Ông Tedros Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, Delta đã được phát hiện ở ít nhất 98 quốc gia và lây lan nhanh chóng ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và cao.
Tại Australia, biến chủng Delta lần đầu được phát hiện tại thành phố Sydney. Ngay lập tức, quốc gia này đã ra lệnh đóng cửa biên giới. Gần 1/2 trong số 25 triệu dân được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết. Điều này thổi bùng lên nỗi bức bối của người dân quốc gia này.
Trong khi trước đó, Australia từng là một trong những hình mẫu kiểm soát dịch Covid-19 tương đối hiệu quả. Quốc gia này đã thành công dập tắt nhiều cụm dịch bùng phát nhờ đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, xét nghiệm Covid-19 rộng rãi và truy vết dịch.
Vậy nhưng giờ đây, quốc gia này lại tiếp tục căng mình chống chọi với loại biến chủng mới với nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao. Australia đặc biệt thận trọng bởi chưa tới 8% người dân được tiêm chủng.
Tại phương Tây, ngày 5/7, Na Uy thông báo hoãn việc dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 do lo ngại về làn sóng thứ 4 có liên quan đến biến chủng Delta. Kế hoạch sẽ được lùi sớm nhất cho đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, Na Uy ghi nhận tỷ lệ mắc Covid-19 mới là 47,32% trong 15 ngày qua. Tỷ lệ tử vong cũng rất thấp. Hơn 65% dân số trưởng thành tại Na Uy đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.
Điều này chứng tỏ những thành công bước đầu của Na Uy trong việc kiểm soát dịch bệnh. Nhưng quốc gia này nhanh chóng trở lại trạng thái “phòng vệ” khi biến chủng Delta xuất hiện.
Không chỉ Australia, biến chủng Delta đang mở rộng phạm vi hoành hành ở các nước đang phát triển, vốn thiếu vắc-xin Covid-19. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam hay Malaysia đều tăng cường cảnh báo và xây dựng biện pháp phòng, chống Covid-19, trong đó đặc biệt chú ý biến chủng Delta.
Ngược lại, nhiều quốc gia tự tin bước sang trạng thái bình thường mới. Tại Mỹ, trong lễ kỷ niệm quốc khánh ngày 4/7, Tổng thống Joe Biden cho biết: “Hôm nay, chúng ta có thể tự tin nói rằng, cuộc sống tại nước Mỹ đang trở lại”.
Người dân có thể tụ tập, xem pháo hoa để ăn mừng sau 16 tháng chịu cảnh bó gối trong nhà vì Covid-19. Các doanh nghiệp, nhà hàng được phép mở cửa trở lại, các trường đại học chuyển sang dạy trực tiếp trong khi các trường phổ thông có thể đón học sinh từ tháng 8, khi năm học mới bắt đầu. Tình hình tại Mỹ nhìn chung là khả quan.
Tuy nhiên, dường như vẫn còn quá sớm để nước Mỹ ăn mừng, dẫu 67% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Bởi lẽ, số ca nhiễm liên quan đến biến chủng Delta vẫn tăng ở quốc gia này và trên thế giới. Nhiều người dân vẫn chần chừ không tiêm vắc-xin.
Trong thời gian tới, Tổng thống Biden và chính quyền của ông phải tìm cách khuyến khích những người dân còn đang nghi ngại tham gia tiêm chủng. Có như vậy, kế hoạch tiêm chủng quốc gia mới đạt hiệu quả tích cực.
Với 86% dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin Covid-19, ngày 5/7, Anh thông báo kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế Covid-19 từ giữa tháng 7. Người dân quốc gia này có thể không phải đeo khẩu trang, không phải giãn cách xã hội hay làm việc tại nhà.
Các chuyên gia y tế Anh bày tỏ lo ngại nếu quốc gia này ăn mừng quá sớm trong khi biến chủng Delta có thể tạo ra những làn sóng bùng phát nguy hiểm hơn trước đây. Do đó, bất kỳ kế hoạch nới lỏng nào của Chính phủ Anh trong tình hình hiện nay cũng phải được cân đo đong đếm để tránh giẫm vào vết xe đổ của những đợt khủng hoảng trong một năm vừa qua.