Biến dạng… ngôn ngữ "teen"

Biến dạng… ngôn ngữ "teen"

(GD&TĐ) - Một bộ phận không nhỏ giới “teen” đã và đang sử dụng ngôn ngữ “lóng”, viết tắt, biệt ngữ... để nói chuyện, nhắn tin, chat với nhau hàng ngày. Điều đáng nói là thứ ngôn ngữ tưởng như vô hại này với sự lạm dụng thái quá của giới teen đã khiến cho ngữ pháp, ngôn ngữ dân tộc đứng trước nguy biến dạng và mất dần vẻ đẹp vốn có. 

Kinh hoàng... ngôn ngữ tuổi “teen”

Có thể nói, thứ ngôn ngữ mà tuổi teen hiện nay đang dùng được sinh ra từ nhu cầu tán gẫu trên mạng. Tán gẫu qua mạng không thể đốp chát, ầm ĩ náo nhiệt như tán gẫu bằng miệng và tốc độ gõ bàn phím cũng không thể nhanh bằng lời nói. Vì thế mà cư dân mạng đã sáng tạo ra rất nhiều kiểu viết "tối ư giản lược" đến mức kinh hoàng: không = ko, k; biết = bit, tình yêu = ty; xin chào = hi, 2; Good night to you = G92U, ASL? (what is your age, sex, location? - bạn bao nhiêu tuổi, giới tính, ở đâu?), ~ = những;  = khác...

Cách dùng từ ngữ giờ đây cũng biến dạng đến nỗi không phải dân teen, thì cũng khó lòng để dịch được tiếng Việt khi tiếng Việt bị sử dụng một cách “biến tướng”, nói chệch đến khủng khiếp. Những từ như: đúng roài (đúng rồi), khoái lém (khoái lắm), sao dị (sao vậy), chít lìn (chết liền), bít rùi (biết rồi), iu (yêu), dìa (về), đâu gòi (đâu rồi), chìu (chiều), dị (vậy), ù (ừ), mừ (mà), bùn (buồn), hic hic (thể hiện trang thái buồn), ha ha (thể hiện trạng thái vui), trùi ui (trời ơi), wen (quen), thik (thích), bb (tạm biệt), dư lào (như thế nào)... tràn ngập trong ngôn ngữ teen.

Biến dạng… ngôn ngữ "teen" ảnh 1
Ngôn ngữ nói và viết của học sinh cần chuẩn mực, trong sáng       Ảnh: Văn Lê

Thậm chí, để thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, các teen thỏa thuận những qui ước ngầm như đổi chữ cái tiếng Việt sang con số (A=1, B=2, C=3...), thay chữ bằng biểu tượng, thậm chí viết tắt cả tiếng Anh như “hello (xin chào)” thì viết thành số “2”, U là viết tắt của chữ you (anh), “G9” là viết tắt chữ “good night”... Vì vậy khi đọc hàng chữ “Ilu, Sul, G9” thì phụ huynh hoàn toàn có thể nhầm tưởng con mình đang học toán với những mệnh đề nhưng thực chất ký tự trên có nghĩa là: “I love you, see you later, good night” (Em yêu anh, hẹn gặp lại, ngủ ngon nhé”!). Muốn dịch những dòng sau cho đúng “2! hoc nan ne wa u ui. hom wa lai bi me la. Lam j de het bun day”, (tạm dịch là: Chào! Học nặng nề quá mày ơi. Hôm qua lại bị mẹ la. Làm gì để hết buồn đây), có lẽ các phụ huynh cần cấp tốc học qua một lớp... ngôn ngữ teen.

Nếu như trước đây, những ngôn ngữ kiểu như trên chỉ được dân teen sử dụng để chat chit qua mạng, qua điện thoại di động cho nhanh thì giờ đây nó đã lan tràn nhanh chóng và trở thành ngôn ngữ đời thường của nhiều bạn trẻ và không ít người lớn bị “lây nhiễm” vô tình. Cũng vì được sử dụng quá tràn lan, phổ biến nên văn phong, ngữ pháp và câu chữ đang bị biến tướng ngay trên chính những đối thoại hàng ngày của người lớn với người lớn, người lớn với trẻ em và trong rất những bài văn của nhiều học sinh, trong lời ăn tiếng nói của  học sinh với thầy cô giáo. 

Qua thực tế cũng cho thấy, giới trẻ còn tạo ra cả những ngôn ngữ chat để khẳng định cá tính của mình, cách nói gần như đọc vè và tạo ra những từ khó hiểu, hoặc vô nghĩa kiểu như: “Đau khổ như con hổ”, “Ghét như con bọ chét”, “Tào lao bí đao”, “Buồn như con chuồn chuồn”, “chán như con gián”, hay “nhỏ như con thỏ, “lớn như con lợn...

Cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Có người cho rằng, việc sử dụng ngôn ngữ teen chưa hẳn là một điều đáng chê trách, nhưng cần hướng dẫn cho các em biết sử dụng đúng lúc, đúng nơi để có thể phát huy tác dụng mà không làm giảm độ trong sáng của tiếng mẹ đẻ... Song vấn đề đáng nói ở đây là ngôn ngữ này đang ngầm lan vào trường học và được sử dụng một cách phổ biến. Sẽ ra sao khi ngôn ngữ này lấp đầy các trang vở của học sinh, và giới trẻ cố tình viết sai chỉ để khẳng định mình?

Và ai dám chắc rằng, khi các em cứ dùng kiểu câu chữ này mãi sẽ không trở  thành thói quen và khi ấy việc viết sai tiếng mẹ đẻ là khó tránh. Rõ ràng đây là một vấn đề mà từ gia đình đến các nhà trường cần có sự quan tâm, tìm hiểu và giáo dục, định hướng cho các em.

Trên diễn đàn dành cho các bà mẹ, một bà mẹ viết: Tôi tình cờ xem tập vở môn Văn của cháu, thấy rối tinh rối mù, nhiều đoạn không đọc được. Nào ngèy maj (ngày mai), ja trj nh4^n v4(n (giá trị nhân văn), b4?n ~ (bản ngã)..., phải đoán già đoán non mới hiểu được. Thế này thì có viết văn hay đến mấy cũng như không!. 

Nhiều thầy cô giảng dạy môn Ngữ văn đã cảnh báo về hiện tượng này khi họ hay gặp và phải sửa cho học sinh những câu cú, bài văn không dịch nổi ngữ pháp ngây ngô, sai be bét về cấu trúc câu. “Tình yêu” thì viết thành “tình iu”, “nhiều” thì viết thành “nhìu”, “quá” viết thành was/qa, “tấm lòng” thì viết thành “tấm nòng” trong khi “nòng súng” thì viết thành “lòng súng”. Rồi dấu chấm phẩy cũng được sử dụng loạn xạ. Chưa hết câu đã chấm. Trong khi có câu đọc đến suýt hụt hơi mà vẫn chưa thấy dừng. 

Theo một nhà ngôn ngữ học thì giới trẻ hiện nay thích sử dụng ngôn ngữ chat trong giao tiếp và hành văn bởi tâm lý muốn mình phải khác người.

Sử dụng ngôn ngữ cũng là một cách thể hiện mình như việc ăn mặc, đi đứng... Tuy nhiên, vì còn trẻ nên họ chưa khẳng định được việc thể hiện mình như vậy là đúng hay sai, các em muốn thay đổi nhưng chưa biết cách thay đổi như thế nào cho phù hợp.

Cô Nguyễn Thị Khánh giáo viên THPT Phan Đình Phùng nhận xét: “Học sinh đang lạm dụng thái quá các “biệt ngữ”, câu văn phá cách tới kỳ dị khiến cho ngữ pháp, ngôn ngữ dân tộc đứng trước nguy cơ mất dần vẻ đẹp vốn có của nó”. Những “biến tướng” này thoạt nhìn có vẻ như vô hại nhưng nó đang dần để lại một hậu quả khó lường là học sinh không thể viết đúng ngữ pháp một văn bản. Thậm chí, trong một bài viết học sinh có khi sử dụng cả từ ngữ viết tắt, cả tiếng Anh... như thách đố lòng kiên nhẫn và trình độ dịch của giáo viên. Rất nhiều học sinh khi bị nhắc nhở đã nói rằng, không chủ ý viết trong vở như vậy, nhưng do sử dụng giao tiếp và nhắn tin điện thoại hàng ngày quen nên khi viết vào vở cũng không phân biệt. 

Điều đáng nói khác, khi công nghệ thông tin càng phát triển thì ngôn ngữ teen càng phát triển theo. Ở hầu hết các diễn đàn, các blog, facebook của giới trẻ dễ dàng bắt gặp loại ngôn ngữ này. Giới trẻ thuộc nhóm tuổi teen cho rằng thứ ngôn ngữ này ngộ ngộ, lạ và nên rất thích sử dụng. Trong khi đó các chuyên gia nhận định chủ yếu là do tư tưởng khác người của lứa tuổi này. Và hiện nay, giới trẻ đang xem nó như là một trò chơi sành điệu.

Teen cần hiểu rằng nếu không giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì các em không chỉ sẽ mất đi năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ mà hơn thế nữa, các em đang đánh mất ý thức về tinh thần tự tôn, lòng tự hào dân tộc về tiếng mẹ đẻ.

Thu Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.