Biến chủng chồng biến chủng

GD&TĐ - Hôm 20/6, các chuyên gia y tế của WHO và Indonesia cho biết, cả 3 khu vực biến chủng Delta đang hoành hành mạnh nhất đều tập trung đông dân cư là thủ đô Jakarta, miền Trung tỉnh Java và đảo Bangkalan.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Indonesia đang bị các chuyên gia cảnh báo có thể sẽ đối mặt kịch bản Covid-19 tồi tệ như tại Ấn Độ, do biến chủng Delta hoành hành ngày càng mất kiểm soát khiến số ca mắc mới liên tục vượt con số 10.000 mỗi ngày, trong khi đó biến chủng Alpha xuất hiện trước đó vẫn chưa suy giảm mức độ lây nhiễm.

Số ca mắc mới mỗi ngày và tổng số bệnh nhân dương tính với virus nCov ở Indonesia luôn cao nhất Đông Nam Á kể từ đầu dịch. Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia y tế đang lo ngại hơn cả hiện nay là việc biến chủng Delta đã chiếm đại đa số các ca mắc tại nhiều khu vực đông đúc nhất cả nước.

Biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ hiện cũng là chủng virus nguy hiểm nhất toàn cầu do khả năng lây nhiễm cao và đang hoành hành tại hơn 80 quốc gia. Chính biến chủng này đã làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch tái mở cửa của nhiều quốc gia và xóa bỏ thành quả hàng năm qua ở các mô hình chống dịch hiệu quả ở châu Á.

Do có cùng mức độ tập trung dân số cao và điều kiện y tế nên Indonesia đang khiến giới chuyên gia lo ngại sẽ là nơi chứng kiến tình trạng dịch bệnh tồi tệ ở quy mô tương đương với Ấn Độ.

Với dân số 270 triệu người sống ở hàng nghìn hòn đảo khác nhau, năng lực theo dõi diễn biến lây lan của biến chủng tại Indonesia gặp thách thức cực lớn. Do đó, quy mô lây nhiễm của virus hiện được coi là ngoài tầm kiểm soát và nguy cơ hệ thống y tế Indonesia bị sụp đổ khi “cơn sóng thần” lây nhiễm xuất hiện.

Nguồn gốc của biến thể Delta vào Indonesia được xác định là từ các cảng biển, nơi nước này có hoạt động chuyên chở hàng hóa tấp nập với Ấn Độ.

Ngoài ra, sự gia tăng chóng mặt số ca nhiễm tại Indonesia hiện nay còn do hậu quả của hoạt động đi lại nhộn nhịp vào cuối tháng ăn kiêng Ramadan vừa qua, khi nhiều người bỏ qua các khuyến cáo phòng dịch để về quê dịp lễ.

Trong khi đó, một số nhà khoa học cho rằng, biến chủng Delta có thể không phải là nguyên nhân chính của tình trạng hiện nay tại Indonesia mà là do một loại biến chủng khác.

Giáo sư Gusti Ngurah Mahardika thuộc Đại học Udayana, một nhà nghiên cứu virus cao cấp tại Bali, đánh giá mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta còn đứng sau một biến chủng khác có tên là Alpha có nguồn gốc từ Anh.

Do sự hoành hành của các biến chủng cộng với hậu quả của đợt nghỉ lễ nên trong tuần qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 ca nhiễm Covid-19 mới tại Indonesia, tăng gấp đôi so với tháng 5.

Đỉnh dịch mới nhất được ghi nhận hôm 17/6 với 12.624 ca mắc mới, cao nhất kể từ đầu năm. Số ca tử vong trong hai tuần đầu tháng 6 là 27.050 người, vượt so với 2.200 người của hai tuần đầu tháng 5. Tuy nhiên, con số thực tế tại Indonesia được cho là còn cao hơn nhiều lần do năng lực xét nghiệm và thống kê hạn chế.

Trong khi đó, vũ khí chống dịch hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc-xin thì Indonesia cũng đang bị đánh giá là ở mức chậm. Tính đến đầu tháng 6 mới có chưa đến 5% dân số được tiêm ngừa Covid-19, cách xa mốc 70% để quốc gia đông dân thứ tư thế giới này có thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Điều này khiến cuộc chiến chống dịch tại Indonesia đang ở giai đoạn đặc biệt nguy hiểm và một kịch bản giống Ấn Độ hoàn toàn có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ