“Biến” phế liệu thành đồ chơi dân gian

GD&TĐ - Phế liệu qua bàn tay khéo léo của đoàn viên, thanh niên đã “biến” thành bộ đồ chơi dân gian mới lạ.

Những bộ đồ chơi dân gian được các đoàn viên, thanh niên trang trí, sơn màu bắt mắt. Ảnh: TG
Những bộ đồ chơi dân gian được các đoàn viên, thanh niên trang trí, sơn màu bắt mắt. Ảnh: TG

Điều này được các bạn trẻ ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên (Điện Biên) thực hiện nhằm giáo dục, gìn giữ giá trị truyền thống và tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em miền núi trong dịp hè.

Sáng tạo thân thiện môi trường

Nếu trẻ em ở thành thị có điều kiện tiếp cận với nhiều dịch vụ giải trí, khu vui chơi hiện đại, thì ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trẻ em vẫn còn thiếu những sân chơi mỗi dịp hè. Do không có sân chơi đúng nghĩa, trẻ em ở vùng nông thôn thường tìm đến nương rẫy, sông, suối… tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích.

“Xuất phát từ thực tế thiếu sân chơi cho trẻ em khu vực miền núi, trong khi hè về nhu cầu lại rất lớn nên chúng tôi đã xây dựng ý tưởng tạo ra những bộ đồ chơi truyền thống, để tặng cho các địa bàn dân cư. Vừa để tạo sân chơi, hướng trẻ vào những trò bổ ích mang đậm nét đẹp văn hóa dân tộc, song đồng thời cũng là bảo vệ môi trường thông qua việc tái chế lại từ rác thải nhựa” – chị Lò Thị Thúy, Bí thư Đoàn xã Thanh Luông (Điện Biên) cho biết.

Trước khi thực hiện ý tưởng dành tặng món quà tinh thần gắn liền với tuổi thơ cho các em, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xã đã khảo sát nhu cầu vui chơi của trẻ trên địa bàn. Trên cơ sở đó, chia nhóm và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.

Trò chơi dân gian ô ăn quan thu hút nhiều em tham gia.
Trò chơi dân gian ô ăn quan thu hút nhiều em tham gia.

Bắt đầu bằng hành trình đi gom nguyên vật liệu, tận dụng các sản phẩm sẵn có trong tự nhiên, phế liệu, rác thải nhựa trong sinh hoạt như: Vỏ chai, nắp nhựa, đồ mây tre, gỗ, sỏi… Không chỉ trực tiếp thu gom, để tăng hiệu quả tương tác và số lượng nguyên liệu, mỗi ĐVTN đều phát huy mối quan hệ quen biết, và phát động phong trào trên mạng xã hội.

Theo chị Thúy, vì các loại phế liệu và vật liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương nên sản phẩm làm ra không mất nhiều chi phí. Hiểu được ý nghĩa của hoạt động này, đa số gia đình, phụ huynh đã khuyến khích người thân và tích cực tham gia hưởng ứng, đóng góp cho chương trình.

Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của ĐVTN, những phế liệu bị bỏ đi, tưởng chừng như vô dụng, thậm chí có hại cho môi trường đã được lắp ghép, sơn, vẽ thành nhiều đồ chơi độc đáo, bắt mắt. Một bộ sau khi hoàn thành sẽ phục vụ được các trò chơi truyền thống, như: Ô ăn quan, cờ vua, cờ tướng, chơi chuyền, nhảy dây…

Bước đầu mô hình được triển khai thí điểm tại thôn Chế Biến, do đây là thôn duy nhất trên địa bàn xã chưa có bí thư chi đoàn, hoạt động hè cho thanh, thiếu nhi còn hạn chế. Kinh nghiệm rút ra từ mô hình này, đoàn xã sẽ triển khai đại trà đến 17 thôn, bản còn lại.

Nhiều trẻ em chưa biết các trò chơi dân gian được anh chị đoàn viên, thanh niên hướng dẫn.
Nhiều trẻ em chưa biết các trò chơi dân gian được anh chị đoàn viên, thanh niên hướng dẫn.

Gìn giữ nét đẹp dân gian

Ngay trong buổi đầu ra mắt mô hình bộ đồ chơi dân gian tại nhà văn hóa thôn Chế Biến (xã Thanh Luông), đã thu hút nhiều em nhỏ đến trải nghiệm.

Phấn khởi khi được khám phá, hòa mình cùng các trò chơi dân gian, em Mai Văn Tú, thôn Chế Biến chia sẻ: “Mỗi dịp hè chúng em thường chỉ ở nhà loanh quanh với các trò chơi tự chế, hoặc ra mương tắm. Nhưng năm nay ở thôn có bộ đồ chơi này em vui lắm! Một số trò em chưa biết chơi, nhưng được các anh chị đoàn viên hướng dẫn, đã biết chơi rồi. Em thích nhất là cờ tướng, vì nó rèn luyện tư duy, sự bình tĩnh và tính kiên trì”.

Còn với em Lò Thị Phương Thảo và nhóm bạn thân lại bị cuốn hút bởi trò chơi ô ăn quan. Thảo tâm sự: “Qua sách vở, em biết đây là trò chơi dân gian, nhưng thế hệ bọn em lại không có cơ hội tiếp xúc. Giờ được các anh chị đoàn viên tặng và hướng dẫn cách chơi, em thấy rất thú vị. Em mong sẽ có nhiều trò chơi như thế này hơn nữa”.

Mô hình được triển khai thí điểm tại nhà văn hóa thôn Chế Biến, xã Thanh Luông.
Mô hình được triển khai thí điểm tại nhà văn hóa thôn Chế Biến, xã Thanh Luông.

Chứng kiến con em mình say mê với các trò chơi mới, nhiều phụ huynh bày tỏ sự phấn khởi và yên tâm hơn.

“Các trò chơi này không chỉ tạo sân chơi cho trẻ, giáo dục việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân gian đáng quý của ông cha, mà còn hướng các cháu đến môi trường vui chơi an toàn, lành mạnh. Từ đó, tránh xa tệ nạn xã hội, hạn chế sử dụng điện thoại và trò chơi nguy hiểm khác. Vì thế chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều” – bà Đồng Thị Thanh Thủy chia sẻ.

Chế Biến là thôn thuộc khu vực nông thôn khó khăn. Thôn có hơn 100 trẻ trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Ông Phạm Văn Sinh, Trưởng thôn cho biết: Mặc dù triển khai và ra mắt trong tháng 7 nhưng mô hình đồ chơi dân gian do đoàn xã thực hiện tại thôn đã phát huy hiệu quả tích cực và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em.

Nhà văn hóa thôn Chế Biến trở thành nơi tụ hội của thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh. Hy vọng, từ trang bị đồ chơi, Đoàn xã, cơ quan liên quan sẽ bổ sung thêm sách vở, tài liệu phổ biến kỹ thuật, đời sống thường thức… để rèn văn hóa đọc cho trẻ, giúp người dân nâng cao dân trí, cải thiện đời sống.

“Đây là mô hình rất thiết thực với đặc thù nông thôn miền núi. Các cháu đều thích thú, nếu mở cửa tự do thì ngày nào cũng đến rất đông. Tuy nhiên, vì thời gian này dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên thôn không mở cửa thường xuyên, mà xếp lịch theo ngày và chia theo từng nhóm khu vực, nhằm hạn chế sống lượng trẻ chơi tập trung cùng thời điểm” – ông Sinh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.