSTBPN, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại hiện nay. Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần mang lại sự bình đẳng thực chất để mỗi công dân, mỗi phụ nữ Việt Nam được sống trong xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và nhân văn.

Theo ông Lộc, việc thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế cũng là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành.

“Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban VSTBPN, Bộ GD&ĐT, đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nổi bật như Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch bình đẳng giới. Công tác tập huấn vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới là hoạt động thường xuyên, quan trọng nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, từng bước đưa công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới tại các đơn vị ngày càng thực chất, hiệu quả”, ông Lộc cho hay.

Thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ mong muốn Ban VSTBPN và toàn ngành giáo dục tiếp tục tạo nên những kết quả nổi bật trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Ông Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trình bày tham luận tại hội nghị.
Ông Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trình bày tham luận tại hội nghị.

Tham luận tại Hội nghị, ông Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chia sẻ, tính đến năm 2019, nữ giới chiếm 94,6% tỷ lệ biết chữ của dân số; tỷ lệ nữ có bằng thạc sỹ, tiến sỹ là 38,4%. Số năm đi học bình quân của nữ giới là 8,7 năm.

Tại Việt Nam, dù chưa có đánh giá toàn diện, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội nhưng mức độ ảnh hưởng đối với nam và nữ là khác nhau, làm tăng khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Lương cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Đề xuất xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, đề án, mô hình thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp với điều kiện của bộ, ngành, địa phương.

Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được nghe và phổ biến thông tin về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-20230 và Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.

Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về khó khăn, chia sẻ sáng kiến và giải pháp tiến tới xoá bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục nhằm đảm bảo hoạt động bình đẳng giới thực chất, hiệu quả, tiến tới hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.