Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với thầy Đỗ Anh Phương về thực tế tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học tại trường THCS Nhuế Dương.
- Thưa ông, có thể hình dung tổ chức lớp học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học ở nhà trường là như thế nào?
* Người thầy cần xác định mục tiêu cần đạt của tiết dạy là thay vì giảng giải thuyết trình bằng việc giao nhiệm vụ cho học sinh hoạt động cá nhân, cặp đôi, hoạt động nhóm tạo điều kiện cho các em có sự chia sẻ với bạn bè, trao đổi ý kiến của mình, nhận xét ý kiến của bạn, tương trợ lẫn nhau… dưới sự điều hành giúp đỡ của giáo viên.
Vậy việc điều hành tổ chức hoạt động cho học sinh như thế nào để hiệu quả hoàn toàn do giáo viên chủ động linh hoạt sáng tạo, vận dụng ở từng lớp học, bài học, tiết học…. Khi học sinh được hoạt động, được thực hành sẽ bộc lộ khả năng, tố chất và năng lực phẩm chất của mỗi học sinh. Giáo viên có thể bố trí học sinh ngồi theo nhóm hoặc ngồi học theo kiểu truyền thống tùy thuộc vào sĩ số của lớp.
- Trước khi triển khai dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, nhà trường phổ biến kế hoạch đến phụ huynh thế nào? Có phụ huynh nào không muốn áp dụng cách dạy này cho con em họ không, thưa ông?
* Trước khi triển khai, chúng tôi đã cho họp cha mẹ học sinh của khối 6 vào cuối năm học 2014 – 2015. Nội dung họp tập trung tuyên truyền về ưu thế của mô hình Trường học mới, khẳng định nội dung về SGK vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng.
Chúng tôi mời cha mẹ học sinh xem các video về dạy học mô hình Trường học mới, phụ huynh được trải nghiệm dự giờ một số tiết học do giáo viên nhà trường trực tiếp dạy.
Cùng với việc đó thì nhà trường cũng tuyên truyền về mô hình trường học mới trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Với sự tuyên truyền kỹ lưỡng đó, khi triển khai mô hình Trường học mới không có cha mẹ nào phản đối vì họ đã hiểu rõ bản chất của dạy học theo mô hình trường học mới chỉ là thay đổi hình thức tổ chức dạy học, chương trình SGK vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, đây chính là nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại.
Các trường bạn đến trường THCS Nhuế Dương học tập kinh nghiệm tổ chức lớp học theo mô hình Trường học mới |
- Thông thường khi đổi mới dạy học, giáo viên thường ngại ngần vì họ phải mất nhiều công trong soạn giáo án, mất nhiều thời gian chuẩn bị bài trước khi lên lớp, rồi còn phải nâng cao trình độ… Nhà trường làm thế nào để giáo viên đều đồng lòng, đoàn kết cùng tập thể đổi mới, sáng tạo trong dạy - học?
* Ban đầu khi bắt đầu thực hiện giáo viên băn khoăn liệu mô hình này có mang lại hiệu quả hay không? Để tháo gỡ băn khoăn trên nhà trường đã tổ chức họp hội đồng sư phạm phổ biến phân tích cho giao viên hiểu bản chất của mô hình Trường học mới, phân tích cái mới ban đầu thực hiện bao giờ cũng gặp khó khăn nhưng nếu dành tâm huyết, trách nhiệm thì khó khăn mấy cũng thực hiện được.
Sau khi tất cả các giáo viên đã thông về mặt tư tưởng, nhà trường tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu trao đổi học hỏi kinh nghiệm với các trường bạn, các trường tiểu học đã triển khai mô hình Trường học mới để học hỏi.
Sau một thời gian thực hiện thấy mô hình Trường học mới có nhiều ưu điểm tiến bộ đặc biệt là: Giáo dục được kỹ năng sống cho học sinh các em tự tin khi giao tiếp và chủ động hơn, mạnh dạn hơn rất nhiều.
Thấy được hiệu quả cho học sinh nên giáo viên quyết tâm mà không ngại thay đổi. Mặt khác giáo viên của tôi được Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT cùng nhà trường tập huấn rất kỹ lưỡng nên tự tin triển khai, linh hoạt sáng tạo.
- Sau một thời gian triển khai dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, bài học kinh nghiệm được nhà trường rút ra là gì, thưa ông?
* Về công tác chỉ đạo, Ban Giám hiệu nhà trường nghiên cứu kỹ các văn bản để hiểu bản chất của dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; phải xác định rõ đổi mới là yêu cầu tất yếu của giáo dục, từ đó mạnh dạn, quyết tâm đổi mới, nhận thấy dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học có nhiều ưu điểm phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay.
Giáo viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn, chủ động tiếp cận cái mới sẵn sàng thay đổi để đem lại những hiệu quả học tập cao hơn cho học sinh.
Nhà trường lựa chọn các đồng chí có trách nhiệm cao, có năng lực tổ chức tốt để phân công dạy lớp học theo mô hình trường học mới.
Nhà trường xây dựng kế hoạch chỉ đạo riêng cho việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Giáo viên trong trường phải tham dự đầy đủ các lớp tập huấn và tiếp tục học tập tìm hiểu, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học thông qua sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp cụm trường, tổ chức các chuyên đề để thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học chủ yếu là về cách thức tổ chức dạy học, để chia sẻ, rút kinh nghiệm kịp thời.
Tôi cho rằng điểm cốt lõi của vấn đề đổi mới là cần linh hoạt trong công tác chỉ đạo cũng như công tác tổ chức dạy học nhằm phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của giáo viên và học sinh.
- Với tư cách là người quản lý, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình để có thể triển khai thành công việc đổi mới dạy học?
* Bản thân Ban Giám hiệu, đặc biệt là người đứng đầu phải tâm huyết trách nhiệm hiểu sâu sắc bản chất của sự thay đổi để chỉ đạo vận dụng linh hoạt sáng tạo không máy móc không áp đặt. Bên cạnh đó, việc thay đổi cách đánh giá giáo viên, đánh giá học sinh là rất cần thiết.
Phải tăng cường việc kiểm tra đánh giá trên tinh thần động viên khuyến khích để giáo viên đổi mới. Xây dựng lực lượng cốt cán của nhà trường để truyền đạt kinh nghiệm bồi dưỡng cho toàn thể giáo viên nhà trường.
Song song với đó, mọi băn khoăn, thắc mắc mọi khó khăn trong giảng dạy: được họp bàn tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, người hiệu trường cần là tuyên truyền viên giỏi để phổ biến , giải đáp thắc mắc của giáo viên, làm tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi cha mẹ học sinh, các đoàn thể, doanh nghiệp ủng hộ mọi mặt về tinh thần, vật chất cho quá trình đổi mới.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!