Đồng Nai: Những tín hiệu tích cực từ mô hình VNEN

GD&TĐ - Năm học 2017-2018, tỉnh Đồng Nai tiếp tục duy trì mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) ở 28 trường tiểu học và 12 trường THCS. Bên cạnh những khó khăn, nhiều trường đã có cách làm hay để áp dụng mô hình VNEN một cách hiệu quả.

Học sinh tiểu học học theo mô hình VNEN ở Đồng Nai
Học sinh tiểu học học theo mô hình VNEN ở Đồng Nai

Xem VNEN là cơ hội để giáo viên đổi mới

Năm học 2015-2016, Trường TH Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ) được chọn để nhân rộng mô hình VNEN. Dù có nhiều khó khăn nhưng chỉ sau 2 năm thực hiện, Trường TH Xuân Đường đã được xếp trong nhóm những trường triển khai thành công mô hình này.

Khi bắt đầu triển khai, Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Đồng Nai) đã xuống tận trường, cung cấp tài liệu, nói chuyện với giáo viên về mô hình VNEN, từ cách quản lý, đến cách tuyên truyền, cách dạy học… để giáo viên yên tâm.

Ngoài ra, hiệu trưởng nhà trường cũng tự nghiên cứu tài liệu rồi phổ biến lại cho giáo viên. Trước đó, khi được chọn nhân rộng, hiệu trưởng đã chủ động đi thực tế tại những trường đang dạy học theo mô hình VNEN để học hỏi kinh nghiệm.

Thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường TH Xuân Đường tâm sự: “Khi được chọn nhân rộng mô hình VNEN, trường có quyền từ chối. Tuy nhiên, bản thân tôi tò mò về mô hình này nên quyết định tham gia. Ban đầu, tôi tham gia với sự hoài nghi về tính hiệu quả của mô hình. Cảm giác đầu tiên của tôi là nghi ngờ. Tôi không tin lắm, khi bước vào một lớp học mà học sinh ngồi như trong quán cà phê... Trong một cuộc họp giữa các trường thực hiện mô hình VNEN, có mặt lãnh đạo Sở GD-ĐT, tôi đã thẳng thắn phát biểu điều này”.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu, thầy Dũng nhận ra rằng: Mô hình VNEN thực chất là một phương thức để giáo viên tiếp cận học sinh trong dạy học.

Nếu xem đây là một phương thức thì nó có cả ưu điểm lẫn nhược điểm. “Do vậy, tôi quán triệt với giáo viên trong trường rằng nên xem đây là một cơ hội để đổi mới một cách hợp pháp”.

Khi họp phụ huynh, trường cho phụ huynh vào dự giờ dạy của giáo viên trong lớp. Phụ huynh được xem giờ học của con mình, xem con mình học tập như thế nào. Cuối buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm chỉ phổ biến nhanh một số nội dung liên quan đến trường, lớp. 

“Có phụ huynh nói với tôi rằng: “Học thì như nhau nhưng con tôi có thêm kỹ năng mềm mà bản thân tôi, ngay cả khi đã học xong tú tài cũng không có được. Đó là Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tự học...”. Tôi cho rằng những kỹ năng mềm này chính là giá trị ngầm của mô hình VNEN. Bản thân phụ huynh khi thấy con mình có được những kỹ năng ấy cũng sẽ đồng tình với mô hình.

Theo thầy Dũng, mô hình VNEN là một mô hình dạy học mà giáo viên có nhiều thời gian nhất để dạy cho các học sinh yếu, kém. Học sinh khá, giỏi, trung bình nếu lên lớp đúng chuẩn thì hoàn toàn có thể tự học được dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Thầy cũng cho rằng, học theo VNEN không có nghĩa là lúc nào cũng làm việc nhóm. Trong mỗi tiết học, giáo viên nên đặt ra một vấn đề mà cả lớp cùng “bí”. Khi đó, cả lớp sẽ phải hướng về phía giáo viên để nghe giáo viên giảng bài như cách truyền thống.

Về chất lượng giáo dục, sau 2 năm thực hiện mô hình VNEN, số học sinh giỏi của trường tăng lên. Trường TH Xuân Đông được Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Mỹ và Sở GD&ĐT đánh giá là đã có vận dụng và vận dụng tốt những điểm tích cực của mô hình VNEN trong giảng dạy.

Năm học vừa qua, trường cũng có 14 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đều đạt với số điểm thuộc top cao nhất.

Đồng Nai hiện có 12 trường THCS thực hiện dạy học theo mô hình VNEN

Đồng Nai hiện có 12 trường THCS thực hiện dạy học theo mô hình VNEN

Giáo viên chủ động lên kế hoạch dạy học

Năm học 2015-2016, Trường THCS Long Phước (huyện Long Thành) bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình VNEN với 5 lớp. Năm học tiếp theo, trường có 7 lớp thí điểm. Đến năm học này, trường có tổng cộng 24 lớp với gần 1.000 học sinh đang học mô hình VNEN. Năm đầu tiên áp dụng, trường đã gặp không ít khó khăn nhưng đến nay hoạt động dạy – học của trường đã ổn định.

Cả thầy và trò nhà trường đều khẳng định rất thích cách học này. Có được kết quả ấy là do Trường THCS Long Phước đã biết linh động trong quá trình giảng dạy.

Thầy Cao Văn Quế, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi yêu cầu giáo viên lấy chuẩn kiến thức, kỹ năng trong SGK làm chuẩn để tự soạn nội dung bài học theo chủ đề. Giáo viên có quyền thay đổi trình tự, phân phối bài giảng. Trình tự nào cũng được nhưng phải hiệu quả.

Để làm được điều này, giáo viên phải chịu khó nghiên cứu bài giảng, các tổ chuyên môn phải tổ chức thảo luận, bàn bạc, góp ý để đưa ra được kế hoạch dạy học hiệu quả nhất chứ không đi theo khuôn mẫu, không áp dụng máy móc, rập khuôn như trước đây”.

Về sắp xếp lớp học, trước đây trường cũng xếp lớp ngồi theo nhóm. Tuy nhiên, với phòng học nhỏ mà sĩ số lại đông thì ngồi theo cách này sẽ choán hết không gian. Do vậy, nhà trường đã cho học sinh ngồi theo dãy như trước đây. Khi nào đến hoạt động nhóm thì 2 bàn 1 sẽ quay lại với nhau để làm việc.

Em Kiều Thị Mỹ Tiên, lớp 8A3 chia sẻ: “Con thích học kiểu này vì học thoải mái, có cơ hội thảo luận nhóm nhiều hơn, được trao đổi thoải mái với giáo viên, các bạn học khá giỏi có thể kèm được cho những bạn học yếu hơn”. Còn em Đoàn Mai Huyền thì thích cách học này là do cách học khiến em cảm thấy “thoải mái hơn, đỡ áp lực hơn cách cũ. Vì học theo VNEN con chỉ phải thi 2 bài trong khi nếu học cách cũ thì con phải làm bài kiểm tra nhiều hơn”.

Khi mới thực hiện thí điểm năm đầu tiên, Trường THCS Long Phước (huyện Long Thành) cũng gặp phải sự phản đối gay gắt của phụ huynh nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác.

Năm học 2017-2018 là năm đầu tiên trường này tuyển được 360 học sinh khối lớp 6. So với con số trung bình 200 học sinh những năm học trước, đây thực sự là “con số biết nói”. Nó thể hiện sự thừa nhận của phụ huynh về chất lượng dạy học của nhà trường.

Không chỉ phụ huynh, cơ quan quản lý chuyên môn cũng đánh giá cao cách làm của Trường THCS Long Phước. Hiện tại, trường này đang là điển hình về xây dựng VNEN ở bậc THCS của Đồng Nai.

Thành công của Trường THCS Long Phước là do trong quá trình thực hiện, nhà trường đã biết lựa chọn và phát huy những ưu điểm, đồng thời loại bỏ bớt những điểm chưa thực sự phù hợp của mô hình VNEN.

Ở Đồng Nai, mô hình VNEN được đưa vào giảng dạy thí điểm từ năm học 2012-2013 tại 15 trường tiểu học. Đến năm học 2015-2016, Đồng Nai thực hiện thí điểm mô hình VNEN ở bậc THCS với 22 trường. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 15 trường tiểu học thuộc dự án và 13 trường nhân rộng với hơn 400 lớp học, gần 12.900 học sinh thực hiện mô hình VNEN. Ở bậc THCS, toàn tỉnh có 12 trường tiếp tục duy trì mô hình này với tổng số hơn 2.900 học sinh. Năm học 2017-2018, tỉnh Đồng Nai tiếp tục duy trì số lớp học VNEN này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ