Tìm kiếm tư liệu
Bước đầu tiên, theo cô Huệ là tìm kiếm tư liệu. Theo đó, tùy vào yêu cầu của mỗi cuộc thi mà chúng ta nên tìm kiếm, lựa chọn tư liệu phù hợp. Thông thường, một bài dự thi có nhiều câu hỏi khác nhau. Cho nên, phải sưu tầm nhiều loại sách với những nội dung khác nhau để đáp ứng yêu cầu cuộc thi.
Đối với câu hỏi tự luận, phải đọc kĩ để tránh lạc đề; viết ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo chuyển tải được thông điệp, tránh sử dụng những từ ngữ rườm rà không cần thiết. Nên viết đi viết lại nhiều lần, sau đó sửa chữa, bổ sung cho hoàn chỉnh. Cuối cùng kiểm tra lại bài viết để đảm bảo không có các lỗi chính tả…
Tìm ý tưởng
Ý tưởng là một lối suy nghĩ có thể tạo ra sản phẩm mới khác biệt với những gì đang có. Chúng ta phải lên kế hoạch và hoạch định những gì mình muốn làm, những gì mình cần phải có trong kế hoạch.
Trang trí trang bìa
Trang bìa phải đẹp và ấn tượng đối với người đọc. Vì thế, cần thiết kế hình ảnh, font chữ sao cho thật phù hợp và lôi cuốn người đọc.
Phần mở đầu
Đối với các câu hỏi giáo khoa: Người dự thi tập trung trả lời sau khi đã tìm kiếm tư liệu. Tiếp đến, suy nghĩ đến cách trình bày như thế nào cho khoa học, đẹp và lôi cuốn.
Nội dung bài thi có thể chia làm ba phần: Phần mở đầu, thân bài và kết bài. Để minh họa cho phần kiến thức, người sự thi có thể sưu tầm một số hình ảnh để bài dự thi sinh động hơn, chọn những font chữ lạ hơn, bố trí hình ảnh sao cho phù hợp để thu hút người xem.
Chúng ta phải viết “Lời mở đầu” trước khi vào làm bài dự thi, giới thiệu khái quát về nội dung cần trình bày. Có thể kèm theo hình ảnh minh họa.
Phần thân bài: Trả lời các câu hỏi
Chú ý chọn những hình thức trả lời khác nhau để tạo sự chú ý cho người đọc, có thể dùng các kiểu chữ, màu sắc và cách thức trình bày ở mỗi bài dự thi và cũng kèm theo hình ảnh minh họa.
Phần kết bài: Khái quát vấn đề một cách ngắn gọn mà súc tích.
Viết bài tự luận
Để viết được một bài dự thi nói chung và bài dự thi “ Tìm hiểu luật tìm hiểu pháp luật và các kiến thức xã hội” nói riêng, chúng ta cần đầu tư thời gian rất nhiều thời gian.
Đừng bao giờ tham vọng rằng sẽ có được một bài viết hay chỉ sau một vài tiếng đồng hồ. Hãy tưởng tượng bài luận cũng giống như một bản quảng cáo mà sản phẩm cần giới thiệu ở đây chính là bản thân chúng ta.
Bài luận sẽ nói lên nhiều nhất về bạn trong một giới hạn nhỏ nhất về số lượng câu chữ. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian và công sức cho từng câu, từng ý trong bài luận của mình.
Đến các câu hỏi tự luận của Bài dự thi, phải lưu ý: Những bài thi tự luận là một công cụ hữu hiệu trong việc kiểm tra khả năng lập luận cũng như tư duy lô-gic của người học. Chính vì vậy, biết cách “xử lý” những bài thi dạng này một cách hiệu quả sẽ là chìa khóa giúp bạn thành công.
Để làm câu hỏi tự luận, chúng ta hãy lập dàn ý đại cương. Sau đó, bắt đầu viết, cần viết ngắn gọn. Hầu hết các bài luận chỉ giới hạn từ 800 -1000 từ. Giới hạn đó không phải là nhiều để có thể chuyển tải được tất cả thông điệp của mình.
Người viết tránh sử dụng những từ hoặc cụm từ thừa, rườm rà, không cần thiết. Tránh lối viết nhàm chán, lặp lại, tránh sử dụng ngôn từ quá hoa mĩ, tránh sử dụng những từ ngữ phức tạp, tránh từ ngữ sáo rỗng, hãy sáng tạo và thể hiện các ý tưởng bằng từ ngữ của chính mình.
Trong bài tự luận cần chú ý phần mở đầu và phần kết thúc bài. Trong khi phần mở đầu là phần đáng chú ý nhất của bài luận thì phần kết luận cũng không kém phần quan trọng.
Phần kết phải như một sợi dây gắn kết các ý thật chặt chẽ với nhau. Chúng ta nên viết đi viết lại bài luận nhiều lần. Có thể viết nháp, vài ngày sau xem lại, sẽ phát hiện thấy vài điều mới cần sửa hoặc bổ sung mà trước đó chúng ta không để ý đến.
Sau đó kiểm tra lại bài viết trước khi đem nộp. Nếu làm như trên, tôi tin rằng bạn sẽ đạt kết quả tốt.
Trong các cuộc thi, số lượng bài thi tham gia rất nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Kết quả đạt được sau mỗi cuộc thi còn rất ít.
Bên cạnh cái được đó, nhiều cuộc thi viết tìm hiểu chưa đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chính là do ý thức, thái độ của đối tượng tham gia còn hạn chế, còn xem thường ý nghĩa cuộc thi.
Yêu cầu viết tay, thì nhiều người nhờ người khác, con cháu, học sinh viết dùm. Yêu cầu đánh máy vi tính đóng thành tập, thì lại dễ dàng nhân bản hàng loạt.
Nhiều người tham gia có tâm lý, mình làm tốt chắc gì được giải, cả hàng vạn, hàng triệu bài thì ban giám khảo làm sao đọc, kiểm tra cho xuể. Thôi nhờ người chép, nhờ người in cho một bản nộp cho xong.
Nói tóm lại, ý thức, thái độ ham hiểu biết, học hỏi qua những cuộc thi viết tìm hiểu của cán bộ, học sinh, còn có nhiều điều đáng bàn.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Huệ