Linh hoạt triển khai Mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Sau khi tổng kết Mô hình Trường học mới (VNEN), Sở GD&ĐT Kiên Giang đã chỉ đạo các trường tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả; đồng thời, triển khai mở rộng tại các địa phương trong tỉnh. 

Linh hoạt triển khai Mô hình Trường học mới

Nhờ cách làm linh hoạt, sáng tạo, đến nay Kiên Giang là một trong những địa phương triển khai Mô hình Trường học mới thành công nhất ở vùng ĐBSCL.

Trường học mới được nhân rộng

Chia sẻ về quá trình phát triển của Mô hình Trường học mới ở Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho biết: Tỉnh triển khai thực hiện Mô hình Trường học mới cấp tiểu học từ năm học 2012 - 2013, với 45 trường tham gia, chỉ có 318 lớp với 8.866 học sinh các trường thực hiện điểm.

Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 266 trường tiểu học, với 2.625 lớp/66.069 học sinh tham gia học tập theo Mô hình Trường học mới. Năm học 2017 - 2018 đã có 100% trường tiểu học có lớp thực hiện theo Mô hình Trường học mới. Ở cấp THCS đã triển khai Mô hình Trường học mới đến lớp 7 tại 77 trường, với gần 200 lớp…

Trong khi một số địa phương trong cả nước đang gặp khó khăn khi triển khai Mô hình Trường học mới thì Kiên Giang lại áp dụng thành công mô hình này. Nguyên nhân là địa phương đã linh hoạt trong áp dụng thực hiện. Sau khi dự án Trường hoc mới (VNEN) kết thúc, Sở GD&ĐT Kiên Giang đã chỉ đạo các trường tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả.

Đồng thời, triển khai mở rộng tại các địa phương trong tỉnh bằng cách đưa một số nội dung hoạt động Mô hình Trường học mới vào tất cả các trường tiểu học như: Hình thức tổ chức lớp học, vai trò nhiệm vụ giáo viên, học sinh, đổi mới sinh hoạt chuyên môn... Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên về tổ chức các hoạt động giáo dục.

Đến nay, chất lượng giảng dạy các trường theo Mô hình Trường học mới ngày càng được củng cố và nâng dần về chất lượng, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thích ứng dần việc thay đổi hình thức tổ chức lớp học, phương pháp dạy học theo hướng hoạt động trải nghiệm, phát huy những phẩm chất năng lực người học.

Kết quả đáng ghi nhận là năm học 2016 - 2017, tỷ lệ trẻ 6 - 10 tuổi đi học đúng tuổi đạt 94,63%; số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,94%. Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 97,3% (tăng 0,2% so với năm học trước). Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang: Để thực hiện mở rộng Mô hình Trường học mới khi dự án kết thúc, các trường tiếp tục mở rộng thực hiện ở các lớp chưa triển khai mô hình.

Các đơn vị phải chủ động, sáng tạo trong tổ chức học tập, quản lý công tác chuyên môn sao cho học sinh học tập hiệu quả nhất. Đặc biệt là có các giải pháp tổ chức thực hiện mô hình hiệu quả, phù hợp với từng địa phương. Trên cơ sở nền tảng của mô hình này, tùy vào các địa phương để triển khai đạt hiệu quả, không nhất thiết phải áp dụng một cách cứng nhắc…

Tất cả vì học sinh

Tại tỉnh Kiên Giang, Mô hình Trường học mới cũng được tiếp tục nhân rộng thành công ở bậc THCS. Năm học 2016 - 2017, tỉnh đã triển khai Mô hình Trường học mới đối với lớp 6, lớp 7 đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở giáo dục.

Sở thành lập Tổ tư vấn Mô hình Trường học mới từ cấp sở đến cấp huyện, thị và cấp trường để hỗ trợ, tư vấn, giải đáp và xây dựng kế hoạch phát triển Mô hình Trường học mới cho các đơn vị tham gia. Trong năm học 2016 - 2017, có 74 trường THCS tham gia Mô hình Trường học mới (tăng 31 trường so với năm học 2015 - 2016) với 252 lớp (tăng 148 lớp so với năm học 2015 - 2016) và 8.574 học sinh (tăng 5.039 học sinh so với năm học 2015 - 2016). Năm học 2017 - 2018, cấp THCS đã triển khai Mô hình Trường học mới đến lớp 7 tại 77 trường, với gần 200 lớp tham gia.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang: Mô hình Trường học mới rất phù hợp với đặc thù của một tỉnh còn nhiều khó khăn như Kiên Giang. Trong thời gian triển khai thí điểm, Trường học mới đã đạt được những kết quả khả quan, tạo bước đi cơ bản cho việc thực hiện hiệu quả trong những năm học tiếp theo.

Đến nay, việc triển khai nhân rộng Mô hình Trường học mới đạt kết quả tích cực, được xã hội ủng hộ. “Tất cả việc làm này nhằm mục tiêu phát triển kiến thức, kỹ năng cho HS. Trước đây, HS ở các tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng thường có điểm yếu là nhút nhát, rụt rè, ngại phát biểu. Đối với nhiều em HS điểm yếu này còn kéo dài mãi cho đến tuổi trưởng thành.

Đến khi ra đời, các em thường thua thiệt trong khi lao động, làm việc. Chính Mô hình Trường học mới đã giải quyết được điểm yếu này. Cách dạy, cách học, hoạt động, tổ chức lớp đã giúp HS mạnh dạn, tự tin hơn. Các em luôn chủ động xử lý và ứng xử tốt trong các tình huống. Đây là điều thay đổi mà nhiều thầy cô giáo và những người làm giáo dục rất vui mừng”.

Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng đến nay, Kiên Giang còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Đặc biệt là trường lớp học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện của ngành. Đội ngũ giáo viên vẫn thừa - thiếu cục bộ, không đồng bộ ở một số ngành học, cấp học và địa phương...

Tuy nhiên, vì mục tiêu giáo dục kiến thức và kỹ năng cho HS, ngành Giáo dục Kiên Giang đã tập trung nguồn lực để tạo nền tảng từ gốc với Mô hình Trường học mới. Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang: Toàn tỉnh có hơn 9.000 giáo viên tiểu học, với cách dạy cũ, có nhiều người hằng ngày lên lớp vẫn dạy theo giáo án của 10 năm trước và hầu như không có thay đổi gì đáng kể.

Tuy nhiên khi triển khai Trường học mới, buộc giáo viên phải vận động, đổi mới và cập nhật lại kiến thức. Ai không làm được sẽ bị tụt hậu và không đáp ứng yêu cầu của người giáo viên đứng lớp. “Như chúng tôi đã đánh giá, Trường học mới đã đánh thức người khổng lồ (đội ngũ giáo viên). Mô hình này không cho họ “ngủ đông” mà phải liên tục vận động, đổi mới từ phương pháp giảng dạy đến cách truyền thụ kiến thức. Cuối cùng chính là HS của chúng ta được hưởng lợi…”.

Linh hoạt triển khai Mô hình Trường học mới ảnh 1
Trường học mới đã đánh thức “người khổng lồ” (đội ngũ giáo viên). Mô hình này không cho họ “ngủ đông” mà phải liên tục vận động, đổi mới từ phương pháp giảng dạy đến cách truyền thụ kiến thức. Cuối cùng chính là HS của chúng ta được hưởng lợi…Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ