Đây được xem là một điểm sáng của ngành trong nhiều năm qua.
Vấn đề giới trong giáo dục mầm non
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các khuôn mẫu giới được hình thành rất sớm từ những năm đầu đời của trẻ và có ảnh hưởng tới suốt cuộc đời của mỗi người. Tại Việt Nam, nhiều giáo viên và phụ huynh tin rằng trẻ trai và trẻ gái cần được nuôi dạy để ‘trai ra trai, gái ra gái’, đồng nghĩa với việc con trai thì phải mạnh mẽ nên có thể chơi ở góc xây dựng, và chơi những trò chơi vận động, còn con gái thì phải nhẹ nhàng nên có thể chơi ở góc bán hàng, gia đình, và chơi những trò chơi nhẹ nhàng. Quan điểm này khiến cho quá trình nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trong gia đình và nhà trường có sự phân biệt rõ rệt, và làm hạn chế cơ hội được trải nghiệm, học tập, và phát triển của trẻ.
Kể về chính câu chuyện của mình, cô Nguyễn Thị Xuân, giáo viên lớp mẫu giáo lớn, trường mầm non Hoa Mai, Kon Tum chia sẻ: “Trước đây, trong quá tình giảng dạy, tôi vẫn còn mang rất nhiều những khuôn mẫu và định kiến giới mà tôi thậm chí còn không biết điều đó. Tôi bố trí và trang trí các góc trong lớp học có sự phân biệt: góc xây dựng chỉ có hình ảnh bé trai, góc nghệ thuật, nấu ăn chỉ có hình ảnh bé gái. Hoặc là khi tổ chức các hoạt động ngoài trời, các trò chơi tương tác, tôi cũng chia nhóm nam và nhóm nữ riêng, và phân việc cho các con theo giới tính. Hoặc đôi khi trực tiếp nói với các con rằng con trai thì không nên thế này, còn con cái thì phải thế kia.”
Trên thực tế, cả giáo viên và phụ huynh chưa nhận thức được những khuôn mẫu giới còn đang tiềm ẩn nặng nề trong cách nuôi dạy và giáo dục trẻ thơ. Do vậy, những định kiến giới này ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tính cách, hạn chế sự thể hiện bản thân và phát triển đa dạng của trẻ.
Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ
Từ năm 2017 đến nay, VVOB phối hợp cùng ngành giáo dục mầm non tỉnh KonTum thực hiện chương trình Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống (BAMI) với nhận định: “Giới” là một khía cạnh trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời xác định: giáo viên chính là nhân tố then chốt tạo nên sự thay đổi trong việc đưa đáp ứng giới vào trong các hoạt động vvà môi trường giáo dục mầm non để giúp trẻ phát triển một cách tự nhiên và phát huy tối đa tiềm năng của trẻ.
Tham gia vào dự án từ những ngày đầu, cô Nguyễn Thị Xuân chia sẻ rằng nhờ các buổi tập huấn giáo viên đã hiểu thêm về giới, về quyền bình đẳng của mọi trẻ em trong việc vui chơi, học tập, và trải nghiệm cho dù là trai hay gái. Cô kể lại: “Tham gia tập huấn với VVOB xong, việc đầu tiên tôi áp dụng vào lớp là tôi sắp xếp, bố trí lại không gian lớp học, thay đổi toàn bộ hình ảnh ở các góc lớp đảm bảo có cả hình ảnh bé trai và bé gái. Tôi bổ sung thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi mang tính gợi mở với nhiều màu sắc khác nhau, góc phân vai và các hoạt động ngoài lớp cũng không phân biệt trẻ trai hay trẻ gái… Tôi cũng bắt đầu quan sát lắng nghe, trò chuyện giải thích cho trẻ hiểu và cho trẻ xem các hình ảnh, video về các nghề trong xã hội như: nghề bộ đội thì có chú bộ đội, cô bộ đội, nghề đầu bếp có chú đầu bếp, cô đầu bếp, hình ảnh gia đình có bố nấu ăn, chăm sóc em bé và từ đó trẻ sẽ hiểu tất cả mọi người đều được học tập và làm việc như nhau.”
Bên cạnh việc thay đổi từ bên trong lớp học, các giáo viên ở KonTum cũng là nhân tố chính trong việc kết nối với gia đình, thực hiện nhiều hoạt động có sự tham gia của bố mẹ trẻ, thông qua đó nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ gia đình trong việc tạo môi trường phát triển đa dạng cho trẻ, giúp trẻ tự do thể hiện bản thân và phát triển tính cách. Sự đồng hành của gia đình trẻ là nhân tố quan trọng trong những thành công bước đầu này.
“Thành công lớn nhất của tôi là xóa bỏ được định kiến về giới của bản thân, mạnh dạn thay đổi và được thấy tất cả các con được tham gia chơi và học tập vui vẻ - tích cực – tự nhiên; mạnh dạn, tự tin trao đổi với bạn bè và thầy cô. Đặc biệt, trẻ không còn rụt rè, không còn sợ bị đánh giá (con trai mà thế này, con gái mà thế kia...) và hứng thú với việc học hơn trước. Tôi tin rằng điều này sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn trong tương lai” – cô Xuân chia sẻ.
Giáo dục đáp ứng giới và xóa bỏ rào cản về giới trong tiếp cận giáo dục từ mầm non là một hành trình dài. Trong đó, giáo viên và cha mẹ trẻ chính là những người gần gũi nhất, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giúp trẻ hình thành thái độ, hành vi, và phát triển tính cách. Việc nhận diện những khuôn mẫu giới, và đưa đáp ứng giới vào trong giáo dục mầm non sẽ giúp trẻ có một tuổi thơ tốt đẹp, và hướng tới một tương lai tươi sáng, hạnh phúc và không có bạo lực. Vì vậy, những gì các giáo viên mầm non tại KonTum thực hiện trong những năm qua được đánh giá là một nỗ lực lớn của bản thân từng giáo viên, cũng như của ngành giáo dục mầm non tỉnh KonTum với sự hỗ trợ hiệu quả của VVOB Việt Nam.
Xem thêm thông tin về dự án BAMI và các dự án khác của VVOB Việt Nam tại: https://vietnam.vvob.org/vi
*Tên của nhân vật và trường mầm non đã được thay đổi