Thầy giáo “biến” phế liệu thành máy sản xuất thức ăn chăn nuôi

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Văn Chúng tình cờ thấy video của một người Nga chế tạo máy nén cỏ và nén mùn cưa để làm củi đốt. Từ đó, thầy nảy sinh ý tưởng tạo ra máy nén thức ăn chăn nuôi.

Thầy Chúng bên máy nén viên thức ăn tự chế tạo.
Thầy Chúng bên máy nén viên thức ăn tự chế tạo.

Với chi phí 9 triệu đồng, thầy giáo Nguyễn Văn Chúng, giáo viên dạy môn Toán, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Châu Thành, An Giang) đã sáng tạo ra máy nghiền, tạo viên nén thức ăn chăn nuôi, mỗi giờ sản xuất được 100kg.

Đôi tay thoăn thoắt phối trộn theo công thức nghiên cứu được rồi cho vào máy nén thức ăn. Chỉ trong phút chốc chiếc máy tự chế xay, nghiền, nén đã tạo thành những viên thức ăn chăn nuôi đầy đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho các loại gia súc, gia cầm được nuôi phía sau nhà.

Thầy chúng kể, nhằm có thêm khoảng thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình nên thầy tận dụng mảnh đất phía sau nhà để nuôi gà, nuôi heo rừng. Nhưng do thức ăn chăn nuôi tăng giá, giá cả gia cầm gia súc giảm liên tục nên lợi nhuận không nhiều, điều đó khiến thầy trăn trở tìm cách để hạ chi phí đầu vào.

“Ngoài giảm chi phí mua thức ăn, việc tận dụng được tối ta các phụ phẩm đầy đủ dưỡng chất vào một viên thức ăn cũng khiến tôi trăn trở mãi. Lúc trước tôi có mua máy nghiền để nghiền các hạt bắp, lúa cho gà ăn. Nhưng gà chỉ lựa hạt lúa để ăn, còn bắp thì bỏ, bắp thì lại đủ dinh dưỡng cho gà. Vì thế, tôi suy nghĩ làm sao để mình trộn được các nguyên liệu này lại hết, gà khi ăn không thể lựa được, nhằm giúp cho đàn gà phát triển tốt hơn”, thầy Chúng cho biết.

Đầu năm 2017, thầy tiến hành tìm hiểu thông tin từ sách báo và mạng xã hội. Tình cờ thấy được video của một người Nga chế tạo máy nén cỏ và nén mùn cưa để làm củi đốt. Từ đó, thầy nảy sinh ý tưởng tạo ra máy nén thức ăn chăn nuôi.

Nghĩ là làm, sau khi lên ý tưởng thầy tìm đến chợ trời để “săn” thiết bị và tìm mua sắt phế liệu để tự mài mò, chế tạo nên chiếc máy nén viên. Nhưng khi máy hoàn thiện lại không nén được thành viên, vì nguyên liệu trong lúc nghiền bị quánh cục xung quanh máy, nâng suất không cao.

Sau đó thầy lại tiếp tục cải tiến các bộ phận bên trong và loại bỏ bớt phần hộp số. Ngoài ra phải trộn nguyên liệu không quá khô cũng không quá nhão để mô tơ không bị đứng. Nhờ miệt mài nghiên cứu và khắc phục, chiếc máy hoàn thiện với chi phí chỉ khoảng 9 triệu đồng.

Cấu tạo của chiếc máy gồm một mô tơ 2HP, bộ nhông ốp tắt, cây cốt nối với mặt ram được khoan nhiều lổ thủng kèm một trục ép nguyên liệu xuống máng, phía dưới gắn thêm bộ phẫn lưỡi gà để cắt viên ra tùy kích cỡ sử dụng. Tất cả đều năm trên giá đỡ bằng sắt có gắn bánh xe nên di chuyển rất dễ dàng.

Theo thầy Chúng, nguyên lý hoạt động cũng khá đơn giản: “Khi mô tơ chuyển động thì cái hộp nhông sẽ truyền lên cốt làm quay mặt ram, trục sẽ ép nguyên liệu xuống lỗ của mặt ram để tạo thành viên thức ăn. Phía dưới, có cái lưỡi gà để cắt cái viên cho nó vừa, cỡ nào mình muốn thì ra cỡ đó. Có một mặt ram để chạy hứng thức ăn để không lùa ra ngoài”.

Thức ăn cũng được thầy Chúng nghiên cứu phối trộn sao cho cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nhất cho đàn gà. “Thức ăn được tôi trộn lúa, bắp, cám gạo, xác tàu hủ cùng với loại lá thuốc để gà ăn đầy đủ dưỡng chất, hạn chế dịch bệnh. Riêng đối với những người nông dân có thể bắt ốc bưu vàng hoặc tận dụng đầu cá, cá tạp để tạo ra viên nén từ máy nén viên này. Có thể trộn thêm vitamin hay thuốc ngừa bệnh tùy theo ý muốn”, thầy Chúng cho biết.

Ưu điểm của chiếc máy là có thể xay, nghiền, nén hai loại thức ăn lớn, nhỏ, giảm chi phí mua thức ăn, kiểm soát được nguyên liệu và chất lượng thức ăn. Ngoài ra, máy hoạt động rất nhanh, viên nén đẹp và đồng đều kích cỡ. “Nếu mặt ram lổ nhỏ, một giờ máy có thể chạy ra 60 kg thức ăn viên. Nếu tôi thay mặt ram lõi lớn hơn, có thể sản xuất ra 100kg thức ăn viên thành phẩm trên giờ. Nếu cho cá ăn thì thay mặt ram lỗ nhỏ hơn, mỗi giờ có thể sản xuất ra 40kg thức ăn”, thầy Chúng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bảy (65 tuổi, ngụ cùng địa phương) cho biết: “Tôi thấy chiếc máy này rất có ích, cùng nhiều tính năng ưu việt, bởi vừa tiết kiệm được chi phí chăn nuôi, thành phẩm thức ăn tạo ra đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp vật nuôi phát triển nhanh chóng. Từ đó tăng lợi nhuận sản xuất và cải thiện kinh tế hộ gia đình”.

Hướng tới, thầy Chúng sẽ tiếp tục cải tiến hiệu suất máy, cùng với đó nghiên cứu để tạo ra máy sấy thức ăn để khi viên nén thành phẩm sẽ kịp thời sấy khô để tăng thời gian sử dụng.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ