Biến chủng Delta “tái chiếm” thế giới

GD&TĐ - Các chuyên gia y tế cho rằng với đặc điểm lây lan nhanh như biến chủng Delta thì tỷ lệ tiêm chủng phải nâng lên hơn 80% dân số thì mới có khả năng ngăn chặn biến chủng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Biến chủng của virus Covid-19 có nguồn gốc từ Ấn Độ, được WHO đặt tên chính thức là Delta, đang lây lan dữ dội với tốc độ được mô tả như một đợt cháy rừng, buộc nhiều nước phải quay lại các biện pháp phong tỏa dù đã có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Theo Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Delta đang là biến chủng virus phổ biến và nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay khi đã lây lan tới 85 nước. Tại nhiều quốc gia, sự bùng phát của biến chủng này đang khiến kế hoạch mở cửa trở lại bị đảo lộn.

Thành phố 5 triệu dân Sydney của Australia vừa phải áp lệnh phong tỏa kể từ ngày 26/6, sau khi phát hiện ổ dịch do biến chủng Delta gây ra khiến số ca nhiễm trong cộng đồng tăng đột biến.

Tình hình tại Nga còn nghiêm trọng hơn, khi biến chủng Delta đẩy số ca nhiễm mới đột ngột tăng vọt trong những tuần gần đây. Tâm dịch Moscow đang ghi nhận 90% số ca nhiễm mới có liên quan đến biến chủng này.

Đặc biệt, thành phố chủ nhà của Euro 2020 là Saint Petersburg cũng xác lập số ca tử vong cao nhất kể từ đầu dịch là 107 ca hôm 27/6, buộc chính quyền phải đóng cửa các trung tâm mua sắm và khu vực dành cho người hâm mộ bóng đá.

Làn sóng tái phong tỏa do biến chủng Delta cũng đang phổ biến ở các nước châu Á. Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok và 5 tỉnh sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày 28/6. Ổ dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia thì được cảnh báo đang đứng trước kịch bản tồi tệ nhất.

Tổng thống Joko Widodo cho biết đất nước đang phải đối mặt với “một tình huống bất thường” trong dịch bệnh. Trong ngày 26/6 nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước đến nay là hơn 21.000 ca.

Đặc biệt, biến chủng Delta còn đang thách thức cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu trên thế giới. Israel hai tuần trước đã cho phép người dân bỏ đeo khẩu trang nơi công cộng do đạt tỷ lệ tiêm chủng tiệm cận mức miễn dịch cộng đồng là 70% dân số.

Tuy nhiên, trong những ngày cuối tuần này, số ca nhiễm mới liên quan đến biến chủng đột ngột tăng cao trên 100 ca mỗi ngày, khiến Israel lại phải tái áp dụng lệnh đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Anh cũng có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự Israel nhưng kế hoạch mở cửa trở lại hoàn toàn của chính phủ nước này vào cuối tháng 6 đang phải trì hoãn lại, do diễn biến khó lường mới của dịch. Trong ngày 27/6, nước này ghi nhận tới 18.270 ca nhiễm mới và đại đa số do biến chủng Delta gây ra.

Các chuyên gia y tế châu Âu đang dự báo trong thời gian tới, biến chủng Delta sẽ “tái chiếm” châu lục này khi chiếm tỷ lệ chính trong các ca lây nhiễm mới. Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ cũng đang chứng kiến việc biến chủng Delta trở thành virus vượt trội trong số các ca nhiễm mới, buộc Tổng thống Joe Biden phải lên tiếng thúc giục người dân đẩy mạnh tiêm chủng để ứng phó.

Các chuyên gia y tế cho rằng với đặc điểm lây lan nhanh như biến chủng Delta thì tỷ lệ tiêm chủng phải nâng lên hơn 80% dân số thì mới có khả năng ngăn chặn biến chủng.

Đây thực sự là một thách thức với cả những nước đang thành công trong chiến dịch tiêm chủng hiện nay, chưa kể các quốc gia đã bị chậm lại trong hoạt động này. Sự hoành hành của biến chủng Delta một lần nữa cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 khó có thể kết thúc sớm như kỳ vọng của nhiều người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.