Triển khai VNEN ở vùng cao Thanh Hóa

GD&TĐ - Là một trong những tỉnh tiên phong trong việc triển khai Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), năm học 2017 - 2018, sau 6 năm thực hiện, Thanh Hóa vẫn tiếp tục duy trì ở hai cấp tiểu học và THCS. Tuy nhiên, nhiều trường ở khu vực miền núi đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Bài toán cơ sở vật chất

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học 2017 - 2018, bậc tiểu học có tổng số 91 trường của 27 huyện, thị, thành phố triển khai Mô hình VNEN. Trong đó, có 1 trường nhân rộng toàn phần mô hình là Trường Tiểu học Yên Phong (Yên Định) tiếp tục thực hiện toàn phần Mô hình VNEN ở tất cả các lớp 2, 3, 4, 5 và áp dụng từng phần mô hình ở tất cả các lớp 1. Đối với bậc THCS, có 44 trường tiếp tục triển khai mô hình, giảm 34 trường so với năm học 2016 - 2017.

Trước đó, thực hiện Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT về việc rà soát, đảm bảo các điều kiện triển khai Mô hình Trường học mới, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có Công văn số 1891/SGDĐT- GDTrH hướng dẫn các đơn vị, chỉ đạo các trường triển khai rà soát, đánh giá tình hình triển khai Mô hình Trường học mới ở các địa phương trong tỉnh. Sau khi rà soát các điều kiện, toàn tỉnh có 11 huyện, thị, thành phố đề nghị xin dừng triển khai Mô hình VNEN từ năm học 2017 - 2018. Trong đó có 9/11 huyện, thị xã, thành phố xin dừng với lý do cơ sở vật chất các trường không đáp ứng được yêu cầu triển khai Mô hình VNEN; thiếu phòng học môn Tin học; phụ huynh không đồng tình...

Tìm hiểu thực tế ở một số huyện miền núi của tỉnh, phần lớn các đơn vị, trường học đều gặp khó khăn khi không còn kinh phí hỗ trợ. Trong khi đó, việc huy động đóng góp của nhân dân, công tác xã hội hóa đạt hiệu quả rất thấp. Điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo dẫn đến khó càng thêm khó khi thực hiện VNEN.

Theo Phòng GD&ĐT huyện vùng cao Quan Hóa, khó khăn trong quá trình thực hiện Mô hình VNEN ở địa phương này là cơ sở vật chất phòng học, bàn ghế, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học theo Mô hình VNEN chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là cơ sở vật chất phục vụ dạy học môn Tin học.

Ngoài ra, trong dạy và học theo Mô hình VNEN, giáo viên chỉ dạy phần “nhận biết” trong sách giáo khoa, còn phần “vận dụng” các bậc phụ huynh phải trợ giúp con em mình. Tuy nhiên, ở khu vực miền núi, nhiều phụ huynh không biết chữ, trình độ dân trí thấp lại hay phải đi làm ăn xa nên không thể hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học tập.

Do vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của học sinh và chất lượng giáo dục của các nhà trường. Một số học sinh có khả năng tiếp thu chậm, công tác tổ chức, điều hành hoạt động nhóm gặp nhiều khó khăn. Một số học sinh chưa tự rút ra được nội dung kiến thức, có thái độ ỷ lại hoạt động cho nhóm trưởng.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên mặc dù đã được tập huấn, nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng khi tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa, quy trình tổ chức hoạt động học cho học sinh, nên chất lượng giờ dạy còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên thiếu, giáo viên liên trường nhiều, trong khi chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục của huyện không tăng thêm đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo chuyên môn của các đơn vị.

Khuyến khích duy trì VNEN

Nhiều khó khăn trong thực hiện VNEN, nhưng nhiều cán bộ, giáo viên ở các trường không thể phủ nhận những lợi ích mà phương pháp dạy theo mô hình mới này mang lại.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, học sinh học theo Mô hình VNEN có những chuyển biến đáng kể, không chỉ các em tự tìm tòi, khám phá để chủ động chiếm lĩnh kiến thức một cách vững chắc mà nhiều kỹ năng sống quan trọng được hình thành như kỹ năng hợp tác, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng trình bày trước đám đông, kỹ năng tổ chức các hoạt động…

Các em mạnh dạn và tự tin hơn rất nhiều. Đặc biệt, đối với các học sinh dân tộc vốn e dè, nhút nhát đã có sự chuyển biến rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Mô hình VNEN đã làm thay đổi môi trường lớp học, tạo nên một môi trường học tập thân thiện, gần gũi với học sinh; tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cộng đồng và nhà trường.

Cô Lê Thị Tú - Phó Hiệu trưởng Trường TH Kiên Thọ 2, huyện Ngọc Lặc - cũng chia sẻ: Bản thân cô cảm thấy rất thích, rất tâm huyết với Mô hình VNEN, bởi tính ưu việt của chương trình dạy học này.

“Tuy nhiên, học sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên việc mua bộ sách giáo khoa gần 500.000 đồng/bộ là quá sức đối với các em. Để hỗ trợ học sinh có đủ sách học, nhà trường đã tận dụng lại sách của những năm học trước. Đối với những nội dung đổi mới thì giáo viên phải có trách nhiệm hướng dẫn học sinh những điểm đổi mới để học sinh đỡ tốn tiền mua sách” - cô Lê Thị Tú cho biết.

Ông Hoàng Văn Giao, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Năm học 2017 - 2018, Thanh Hóa không mở rộng Mô hình VNEN nhưng vẫn khuyến khích các nhà trường tiếp tục duy trì triển khai Mô hình VNEN, bởi phương pháp này phù hợp với tinh thần đổi mới về GD&ĐT mà chúng ta đang hướng tới.

Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì Mô hình VNEN thì Bộ GD&ĐT cần định kì tổ chức tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên cốt cán các tỉnh, triển khai tập huấn đến các nhà trường; đồng thời hàng năm, Bộ GD&ĐT nên tổ chức các hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong quá trình thực hiện VNEN để các địa phương cùng nhau chia sẻ, học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ